Một xã nông thôn mới ở Bình Định có những "ngôi nhà xanh" rất đặc biệt

Quy Nhơn Thứ bảy, ngày 03/02/2024 13:59 PM (GMT+7)
“Ngôi nhà xanh, thu gom phế liệu - bao bì ni-lông” ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Bình Định là mô hình “đặc biệt”, góp phần xoá bỏ tình trạng vứt rác bừa bãi, bảo vệ và làm sạch môi trường nông thôn.
Bình luận 0

Mang rác về "ngôi nhà xanh", không chỉ sạch môi trường mà còn gây quỹ giúp mảnh đời khó khăn

Ân Nghĩa là xã đặc biệt khó khăn của huyện trung du Hoài Ân, Bình Định, nhưng bằng sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, xã này đã được UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Trước đây, tình trạng vứt rác bừa bãi, nhất là vỏ lon, chai nhựa, bao bì ny lông còn diễn ra khá phổ biến tại các khu dân cư tại xã Ân Nghĩa.

Một bộ phận người dân chưa có ý thức trong việc chung tay bảo vệ môi trường. Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng những mô hình thiết thực nhằm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân.

Trong đó, điển hình là mô hình "Ngôi nhà xanh thu gom phế liệu - bao bì ni-lông" do Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ân Nghĩa, triển khai thực hiện từ năm 2022.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã xây dựng 8 "ngôi nhà xanh" tại 7 nhà văn hóa thôn và chợ Kim Sơn, giao cho Chi hội Phụ nữ các thôn quản lý, vận động các hội viên, hộ gia đình thực hiện.

Một xã nông thôn mới ở Bình Định có những "ngôi nhà xanh" rất đặc biệt - Ảnh 2.

Khung cảnh xã nông thôn mới Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Bình Định. Ảnh: QN.


"Sau khi được Chi hội Phụ nữ thôn tuyên truyền, giới thiệu về ý nghĩa của mô hình ngôi nhà xanh, bản thân tôi đã nâng cao ý thức trong việc phân loại rác thải tại nguồn, không vứt rác thải nhựa nữa, mà mang rác gom về ngôi nhà xanh của thôn để bỏ. 

Không những góp phần bảo vệ môi trường, mà còn có thể gây quỹ giúp cho các chị em phụ nữ khó khăn khác", chị Đoàn Thị Xuân (SN 1985, ở thôn Kim Sơn) cho hay.

Xã Ân Nghĩa nằm cách xa trung tâm huyện Hoài Ân 14km về phía Tây Nam, với tổng diện tích tự nhiên 9.774,05ha. Phía Đông giáp xã Ân Tường Tây, phía Tây giáp xã Bok Tới, phía Nam giáp huyện Phù Cát, phía Bắc giáp xã Ân Hữu, có đường tỉnh lộ ĐT.630 đi từ Ngã 3 Kim Sơn đến thị trấn Tăng Bạt Hổ. 

Giao thông nông thôn phần lớn được thảm nhựa và bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bước vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ân Nghĩa là xã đặc biệt khó khăn, kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn tuy đạt những kết quả nhất định, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. 

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình còn hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Do đặc điểm là xã thuần nông, cây lúa là cây chủ lực và khó chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên thu nhập của người dân còn thấp, so với yêu cầu đạt chuẩn nông thôn mới. 

Phát triển sản xuất tuy có chuyển biến, nhưng chưa tháo gỡ những khó khăn về liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Một xã nông thôn mới ở Bình Định có những "ngôi nhà xanh" rất đặc biệt - Ảnh 4.

Giao thông tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Bình Định được bê tông hoá. Ảnh: QN.

Trong khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ân Nghĩa xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng. 

Được nhân dân đồng tình ủng hộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao, sáng tạo trong triển khai thực hiện.

Nhận thức của nhân dân về xây dựng nông thôn mới ngày được nâng cao, bà con tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Sau bao năm nỗ lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới, đến nay bộ mặt nông thôn xã Ân Nghĩa chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện. 

Điện được thắp sáng trên các ngõ đường quê, tường rào cổng ngõ trên các tuyến đường được xây dựng khang trang. 

Cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sản xuất và an sinh xã hội.

Phát triển sản xuất được quan tâm hỗ trợ, thu nhập người dân ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo được giảm bền vững. 

Quốc phòng an ninh trên địa bàn xã luôn được đảm bảo, tình hình trật tự an toàn xã hội các năm đều được ổn định, giữ vững.

Để đạt mục tiêu trên, những năm qua, xã đã tập trung thực hiện quy hoạch và giữ môi trường trong lành.

Trong đó, việc xây dựng, cải tạo cảnh quan môi trường luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi, đây là tiêu chí quan trọng và khó thực hiện, phải duy trì triển khai thường xuyên.

Chăm lo đời sống người dân, giảm nghèo bền vững

Theo Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa Nguyễn Văn Liên, được UBND tỉnh Bình Định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là niềm vinh dự của xã Ân Nghĩa sau nhiều năm, nỗ lực vượt khó về đích nông thôn mới.

Bài học kinh nghiệm là cần thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải xác định nhân dân là chủ thể chính, Đảng đóng vai trò chỉ đạo, Nhà nước đóng vai trò tổ chức thực hiện, đối tượng trực tiếp hưởng lợi là người dân.

Một xã nông thôn mới ở Bình Định có những "ngôi nhà xanh" rất đặc biệt - Ảnh 6.

“Ngôi nhà xanh, thu gom phế liệu - bao bì ni-lông” ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Bình Định là mô hình “đặc biệt”, làm sạch môi trường nông thôn. Ảnh: QN.

"Bởi, chỉ khi nào nhân dân hiểu được các chủ trương chính sách của Đảng, được tham gia bàn bạc kế hoạch các giải pháp tổ chức thực hiện của địa phương như đồ án quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới. Từ đó, nhân dân xác định được rằng, họ chính là chủ thể của chương trình, còn nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ", ông Liên nói.

Vẫn theo Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, việc huy động nguồn kinh phí, sức người, vật chất đóng góp của nhân dân, cần phải được công khai rõ ràng.

Việc miễn giảm huy động đối với các đối tượng theo quy định của pháp luật, cần để cho nhân dân được bàn bạc và tự quyết định, nhằm đảm bảo tính công bằng trong cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, kịp thời khen thưởng các cá nhân có thành tích tốt trong triển khai thực hiện chương trình, để tạo ra không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân, góp phần quyết định đến việc thành công của chương trình.

Thời gian tới, xã Ân Nghĩa tiếp tục nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025 có 1 khu dân cư kiểu mẫu và 1 vườn mẫu, đăng ký xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2026 – 2030.

Một xã nông thôn mới ở Bình Định có những "ngôi nhà xanh" rất đặc biệt - Ảnh 8.

Cuộc sống người dân ở xã nông thôn mới Ân Nghĩa ngày càng ổn định, phát triển. Ảnh: QN.

"Chúng tôi, tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nhất là đối với các cây trồng, vật nuôi có lợi thế của xã. Góp phần nâng cao thu nhập người dân nông thôn, thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững", ông Liên cho hay.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Xuân Phong đánh giá, xã Ân Nghĩa đã vượt khó nỗ lực về đích nông thôn mới, đây là kết quả đáng mừng. "Chúng tôi yêu cầu xã tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí các tiêu chí nông thôn mới, để hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao", ông Phong nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem