Cá sủ vàng đã giúp nhiều gia đình có thu nhập lớn, giúp vùng ven biển nghèo ngày nào khởi sắc, thay da đổi thịt.
Cá sủ vàng tên khoa học là Otolithoides biauritus, thuộc bộ cá vược, có đặc điểm miệng rộng, màu vàng nghệ. Ở Việt Nam, cá phân bố chủ yếu ở vùng cửa sông châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long… Trên thế giới, cá phân bố tại Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka, Trung Quốc…
Cá thích sống vùng nước lợ, thường xuất hiện vào tháng 8-10 hàng năm, đi vào lạch sông để sinh sản, sau một thời gian thì lại ra biển. Tại Hà Tĩnh, duy nhất lạch Hội trên sông Lam, đoạn qua huyện Nghi Xuân, mới bắt được cá này.
Theo chuyên gia, bóng cá dùng làm chỉ khâu hữu cơ dễ tan trong y học, khi khâu vào cơ thể người, một thời gian sau khi vết thương lành thì chỉ khâu sẽ tự tan đi. Ngoài ra, vì có màu vàng đẹp mắt nên người dân một số nước châu Á cho rằng khi ăn cá sủ vàng sẽ gặp nhiều may mắn và làm ăn phát tài.
Từ đó, món ăn từ cá sủ vàng được xem là cao lương mỹ vị, được các đại gia săn lùng để thưởng thức khiến nó trở thành "cục vàng biết bơi" của những ngư dân nghèo. Dù có giá bán rất cao nhưng cũng chỉ bán theo thỏa thuận giữa người mua và người bán nên trên thị trường có nhiều mức giá khác nhau.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nợ ngân hàng hơn 100 triệu đồng, vợ chồng ông Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1967) và bà Nguyễn Thị Lam (SN 1970) trú tại xã Xuân Phổ đã quyết tâm săn cá sủ vàng nhằm đổi đời.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, gia đình mình có truyền thống bám biển đánh bắt cá lâu đời. Riêng ông thì 14 tuổi đã theo cha đánh bắt cá trên sông để mưu sinh. Từ khi biết đến giá trị của con cá sủ vàng ông đã quyết tâm săn nó, tuy nhiên sau hơn chục năm truy lùng thì ông mới bắt được "cục vàng" giúp gia đình mình thoát nợ.
Ông Nghĩa nhớ lại: "Sau hàng chục năm săn lùng thì đến giữa năm 2003 tôi mới chạm mặt được con cá sủ vàng. Thời điểm đó gia đình tôi rất khó khăn, phải vay mượn hơn 100 triệu đồng. Cá sủ vàng mà tôi bắt được nặng 30kg, được thương lái mua với giá hơn 300 triệu đồng. Con cá sủ vàng đến với gia đình tôi giống như lộc trời ban đã giúp vợ chồng tôi trả hết nợ nần, mua sắm ngư cụ, xây nhà mới khang trang, nuôi con cái ăn học đến nơi và khấm khá từ đây".
Những năm 1990, nhiều ngư dân tại Quảng Bình đến vùng biển này câu cá và may mắn bắt được cá sủ vàng. Mỗi đêm câu họ bắt được từ 1-3 con, trọng lượng khoảng 2-3kg được thương lái mua với giá 30.000 đồng/kg. Từ chi phí, mỗi đêm ngư dân có thể bỏ túi hơn 200.000 đồng/ngày, là thu nhập cao tại thời điểm đó.
Đến năm 1993, bất ngờ khắp cả nước nhiều người săn lùng, tìm mua loài cá này khiến nó tăng giá lên 500.000 đồng/kg. Lúc này, có rất nhiều người quyết định sắm ngư cụ để săn cá sủ vàng với hi vọng đổi đời.
Gia đình quá khó khăn không đủ tiền để mua thuyền và ngư cụ để đánh bắt cá, gia đình bà Đậu Thị An (78 tuổi, trú tại TDP Lam Thủy, thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân) phải tranh thủ những ngày hàng xóm bận, không đi đánh cá để mượn thuyền ra khơi nhằm kiếm cái ăn. Tuy nhiên, gia đình bà An đã may mắn bắt gặp cá sủ vàng và đổi đời từ đó.
Cầm bức ảnh mà 2 con trai bắt được cá sủ vàng, bà Đậu Thị An xúc động nhớ lại: "Đầu năm 1994, hai con trai của tôi đã mượn thuyền, lưới của hàng xóm để ra sông đánh bắt và may mắn bắt được con cá sủ vàng nặng hơn 30kg và bán được 40 triệu đồng. Từ số tiền này, gia tôi đã xây nhà mới, mua sắm thuyền và ngư cụ để tiếp tục đánh bắt".
Sau khi mua thuyền mới, gia đình bà An lại tiếp tục may mắn khi đánh bắt được thêm 5 con cá khác thu về gần trăm triệu đồng. "Tôi không dám tưởng tượng nếu không có "con thần tài" này thì gia đình tôi nghèo khổ đến bao giờ"-bà An kể.
Được biết, giá bán của cá sủ vàng từ 30.000 đồng/kg vào năm 1990 đã tăng lên 500.000 đồng vào năm 1993. Đến năm 1995 thì giá của loài cá quý này đã đạt 5 triệu đồng/kg; giá cá đã tăng gấp 2 lần vào năm 1996. Đặc biệt, có thời điểm loài cá này được thương lái mua với giá hơn 13 triệu đồng/kg.
Câu chuyện đổi đời nhờ cá sủ vàng của gia đình ông Đậu Hùng Lâm (Thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) mới thật ấn tượng. Ông Lâm kể: "Đầu năm 1997, tôi cùng bố và anh trai quyết định dùng thuyền đến biển Cửa Hội (Nghệ An) để đánh bắt cá. Bố con chúng tôi đi từ chiều hôm trước đến trưa hôm sau, thả nhiều lượt lưới mà chỉ được ít cá nhỏ nên quyết định trở về sông Lam gần nhà để thả mẻ lưới cuối cùng trước khi lên bờ.
Trong lúc tuyệt vọng vì không đánh được cá thì bất ngờ từ xa tôi phát hiện một vật lớn vướng vào lưới mình. Chúng tôi chèo thuyền đến cách vật gần 100m thì bố tôi nhận định đó là cá sủ vàng. 3 bố con chúng tôi đã mừng rỡ, ôm nhau ở trên thuyền".
Con cá lớn quẫy đuôi mạnh khiến bọt nước văng tung tóe, nó rất khỏe kéo theo thuyền để cố chạy thoát. 3 bố con vội vã thu lưới. Cách cá sủ vàng khoảng 20m, ông Lâm nhảy xuống sông bơi vòng ra phía sau giữ nó, con cá lúc này còn lớn hơn ông Lâm. Gia đình ông Lâm phối hợp nhuần nhuyễn, vật lộn với con cá "khổng lồ" khoảng 15 phút mới đưa được nó lên thuyền.
Ông Lâm tâm sự: "Đến lúc đưa cá sủ vàng lên thuyền thì chúng tôi mới dám nghĩ rằng mình đã đổi đời. Tuy rất mệt, nằm ngay trên thuyền để nghỉ ngơi nhưng bố con chúng tôi rất vui. Cá sủ vàng nặng 63kg được bán với giá 128 triệu đồng. Nhờ có "lộc" trời ban nên bố tôi đã quyết định mua 2 mảnh đất gần nhau cho anh em tổng 18 triệu đồng, số tiền còn lại để mua sắm ngư cụ và giữ lại chi tiêu. 2 mảnh đất mua 18 triệu năm xưa nay đã có giá trị hơn 20 tỷ đồng, nhờ cá sủ vàng mà gia đình chúng tôi đổi đời".
Nhận thấy cơ hội lớn từ lợi nhuận buôn cá sủ vàng, năm 1991, ông Đậu Xuân Côi (trú tại TDP Lam Thủy, thị trấn Tiên Điền) đã thành lập nhóm thu mua loại cá "thần tài" này để bán cho các "ông lớn" ở Thanh Hóa và Hải Phòng.
Ông Côi nói: "Nhóm mua cá sủ vàng của chúng tôi thành lập sớm và mua được nhiều cá nhất trong huyện. Cá sủ vàng vô giá, việc định giá tùy thuộc vào chất lượng cá và thỏa thuận giữa 2 bên. Trung bình sau mỗi thương vụ chúng tôi sẽ lời từ 5-10%.
Tại làng Lam Thủy này tôi đã mua được hơn 100 con cá sủ vàng, nhiều hộ gia đình từ nghèo túng nhưng may mắn bắt được 1 con cá sủ vàng đã giúp họ đổi đời. Từ 26 hộ nghèo/57 hộ dân, nay họ đã có cuộc sống ổn định, thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây vùng sông này không còn xuất hiện cá sủ vàng nữa".