Ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết như vậy và khẳng định, nhiều doanh nghiệp (DN) châu Âu đã chọn Việt Nam đặt nhà máy sản xuất, sau đó xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới, trở thành những "con chim đại bàng" có nhiều đóng góp cho kinh tế, xã hội…
Ông Gabor Fluit cho rằng: "Lúc đầu, các DN chọn Việt Nam làm địa điểm đặt nhà máy sản xuất bởi có nguồn lao động dồi dào và rẻ, nhưng sau này họ đã nhìn thấy cơ hội đầu tư, bán sản phẩm ở ngay thị trường nội địa với gần 100 triệu dân và hàng chục triệu khách du lịch đến Việt Nam mỗi năm. Đơn cử như Tập đoàn De Heus đã và đang đầu tư hàng chục nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam không phải nhằm mục tiêu xuất khẩu sản phẩm đi nước ngoài, mà chủ yếu phục vụ người chăn nuôi trong nước".
Chiến lược hợp tác quốc tế ngành nông nghiệp tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 70 tỷ USD, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI) đến 25 tỷ USD, thu hút vốn vay đạt 5 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại đạt 1 tỷ USD…
Chủ tịch EuroCham cho biết, hiện nay nhiều DN đã xem xét lại chuỗi liên kết cũng như chiến lược kinh doanh của họ, theo đó nhiều công ty đánh giá Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế phù hợp để họ chuyển giao một phần chuỗi cung ứng.
Khoảng 20-30 năm gần đây, lĩnh vực công nghiệp đã có bước phát triển mạnh, các ngành dịch vụ, du lịch, ngân hàng tài chính cũng phát triển nhanh, song cái gốc của Việt Nam vẫn là nông nghiệp.
Ông Gabor Fluit cho biết: Số lao động đang làm việc trong lĩnh vực này lớn, đặc biệt khi thế giới xảy ra nhiều biến động, những quốc gia tự sản xuất được nhiều lương thực, thực phẩm như Việt Nam lại cho thấy lợi thế về an ninh lương thực, an ninh thực phẩm. Các sản phẩm Việt Nam tự sản xuất được vô cùng phong phú, từ gạo, thịt, cá, trứng, sữa, rau củ, trái cây…, thậm chí có dư bán cho nhiều quốc gia khác.
Với con số giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 53 tỷ USD, ông Gabor cho rằng khá lớn, song nếu Việt Nam đi đúng hướng và tiếp tục gia tăng được giá trị sản phẩm, giảm tỷ lệ xuất thô, tăng chế biến sâu thì chắc chắn kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi.
"Theo tôi, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu nông sản được 100 tỷ USD" - ông Gabor Fluit nhấn mạnh.
Chủ tịch Euro Cham phân tích: Nông nghiệp ít khi thu hút những dự án rất lớn như ngành công nghiệp, điện tử, số tiền có thể không lên đến hàng tỷ USD, nhưng sẽ có rất nhiều dự án vừa và nhỏ đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt. Gần đây có sự biến động lớn về thị trường công nghệ 4.0, máy bay điều khiển từ xa… Chi phí đầu tư công nghệ ngày càng rẻ, cơ hội tiếp cận công nghệ đối với nông dân Việt Nam ngày càng gần hơn. Khi đó, chắc chắn hiệu quả, năng suất nông nghiệp sẽ tăng lên, đồng nghĩa giá trị kinh tế cũng tăng cao.
Cần quyết tâm chính trị thông suốt
Nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ngày 12/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu sản xuất kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, để đẩy mạnh thu hút đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 57/2018 với các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung nhiều quy định, yêu cầu về đối tượng hỗ trợ cho các dự án nông nghiệp. Cốt lõi của vấn đề là nhằm tháo gỡ vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn để chính sách đi vào thực tiễn, đến được với những DN đang có nhu cầu và tiềm năng muốn đầu tư vào ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, hiện cả nước có khoảng trên 50.000 DN đầu tư vào nông nghiệp, một con số rất khiêm tốn so với tổng số trên 900.000 DN đang hoạt động ở nước ta, điều này cho thấy việc thu hút DN đầu tư vào ngành nông nghiệp đang cần có sự đột phá từ các chính sách, tư duy rộng mở và quyết tâm chính trị nhất quán từ T.Ư đến địa phương.
Theo ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ NNPTNT, phát triển nông nghiệp bền vững cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành, DN và người nông dân. Cơ quan nhà nước giữ vai trò cầu nối từ cộng đồng DN đến người nông dân.
Cộng đồng DN giới thiệu, dẫn dắt người nông dân từng bước tiếp cận các quy chuẩn của thị trường, xu thế tiêu dùng, điều chỉnh từ quán tính "tự cung, tự cấp" sang sản xuất theo tín hiệu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
"Cộng đồng DN hỗ trợ tư vấn kiến thức kinh tế, cập nhật thông tin thị trường cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Đó là mối quan hệ tương hỗ và bình đẳng, cần nhau, bổ trợ lẫn nhau, chứ không phải "xin - cho". Như vậy, với cơ quan quản lý nhà nước, DN là đối tác, hoàn toàn không phải đối tượng để quản lý. Chúng ta luôn cần có nhau, chung bước trên hành trình phát triển nông nghiệp bền vững '' - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.