Tình huống 1: Trường hợp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo sự xuất hiện của biến thể đáng quan tâm (VOC) mới hoặc biến thể mới được WHO cảnh báo có sự tăng độc lực và ảnh hưởng tới hiệu quả của vaccine, chưa phát hiện tại Việt Nam.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh thế giới; tăng cường giám sát khách nhập cảnh từ các nước đang có biến thể mới, nếu phát hiện trường hợp có triệu chứng nghi ngờ cần tư vấn để xét nghiệm và có biện pháp giám sát phù hợp.
Tăng cường giám sát các ca viêm hô hấp nặng (các bệnh viện phát hiện ca viêm hô hấp nặng phải báo cáo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) và lấy mẫu làm PCR, dựa vào giải trình tự gen (nếu đủ điều kiện). Bên cạnh đó, thông tin đầy đủ cho cộng đồng về sự xuất hiện biến thể mới, các biện pháp bảo vệ cá nhân phù hợp.
Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới thuộc nhóm VOC (theo phân loại của WHO) tại Việt Nam, dịch bệnh có xu hướng gia tăng đột biến về số ca mắc (số ca mắc mới trong 7 ngày ≥ 450 ca/100.000 dân), nặng (số ca thở oxy trong 7 ngày qua ≥ 32 ca/100.000 dân).
Ngành y tế thực hiện điều tra, xử lý ca bệnh và ổ dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế. Điều tra, xử lý ca bệnh và tổ chức xét nghiệm đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ để đánh giá nguy cơ, giám sát, phát hiện sớm ca mắc tại cộng đồng, xác định ổ dịch (tùy tình hình); triển khai các biện pháp khoanh vùng diện hẹp, xử lý ổ dịch, hạn chế lây lan.
Không thực hiện phong tỏa diện rộng, có thể phong tỏa diện hẹp theo quy mô hộ gia đình hoặc cụm hộ gia đình khi cần thiết. Đồng thời, thực hiện các biện pháp bảo vệ người nguy cơ (theo kế hoạch bảo vệ người nguy cơ); thực hiện truyền thông nguy cơ, tập trung nhóm người nguy cơ trong phạm vi ổ dịch; thực hiện rà soát, xác định, ưu tiên tiêm vaccine trong thời gian ngắn nhất cho khu vực nguy cơ cao (nơi có nguy cơ bùng phát dịch lớn xảy ra, tốc độ lây lan nhanh), các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao.
Tình huống 3: Có ca tử vong do hoặc liên quan đến Covid-19 không thuộc nhóm nguy cơ
Ngành y tế TP.HCM sẽ thực hiện giải trình tự gen đối với mẫu bệnh phẩm của người bệnh tử vong; điều tra dịch tễ để xác định nguồn lây và các tiếp xúc nguy cơ đối với ca bệnh tử vong; giám sát chặt chẽ người tiếp xúc; thực hiện kế hoạch bảo vệ người nguy cơ tại nơi ở và tại nơi làm việc của người bệnh.
Kịch bản số ca Covid-19 nặng
Tình huống 1: Số ca mắc Covid-19 nặng dưới 50 ca
Các bệnh viện chịu trách nhiệm điều trị các trường hợp nặng: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (25 giường) và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (10 giường), Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115 (5 giường/bệnh viện). Các trường hợp người lớn tuổi mắc Covid-19 mức độ nặng, ca bệnh khó ưu thì tiên nhập viện điều trị tại Khoa điều trị Covid-19 thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Tình huống 2: Số ca mắc Covid-19 nặng từ 50-100 ca
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mở rộng quy mô Khoa điều trị Covid-19 để sẵn sàng tiếp nhận tối đa 50 ca, ưu tiên tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng, cần hội chẩn. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc tuyến chủ yếu tiếp nhận, thu dung điều trị 5 ca/ bệnh viện.
Tình huống 3: Số ca mắc Covid-19 nặng trên 100 ca
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chuyển đổi công năng một phần, trong đó tối đa có thể tiếp nhận 80 ca mắc Covid-19 mức độ nặng. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc tuyến chủ yếu tiếp nhận, thu dung điều trị 10 ca/bệnh viện. Căn cứ tình hình thực tế, Sở Y tế tham mưu UBND thành lập bệnh viện dã chiến, đồng thời huy động nguồn lực từ các bệnh viện tham gia công tác thu dung, điều trị.
Đối với các bệnh nhi mắc Covid-19 mức độ nặng sẽ chuyển bệnh nhi đến các Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố tiếp nhận, thu dung điều trị theo chỉ đạo tuyến; huy động số giường hồi sức tối đa có thể đạt được tại các Khoa Covid-19.