Dân Việt

Đà Nẵng: Hương kiệu quê cay nồng, mang đến một cái Tết đoàn viên ấm áp

Tuyết Nhung - Trần Hậu 06/02/2024 07:57 GMT+7
Giữa không khí nhộn nhịp của những ngày cuối năm, mọi người đều lo sửa soạn chuẩn bị đón năm mới. Còn gia đình chị Nguyễn Thị Bông (trú thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) vẫn tất bật với các công việc thu hoạch và chế biến kiệu hương để phục vụ nhu cầu ăn Tết của khách hàng gần xa.

Món ăn đặc sản trong mâm cơm ngày Tết

Trò chuyện với chúng tôi về cây kiệu hương, chị Nguyễn Thị Bông tự hào nói: "Kiệu hương là đặc sản nổi tiếng của vùng đất Hòa Nhơn quê tôi và chủ yếu trồng tập trung ở thôn Thạch Nham Tây. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng đất trồng thuận lợi, nên kiệu hương nơi đây có hương vị thơm ngon không nơi nào có được, củ kiệu nhỏ, thơm nồng, giòn và có màu trắng ngà".

Đà Nẵng: Hương kiệu quê cay nồng, mang đến một cái Tết đoàn viên ấm áp- Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Bông – Chủ cơ sở sản xuất kiệu hương Hoà Nhơn (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: T.H.

Nông dân trồng kiệu quanh năm và chia làm 2 vụ, nhưng vụ Đông Xuân là chính. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ củ kiệu trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thì từ tháng 8 âm lịch bà con đã xuống giống sản xuất. Sau khoảng 4 tháng là có thể thu hoạch bán Tết.

Cây kiệu phát triển tốt trong điều kiện đất tơi xốp, thường xuyên được làm cỏ, bón phân để cung cấp chất dinh dưỡng. Vụ kiệu Hè Thu nông dân trồng số lượng ít, chủ yếu để duy trì nguồn giống. Chính vì thế vụ kiệu Đông Xuân là dịp để nông dân Hòa Nhơn tăng gia sản xuất, tích cực chăm sóc để có những luống kiệu tươi tốt, kiếm thêm thu nhập dịp Tết.

Đà Nẵng: Hương kiệu quê cay nồng, mang đến một cái Tết đoàn viên ấm áp- Ảnh 2.

Bà Trữ đang thu hoạch kiệu Tết sau 4 tháng trồng. Ảnh: T.H.

Chị Bông cho hay, kiệu được trồng trên đất gò đồi, triền núi, nên việc thu hoạch khá vất vả. Nông dân phải dậy từ sớm để thu hoạch kiệu mang ra chợ Tuý Loan bán hoặc bỏ mối cho thương lái. Nếu đất cứng thì phải dùng cuốc xới lên, sau đó bó lại để rửa sạch đất bám vào củ và ngắt lá úa. Khó nhọc là vậy nhưng nông dân bán kiệu giá thấp, bị thương lái ép giá, canh tác khó khăn nên số hộ trồng giảm dần.

Với mong muốn cây kiệu hương đặc sản của quê nhà được nhiều người biết đến và mở rộng đầu ra, năm 2018, chị Bông mở Cơ sở sản xuất kiệu hương Hoà Nhơn và thử nghiệm chế biến các sản phẩm: củ kiệu dầm mắm, kiệu dầm chua ngọt, kiệu sấy khô, kiệu dầm xì dầu.

Chị Bông tâm sự: "Mẹ chồng tôi là người gắn bó với nghề trồng và bán kiệu hương truyền thống từ thời ông bà để lại, nên khi tôi muốn chế biến kiệu thì được bà tận tâm truyền đạt bí kíp. Ngoài ra, tôi chủ động học hỏi bí quyết dầm kiệu ngon từ các chị em phụ nữ trong vùng, đồng thời mang sản phẩm do mình chế biến cho mọi người dùng thử để lấy ý kiến cải thiện".

Với sự chăm chỉ và ham học hỏi, sản phẩm kiệu hương dầm mắm của chị Bông được gia đình và bạn bè khen ngon, đây chính là nguồn động lực để chị quyết tâm sản xuất đại trà, đưa nông sản đặc biệt của vùng đất Hòa Nhơn vươn xa hơn trên thị trường.

Được sự hỗ trợ từ UBND xã Hòa Nhơn, Tổ hợp tác sản xuất kiệu hương Hòa Nhơn được thành lập năm 2019 và chị Bông làm tổ trưởng. Hiện tại, có 60 hộ dân tham gia vào Tổ hợp tác với gần 3ha đất sản xuất.

Đà Nẵng: Hương kiệu quê cay nồng, mang đến một cái Tết đoàn viên ấm áp- Ảnh 3.

Củ kiệu được cắt bỏ lá, rửa sạch và đem phơi nắng (hoặc sấy) khoảng 1 ngày là có thể muối được. Ảnh: T.H.

Khi chuyển sang kinh doanh kiệu thì chị gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật chế biến và bảo quản do sản xuất còn thủ công, thô sơ. Nguồn nguyên liệu kiệu hương chưa ổn định vì đa phần các hộ trong Tổ hợp tác chỉ trồng dịp Tết, còn những ngày trái mùa thì chưa sản xuất được vì thiếu nguồn nước, công chăm sóc cao, chi phí cho củ kiệu chưa thành phẩm rất cao.

Thêm vào đó, đầu ra cho sản phẩm còn hạn hẹp vì chưa có nhiều người biết đến và chịu sự cạnh tranh lớn từ các loại kiệu khác trên thị trường.

Sản phẩm OCOP 4 sao

Khi nông dân tham gia vào Tổ hợp tác, địa phương mở các lớp tập huấn cách chăm sóc cây kiệu đạt năng suất cao, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn phát triển sản xuất, địa phương hỗ trợ bà con về giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật.

Đà Nẵng: Hương kiệu quê cay nồng, mang đến một cái Tết đoàn viên ấm áp- Ảnh 4.

Kiệu hương có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ, nên nhiều khách hàng thích ăn cả củ và lá. Ảnh: T.H.

Riêng đối với cơ sở chế biến kiệu hương của chị Bông được hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ cho sơ chế, chế biến như: máy sấy, máy đóng hộp, máy khò nhãn, bao bì, nhãn mác…. Nhờ đó, quá trình chế biến kiệu hương thành phẩm được rút ngắn và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kiệu hương sau khi dầm mắm khoảng 1 tuần là dùng được, thường ăn kèm với bánh chưng, bánh tét trong dịp lễ Tết. Dịp cận Tết, trung bình cơ sở chế biến hơn 200kg kiệu hương mỗi ngày, bán ra 200 hủ kiệu với giá 70.000 đồng/hủ.

Nhờ chất lượng sản phẩm thơm ngon, an toàn, mà dần dần thị trường tiêu thụ được rộng mở. Từ đó, chị Bông không chỉ giải quyết đầu ra cho sản phẩm kiệu hương truyền thống mà còn có thêm nguồn thu nhập khá để phát triển kinh tế gia đình và xây dựng thương hiệu.

Để chuẩn bị cho mùa kiệu Tết, từ tháng 8 âm lịch bà Nguyễn Thị Trữ (69 tuổi) xuống giống 2 sào kiệu hương trên đất gò đồi gần nhà. Đến đầu tháng 12 âm lịch, bà bắt đầu thu hoạch kiệu bán cho người dân làm thực phẩm ngày Tết.

Bà Trữ phấn khởi nói: "Gia đình tôi xưa nay vẫn giữ nghề trồng kiệu hương truyền thống. Dù vất vả nhưng trồng kiệu không chỉ giúp nông dân trong làng có thêm thu nhập, mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của làng quê ngày Tết.

Đợt vừa rồi có mưa to nên ruộng kiệu ở triền đồi của gia đình tôi bị nước cuốn trôi một phần, ước tính Tết này chỉ thu được khoảng 500kg kiệu/sào, thu lãi khoảng 10 triệu đồng. Trồng kiệu chủ yếu lấy công làm lời, nên nếu được mùa được giá thì nông dân chúng tôi cũng đón Tết đầm ấm, đủ đầy hơn".

Kiệu hương là cây trồng ngắn ngày, dễ trồng, ít chi phí đầu tư, so với trồng lúa thì kiệu cho thu nhập khá hơn. Hiện nay, thương lái thu mua kiệu hương với giá 25.000-30.000 đồng/kg, càng cận Tết thì giá kiệu càng cao hơn, có lúc tăng lên 40.000-50.000 đồng/kg.

Đà Nẵng: Hương kiệu quê cay nồng, mang đến một cái Tết đoàn viên ấm áp- Ảnh 5.

Món dưa kiệu là hương vị không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người dân miền Trung. Ảnh: T.H.

Chị Bông chia sẻ: "Tết chưa đến nhưng không khí tại xóm kiệu đã rộn ràng, phấn khởi. Những đơn hàng được đặt từ sớm để khách hàng làm quà biếu tặng và kịp giao cho các cửa hàng, siêu thị mini trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Thấy kiệu là thấy Tết, nên ai nấy cũng phấn khởi, làm cả ngày lẫn đêm để kịp đơn hàng.

Hi vọng càng cận Tết thì sức mua sẽ càng tăng, để sản phẩm kiệu hương Hoà Nhơn có thể góp mặt trong mâm cơm ngày Tết của người Việt, góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa của làng quê".

Sản phẩm Kiệu hương Hòa Nhơn dầm mắm được xếp hạng là sản phẩm OCOP 4 sao theo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" của thành phố Đà Nẵng năm 2021. Đây chính là nguồn động viên lớn để chị và nông dân địa phương tiếp tục nỗ lực đưa đặc sản kiệu hương Hòa Nhơn vươn xa hơn.