Kỳ lạ, đảo Dấu cách bờ biển Hải Phòng non 1km, lên thấy rừng rậm, bãi đá cổ, cá heo bơi hàng đàn
Kỳ lạ, một hòn đảo cách bờ biển Hải Phòng non 1km, lên thấy rừng rậm, bãi đá cổ, cá heo bơi hàng đàn
Thứ ba, ngày 06/02/2024 08:53 AM (GMT+7)
Sức hút của cánh rừng nguyên sinh, ngọn hải đăng trăm tuổi và câu chuyện về Nam Hải Thần Vương giúp hòn đảo Dấu trở thành điểm đến hàng đầu tại quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng.
Từ bến tàu khách nằm trong Khu du lịch đảo Dấu trên địa bàn phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, du khách ngồi tàu chừng 20 phút, là cập bến đảo Dấu.
Do đảo Dấu rộng hơn 1 cây số vuông, nên chỉ cần chưa đến 2 giờ đồng hồ, là có thể khám phá toàn bộ điểm đến được mệnh danh là “viên ngọc” quý của du lịch Đồ Sơn.
Vào những ngày nước xuống, ngay khi bước chân lên đảo Dấu, du khách có thể bắt gặp cảnh các bà, các mẹ, các chị, các cô người Đồ Sơn với cầm chiếc búa và chiếc xô nhựa nhỏ trong tay, cặm cụi gõ hà đá tại các bãi cạn.
Với giá bán 120.000 - 150.000 đồng/kg ruột hà đá, công việc này đem lại thu nhập ổn định, quan trọng trong những ngày chờ tàu của người thân trong gia đình cập bến sau những chuyến đi biển dài ngày.
Đảo Dấu trên địa bàn phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ với cánh rừng nguyên sinh bao trùm toàn đảo.
Thăm đảo Dấu, nơi du khách thường ghé đầu tiên là đền thờ Nam Hải Thần Vương. Tương truyền, ngài là vị tướng dưới thời nhà Trần.
Trong cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông, ngài đã tử trận, một phần thi thể trôi giạt vào đảo Dấu và được người dân địa phương chôn cất, lập đền thờ. Tên hiệu Nam Hải Thần Vương được sắc phong dưới thời nhà Nguyễn.
Theo lời kể của các bậc cao niên ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, từ khi xây đền thờ Nam Hải Thần Vương, cá heo kéo đến hàng đàn tung tăng bơi lội quanh đảo Dấu.
Cứ mỗi lần cá heo nối đuôi nhau bơi từ ngoài khơi vào gần bờ, là trời yên biển lặng. Nhưng khi thấy cá heo bơi từ bờ ra khơi xa, vừa bơi, vừa nhảy vút lên khỏi mặt biển, là sắp có biển động.
Từ đó, cứ thấy cá heo bơi vào bờ, là ngư dân Đồ Sơn yên tâm ra khơi, lần nào về cũng tôm cá đầy khoang.
Tin rằng Nam Hải Thần Vương hiển linh qua đàn cá heo để giúp đỡ, bảo vệ mọi người, nên vào dịp lễ hội đầu năm, ngư dân Đồ Sơn đến đền thờ làm lễ xin ngài phù hộ.
Cuối năm đến làm lễ tạ ơn. Mâm lễ đơn giản, chỉ có con gà, đĩa xôi, 1 miếng thịt lợn luộc, trầu cau, hoa quả.
Đền thờ Nam Hải Thần Vương trên hòn đảo Dấu thuộc địa phận phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng.
Không chỉ giúp đỡ ngư dân, người dân địa phương và du khách có niềm tin rằng, Nam Hải Thần Vương sẽ trừng khi nghiêm khắc những hành vi ảnh hưởng đến đảo Dấu, như phá cây, bẻ cành, mang đá cuội ra khỏi đảo về làm kỷ niệm. Vì thế, đến nay đảo Dấu vẫn giữ được những nét hoang sơ vốn có.
Đến thăm đảo Dấu, du khách không nên bỏ lỡ khám phá cánh rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, phần gốc phải vài người ôm mới hết.
Ngay gần đền thờ Nam Hải Thần Vương có quần thể đa búp đỏ cổ thụ đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Từ đền thờ Nam Hải Thần Vương, du khách tản bộ theo con đường nhỏ rợp bóng mát của cánh rừng nguyên sinh khoảng 20 phút, là tới Hải đăng Hòn Dấu. Hải Đăng Hòn Dấu cùng với Hải Đăng Kê Gà và Hải Đăng Long Châu là 3 ngọn hải đăng lâu đời nhất nước ta.
Theo tư liệu lịch sử, Hải Đăng Hòn Dấu được người Pháp xây dựng từ năm 1892, đến năm 1896 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Nằm trên điểm cao nhất của đảo Dấu, gần 130 năm qua, ánh sáng của Hải Đăng Hòn Dấu đã dẫn đường cho các chuyến tàu cập bến an toàn.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giống Hải Đăng Long Châu, Hải Đăng Hòn Dấu đã hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn của kẻ thù.
Với ý chí, quyết tâm “Còn người, còn đảo, trái tim còn đập, đèn còn sáng”, các thế hệ cán bộ, công nhân bảo vệ, vận hành Hải Đăng Hòn Dấu thắp và giữ ánh sáng của ngọn đèn biển hằng đêm để bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu cập Cảng Hải Phòng, Cảng Hòn Gai.
Du khách chụp ảnh lưu niệm trong khuôn viên Hải Đăng đã 120 tuổi trên hòn đảo Dấu, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng.
Những năm qua, vẻ đẹp của cánh rừng nguyên sinh, câu chuyện lịch sử hào hùng của ngọn đèn biển trăm tuổi, những truyền thuyết nhuốm màu tâm linh về Nam Hải Thần Vương đã thu hút biết bao du khách cũng như người dân địa phương đến với đảo Dấu.
Có người đến để thăm quan, du lịch. Ngư dân cầu ra khơi sóng yên biển lặng, tôm cá đầy khoang. Dịp đầu năm mới, nhiều người cầu ăn nên, làm ra, phát tài, phát lộc.
Thế nhưng, tuyệt nhiên không ai dám bẻ một cành cây, mang một hòn đá ra khỏi đảo. Đến với đảo Dấu, ai cũng tự nhủ “Không lấy gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những bước chân”.
Chính “chiếc khiên” tâm linh đã giữ cho đảo Dấu còn vẹn nguyên sự hoang sơ vốn có dù cách khu du lịch Đồ Sơn đông đúc, sầm uất chỉ 20 phút ngồi tàu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.