Nuôi gà chín cựa-con vật truyền thuyết, chân nhìn lạ lắm luôn, thầy giáo Phú Thọ thu tiền tỷ
Nuôi con vật truyền thuyết, chân mọc nhiều cựa, một thầy giáo vùng cao Phú Thọ thu tiền tỷ
Ngọc Lam
Thứ năm, ngày 15/02/2024 18:44 PM (GMT+7)
Gà nhiều cựa - một trong những loài gà quý trong truyền thuyết “Sơn Tinh, Thủy Tinh” từ thời đại Hùng Vương hiện được nuôi nhiều ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Đây là sản vật quý, giúp đồng bào địa phương phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Đặc biệt, từ nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Đức ở xã Tân Phú, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã nhân giống, nuôi thành công giống gà nhiều cựa quý hiếm có một không hai, đem lại doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm.
Gà nhiều cựa - một trong những loài gà quý trong truyền thuyết “Sơn Tinh, Thủy Tinh" từ thời đại Hùng Vương hiện được nuôi nhiều ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Đây là sản vật quý, giúp đồng bào địa phương phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Đặc biệt, từ nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Đức ở xã Tân Phú, huyện Tân Sơn đã nhân giống, nuôi thành công giống gà nhiều cựa quý hiếm có một không hai, đem lại doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm.
Sinh ra và lớn lên ở vùng sơn cước, gắn bó với gà nhiều cựa từ nhỏ, chàng trai người Mường Nguyễn Văn Đức luôn tự hào khi địa phương mình có giống gà trong truyền thuyết. Học hết phổ thông, chàng trai Mường về Hà Nội học ngành Sư phạm và trở về địa phương làm giáo viên sau khi tốt nghiệp.
Thầy giáo Nguyễn Văn Đức, xã xã Tân Phú, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã quyết định "rẽ ngang" sang nuôi gà nhiều cựa- loại gà chín cựa từ trong truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh và gặt hái thành công.
Trong suy nghĩ của anh luôn khát khao được trở về làng quê Tân Phú để lập nghiệp, tìm cách bảo tồn, giữ gìn nguồn gen, phát triển giống gà nhiều cựa, không để giống gà quý hiếm bị mai một, lãng quên.
Nghĩ là làm, sau ba năm “gõ đầu trẻ”, năm 2013, anh Đức quyết định rẽ ngang, khởi nghiệp với mô hình nuôi gà nhiều cựa.
Do đặc thù loài gà nhiều cựa được nuôi rải rác tại các nhà dân, để có được giống gà quý, anh Đức phải lặn lội đi khắp các bản làng của huyện Tân Sơn, gõ cửa từng nhà để tìm kiếm, nhất là ở vùng lõi và vùng ven của Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
Anh Đức chia sẻ: "Qua quá trình tìm kiếm, tôi đã mua khoảng 1.000 con gà các loại về sàng lọc, nhân giống và chọn ra được 100 con gà đạt chuẩn, thuần chủng, đúng với tiêu chí đặt ra rồi bắt tay vào gây giống. Đầu tiên, tôi nuôi thử nghiệm 30 con gà bố mẹ để lấy kinh nghiệm.
Sau quá trình tìm hiểu, làm thực tế, khi có kinh nghiệm, tôi quyết tâm đặt mục tiêu phát triển đàn gà của mình và chọn được 200 con gà bố mẹ".
Năm 2021, anh Nguyễn Văn Đức thành lập Công ty TNHH một thành viên Nắng Trung Du với quyết tâm hồi sinh giống gà trong truyền thuyết, thực hiện phát triển theo hướng hiện đại, quy mô hàng hóa theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, mang lại thu nhập cao, trở thành hướng thoát nghèo cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Nắng Trung Du đang thực hiện liên kết với hơn 10 hộ chăn nuôi gà nhiều cựa tại các xã Tân Phú, Kiệt Sơn, Minh Đài, Xuân Đài của huyện Tân Sơn để áp dụng mô hình liên kết chăn nuôi, tiêu thụ.
Theo anh Đức, gà nhiều cựa có tướng mạo hùng dũng với bộ lông ngũ sắc, mào đỏ như máu, mắt sáng tinh anh, ngực nở, đuôi cong vút tựa cầu vồng, tiếng gáy vang. Đặc biệt, gà có đôi chân to, chắc và đều, 4 - 5 cựa mỗi bên, mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, cựa trên cùng hoàn toàn là sừng, cong như lưỡi câu liềm...
Gà nhiều cựa là lễ vật trong những dịp trọng đại của người Mường. Vào dịp năm mới, người Mường tập trung tại nhà ngài, dâng lên tổ tiên, ông bà những lễ vật thể hiện khát vọng và ước mơ về cuộc sống tự do, vươn tới ấm no, hạnh phúc.
Tại đây, trai gái trong bản cùng nhau tái hiện điệu múa Mỡi, một nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường huyện Tân Sơn.
Gà nhiều cựa thuần chủng ở Tân Sơn thường có kích thước nhỏ, thịt chắc, ngọt, thơm, gà mái chỉ đạt trọng lượng khoảng 1,2 - 1,6kg, gà trống trọng lượng cao nhất đạt 2 - 2,2kg, giá bán 200.000 – 250.000 đồng/kg. Vào dịp Tết Nguyên đán, giá gà nhiều cựa có thể dao động từ 300.000 - 350.000 đồng/kg tùy loại... Nhiều hộ gia đình ở Tân Sơn đã trở nên giàu có nhờ nuôi giống gà quý này.
Thông thường, gà nhiều cựa trang trại của anh Đức được bán theo ba cách. Thứ nhất, bán gà thịt thương phẩm phục vụ cho thị trường tiêu dùng hàng ngày với giá khoảng 250 nghìn đồng/kg.
Hai là cặp gà thắp hương, cúng lễ, biếu tặng thuộc các dòng cặp gà nhiều cựa lộc lộc 66, lộc phát 68, phát lộc 86, phát phát 88 sẽ có giá từ 1,8 - 3 triệu đồng/cặp.
Ba là, những con gà có chín cựa được nhiều đại gia, tay chơi gà “săn lùng” với giá hàng chục triệu đồng/con về chơi Tết, làm cảnh. Tại trang trại gà nhiều cựa của anh Đức hiện chỉ có vài con gà đủ chín cựa và nhiều cặp gà lộc - phát (gà trống tám cựa, gà mái sáu cựa).
Được biết, năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành “Danh mục bổ sung nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn”, trong đó có giống gà nhiều cựa Phú Thọ. Việc giống gà nhiều cựa được xác định là một nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn sẽ góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu gà nhiều cựa.
Năm 2016, dự án tạo lập, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể “Gà nhiều cựa Tân Sơn” của huyện Tân Sơn được UBND tỉnh phê duyệt. Sau hai năm triển khai thực hiện, năm 2018, “Gà nhiều cựa Tân Sơn” được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận.
Từ việc nhân giống tự nhiên cho tỉ lệ thành công chỉ đạt 30 - 35%, anh Đức đã đầu tư tiền mua ba máy ấp trứng gà nhiều cựa. Từ đó, gia tăng tỉ lệ ấp nở thành công lên hơn 80%.
Hiện trang trại gà nhiều cựa của anh Đức được xây dựng với diện tích trên một ha gồm năm khu chuồng trại biệt lập được xây dựng kiên cố với hơn 2.000 con gà nhiều cựa thuần chủng.
Để nhân rộng giống gà quý, anh Đức tiếp tục liên kết với các hộ trong khu vực, mở rộng quy mô chăn nuôi; thực hiện cung cấp gà nhiều cựa giống, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu đầu ra gà thương phẩm cho bà con nông dân.
Cùng với đó, anh còn lập trang thông tin điện tử (website), mở các kênh bán hàng trên mạng xã hội để quảng bá, bán gà nhiều cựa đến khách hàng mọi miền Tổ quốc.
Mỗi năm, doanh thu từ việc bán gà nhiều cựa thương phẩm và gà giống đạt trên hai tỉ đồng, trừ chi phí cho thu lãi hơn 200 triệu đồng. Việc phát triển mô hình gà nhiều cựa của anh Đức đã góp phần giữ gìn, bảo tồn và nhân giống loài gà quý hiếm, mang đến những tín hiệu khả quan trong phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc theo hướng bền vững tại địa phương.
Chân gà chín cựa, con vật truyền thuyết, con đặt sản, vật nuôi đặc hữu ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Để bảo tồn, phát triển giống gà nhiều cựa, những năm qua, huyện Tân Sơn đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung hỗ trợ chính sách, xây dựng thương hiệu, liên kết, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ...
Đồng chí Nguyễn Xuân Việt - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) cho biết, toàn huyện có khoảng 25.000 - 30.000 con gà nhiều cựa các loại, trong đó có khoảng gần 20 hộ nuôi tập trung từ 300 con trở lên, còn lại hàng trăm hộ nuôi xen với gà thả vườn, tập trung tại các xã Tân Phú, Xuân Đài, Kiệt Sơn, Minh Đài, Xuân Đài...
Năm 2023, huyện Tân Sơn tiếp tục hỗ trợ 30% chi phí giống và thức ăn ban đầu, tăng số hộ tham gia nuôi gà nhiều cựa tập trung; nỗ lực quảng bá, xúc tiến thương mại, thí điểm sơ chế, hình thành sản phẩm mới.
Huyện tranh thủ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ để nhân rộng mô hình trong cộng đồng gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trên gà, giúp nhân giống nhanh, giảm giá thành...
Đến nay, gà nhiều cựa - loài “thần kê” bước ra từ truyền thuyết không chỉ là biểu tượng tâm linh của người bản địa mà còn trở thành cơ hội giúp phát triển kinh tế, du lịch, tăng thu nhập cho bà con nơi đây, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hiện gà nhiều cựa là một trong các sản phẩm du lịch đặc trưng, không thể thiếu đối với du khách khi đến Vườn Quốc gia Xuân Sơn, về vùng Đất Tổ cội nguồn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.