Theo nhận định của ông Gabor Fluit – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đồng thời là Tổng Giám đốc khu vực châu Á Tập đoàn De Heus: Trước kia, dòng vốn từ EU tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, song gần đây đã có không ít đại gia đầu tư các dự án chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến lâm sản, thức ăn gia súc...
So với các dự án FDI đầu tư vào các lĩnh vực khác và so với tổng vốn FDI, FDI vào lĩnh vực nông nghiệp nhỏ về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư. Tuy nhiên, các dự án FDI đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, là đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Chiến lược hợp tác quốc tế ngành nông nghiệp tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 70 tỷ USD, thu hút vốn FDI đến 25 tỷ USD, thu hút vốn vay đạt 5 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại đạt 1 tỷ USD…
Minh chứng cho điều này phải kể đến Tập đoàn De Heus – doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đến từ Hà Lan. Tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam năm 2008 bằng việc mua lại 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Hải Phòng và Bình Dương.
Từ đó, De Heus liên tục mở rộng quy mô sản xuất bằng việc đầu tư xây dựng nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mới, xây dựng hệ thống chuỗi liên kết với các trang trại sản xuất con giống quy mô lớn, các nhà máy giết mổ, mang đến nguồn thực phẩm sạch, an toàn và truy xuất được nguồn gốc đến người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế.
Gần đây, tập đoàn này đã gây tiếng vang khi mua lại một loạt nhà máy thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Masan, đồng thời liên kết với Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước) để xây dựng hệ sinh thái mới là các tổ hợp dự án nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tổng vốn đầu tư De Heus đổ vào nông nghiệp Việt Nam đến nay khoảng 1,1 tỷ USD.
Trao đổi với phóng viên, ông Gabor Fluit – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Tổng Giám đốc khu vực châu Á Tập đoàn De Heus cho biết: "Trước đây doanh nghiệp chọn Việt Nam làm nơi sản xuất rồi xuất khẩu sản phẩm ngược trở lại nước họ bởi nguồn lao động dồi dào, giá rẻ. Rất nhiều tập đoàn lớn của EU gặt hái thành công như Heineken, Unilever, Nedspice, Nestle…, nhưng hiện nay các doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội đầu tư, bán sản phẩm ở thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, cùng hàng chục triệu khách du lịch đến Việt Nam mỗi năm".
Theo ông Gabor, khi một doanh nghiệp nước ngoài tìm địa điểm đầu tư, yếu tố đầu tiên họ quan tâm đó là an ninh, mối quan hệ của nước đó với các nước trong khu vực và thế giới, và Việt Nam là nơi De Heus lựa chọn bởi đã áp dụng uyển chuyển, thành công chính sách ngoại giao "cây tre", đặc biệt là gần đây quan hệ ngoại giao của Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc rất phát triển.
Rất nhiều doanh nghiệp EU đang đến Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư, trong đó du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo là những lĩnh vực hấp dẫn.
Mới đây nhất, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phúc Sinh cho biết, công ty đã ký kết thỏa thuận nhận vốn đầu tư từ một quỹ đến từ châu Âu vào cuối năm 2023. Danh tính của quỹ và giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng Phúc Sinh được định giá ở mức 320 triệu USD.
Còn ông Marc Stordiau - Chủ tịch Tập đoàn Rent-a-port (Bỉ) cho biết, một số nhà nhập khẩu của Bỉ đang thành lập mạng lưới nhằm giúp đỡ đối tác Việt Nam xuất khẩu tối đa trái cây từ ĐBSCL sang châu Âu với thời gian bảo quản lên đến 2 tháng, không dùng thuốc hóa học. Một hệ thống kho lạnh sẽ được xây dựng tại cảng Cái Mép để bảo quản trái cây, sau đó vận chuyển bằng đường biển sang châu Âu.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu Valdis Dombrovski đánh giá, Việt Nam đang trở thành một trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ năm 2020 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ thương mại đầu tư giữa Việt Nam và các nước EU, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng gần 50%. Trong đó, tăng nhiều nhất là ở các mặt hàng nông nghiệp như gạo, hạt điều, hạt tiêu, cao su.
“Vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện môi trường kinh doanh nông nghiệp và làm cho các sản phẩm này trở nên phổ biến hơn ở châu Âu. Tín hiệu vui là một số tập đoàn lớn trước đây không tham gia vào nông nghiệp thì gần đây đã đầu tư vào lĩnh vực này. Họ xác định rằng, nông nghiệp không phải là lĩnh vực sinh lời ngay và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng đã đầu tư thì phải làm tốt, đúng luật. Đừng nghĩ ngắn hạn, kiếm tiền trước mắt để làm giàu mà hãy cùng nhau tạo ra cú huých để thay đổi hình ảnh nông nghiệp Việt Nam. Từ giá trị đó, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài sẽ cùng doanh nghiệp trong nước gia tăng vị thế, đưa nông sản Việt Nam ra nước ngoài nhiều hơn” – Chủ tịch EuroCham nói.