Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London sụt giảm liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm thêm 50 USD, xuống 3.237 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 35 USD, còn 3.116 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm 2,25 cent, xuống 191.95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 1,95 cent, còn 189 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay giảm 100 - 200 đồng/kg. Các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 78.000 - 79.200 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng đang ghi nhận mức giá thấp nhất là 78.000 đồng/kg - giảm 100 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai và với giá 78.500 đồng/kg - giảm 200 đồng/kg. Hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 78.800 đồng/kg và 79.200 đồng/kg, cùng giảm 200 đồng/kg.
Sau quyết định chưa thay đổi mức lãi suất hiện hành của Fed đã khiến thị trường thất vọng, lo ngại rủi ro tăng cao đã thúc đẩy các quỹ và đầu cơ đẩy mạnh thanh lý vị thế ròng đã “quá mua” trước đó làm giá giảm trên khắp các sàn hàng hóa nói chung. Dòng vốn đầu cơ chảy mạnh về các sàn chứng khoán và trái phiếu kho bạc dài hạn. DXY tăng lên mức cao 7 tuần, giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ khiên phần lớn đầu cơ rút ra khỏi các thị trường để chờ đợi nghe ngóng thêm.
Các nguyên tắc cơ bản của các thị trường cà phê kỳ hạn cũng chưa có thay đổi gì đáng kể. Đồng Reais giảm 1,06%, đưa tỷ giá lên ở mức 1 USD = 4,9676 R$ đã khiến người Brazil đẩy mạnh bán cà phê xuất khẩu làm giá giảm sâu hơn.
Dữ liệu báo cáo của the ICE Report Center cho thấy mức tồn kho tại Europe – London trong ngày hôm qua, thứ sáu 2/2, đã giảm thêm 2.300 tấn, tức giảm 7,65% so với một tuần trước đó, xuống ở mức 27.780 tấn (khoảng 463.000 bao, bao 60 kg) tiếp tục đứng ở mức thấp nhất kể từ 2014. Điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ giá cà phê trong ngắn hạn.
Theo báo cáo của USDA, nhập khẩu cà phê của hầu hết thị trường tiêu thụ chính đều được dự báo tăng trong niên vụ 2023-2024.
USDA dự báo nhập khẩu cà phê nhân của Liên minh châu Âu (EU) sẽ phục hồi và tănghơn 2,5 triệu bao so với niên vụ trước lên mức kỷ lục 47 triệu bao trong niên vụ 2023-2024, chủ yếu do xuất khẩu mạnh hơn từ Brazil. Trong khi nhập khẩu cà phê rang và hòa tan không đổi ở mức 1,4 triệu bao và 3,7 triệu bao.
Nhập khẩu cà phê của EU chủ yếu là cà phê nhân chưa rang, chiếm khoảng 90% tỷ trọng. Các nhà cung cấp hàng đầu của khu vực trong niên vụ 2022-2023 (tháng 10 đến tháng 9) gồm Brazil (32%), Việt Nam (26%), Uganda (7%) và Honduras (6%).
EU đã nhập khẩu kỷ lục 49,1 triệu bao vào niên vụ 2021-2022, nhưng giảm 2,6 triệu bao trong vụ 2022-2023 do nhập khẩu từ Brazil giảm mạnh dù được bù đắp phần nào bởi mức tăng từ Việt Nam.
Việc EU nhập khẩu nhiều cà phê từ Việt Nam và giảm mua từ Brazil, cho thấy các nhà rang xay có xu hướng sử dụng nhiều Robusta hơn. Hai quốc gia này chiếm 54 - 58% tổng lượngcà phê nhân nhập khẩu của EU trong 10 năm qua, để lại thị phần hạn chế cho các nhà cung cấp khác.