Giá cà phê ngày 31/1: Cà phê trong nước chạm mốc 79.000 đồng/kg
Giá cà phê ngày 31/1: Cà phê trong nước chạm mốc 79.000 đồng/kg
Nguyễn Phương
Thứ tư, ngày 31/01/2024 13:32 PM (GMT+7)
Thị trường kỳ vọng Fed – Mỹ và Copom – Brazil sẽ cắt giảm lãi suất tiện tệ, hỗ trợ giá cà phê kỳ hạn thế giới hôm nay tiếp đà tăng. Giá cà phê hôm nay tại thị trường trong nước cũng tăng, với mức điều chỉnh cao nhất là 900 đồng/kg. Theo đó, mức giá cao nhất được ghi nhận là 79.000 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tăng liên tiếp phiên thứ sáu. Kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 61 USD, lên 3.336 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 59 USD, lên 3.181 USD/tấn, các mức tăng khá. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York trở lại xu hướng tăng. Kỳ hạn giao tháng 3 tăng 4,75 cent, lên 194 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 4,20 cent, lên 190,25 cent/lb, các mức tăng khá. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng 800 - 900 đồng/kg. Theo đó, các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 78.000 - 79.000 đồng/kg. Tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 78.000 đồng/kg, tiếp đến là tỉnh Gia Lai và với mức giá 78.600 đồng/kg, cùng tăng 800 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, mức giá được ghi nhận là 78.700 đồng/kg và 79.000 đồng/kg, ứng với mức tăng 900 đồng/kg.
Theo Rabobank, biến động của giá cà phê Arabica có liên quan đến khí hậu ở Brazil và lượng tồn kho được ICE chứng nhận vẫn quanh quẩn ở mức thấp 24 năm.
Brazil đã xuất khẩu 39,2 triệu bao cà phê trong năm 2023, gần như ổn định (-0,4%) so với năm trước đó. Theo Cecafé, nếu không có sự chậm trễ trong thủ tục lên tàu ở cảng Santos, hiệu suất còn có thể cao hơn khoảng 2 triệu bao.
Nổi bật là xuất khẩu Conilon Robusta đạt 4,7 triệu bao, tăng 212% so với năm 2022.
Do những hạn chế về nguồn cung toàn cầu và mức giá hấp dẫn hơn tại Brazil, những sự cố gần đây ở Biển Đỏ, tuyến dường vận tải hàng hải chính giữa Âu – Á tiếp tục làm tăng nhu cầu Conilon của Brazil trong những tuần tới.
Cecafé nhận định, giá cà phê Conilon tăng do nhu cầu trong nước và thế giới ngày càng tăng, trong khi nông dân Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện sự kháng giá và những sự cố của tuyến hàng hải đi qua Biển Đỏ. Bất chấp thời gian gần đây ở miền nam Brazil đã có mưa nhưng lượng mưa ghi nhận được vẫn dưới mức trung bình lịch sử.
Hôm nay là ngày “siêu thứ tư 31/1”, có hai sự kiện quan trọng là phiên họp của Ủy ban Chính sách Tiền Tệ (Copom) Brazil, dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất đồng Reais bớt 0,5% và phiên họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Mỹ với kỳ vọng lãi suất sẽ giảm 0,25% và những lần tiếp theo.
Cho dù Tổng cục Thống kê Việt Nam ước báo xuát khẩu cà phê tháng 1/2024 tăng mạnh, những đã không góp phần cải thiện dữ liệu báo cáo tồn kho của ICE – London hiện đang tiếp tục giảm sâu xuống mức thấp nhất kể từ 2014 với 2.886 lô (khoảng 481.000 bao, bao 60 kg), theo dữ liệu báo cáo ngày hôm qua thứ ba 30/1. Theo các nhà quan sát, giới thương nhân chủ yếu giao hàng trực tiếp cho các thị trường tiêu thụ mà không giao qua sàn.
Theo báo cáo của USDA, nhập khẩu cà phê của hầu hết thị trường tiêu thụ chính đều được dự báo tăng trong niên vụ 2023-2024.
USDA dự báo nhập khẩu cà phê nhân của Liên minh châu Âu (EU) sẽ phục hồi và tăng hơn 2,5 triệu bao so với niên vụ trước lên mức kỷ lục 47 triệu bao trong niên vụ 2023-2024, chủ yếu do xuất khẩu mạnh hơn từ Brazil. Trong khi nhập khẩu cà phê rang và hòa tan không đổi ở mức 1,4 triệu bao và 3,7 triệu bao.
Nhập khẩu cà phê của EU chủ yếu là cà phê nhân chưa rang, chiếm khoảng 90% tỷ trọng. Các nhà cung cấp hàng đầu của khu vực trong niên vụ 2022-2023 (tháng 10 đến tháng 9) gồm Brazil (32%), Việt Nam (26%), Uganda (7%) và Honduras (6%).
EU đã nhập khẩu kỷ lục 49,1 triệu bao vào niên vụ 2021-2022, nhưng giảm 2,6 triệu bao trong vụ 2022-2023 do nhập khẩu từ Brazil giảm mạnh dù được bù đắp phần nào bởi mức tăng từ Việt Nam.
Việc EU nhập khẩu nhiều cà phê từ Việt Nam và giảm mua từ Brazil, cho thấy các nhà rang xay có xu hướng sử dụng nhiều Robusta hơn. Hai quốc gia này chiếm 54 - 58% tổng lượng cà phê nhân nhập khẩu của EU trong 10 năm qua, để lại thị phần hạn chế cho các nhà cung cấp khác.
Trong cùng thời gian này, xuất khẩu cà phê của Uganda sang EU tăng 1,2 triệu bao lên tổng cộng 3,4 triệu bao do sản lượng tăng; trong khi Colombia giảm 500.000 bao xuống 1,8 triệu bao do sản lượng giảm.
Tương tự, nhập khẩu cà phê đã rang của EU chỉ đạt 1,4 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, giảm so với mức kỷ lục 2,1 triệu bao của cách đây 4 năm do nhập khẩu từThụy Sĩ giảm. Các nhà cung cấp cà phê đã rang hàng đầu vào EU bao gồm Thụy Sĩ (chiếm 77%) và Vương quốc Anh (13%).
Tuy nhiên, nhập khẩu cà phê hòa tan của EU tăng 300.000 bao lên 3,7 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Các nhà cung cấp cà phê hòa tan hàng đầu cho EU bao gồm Vương quốc Anh (34%), Việt Nam (12%), Ấn Độ (12%) và Ecuador (10%).
Trong khi nhập khẩu từ Anh gần như không thay đổi ở mức 1,3 triệu bao trong một thập kỷ qua, thì nhập khẩu từ Ấn Độ và Việt Nam tăng khoảng 300.000 bao, đạt tổng cộng trên 400.000 bao mỗi nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.