Dân Việt

Trong một khu rừng nổi tiếng ở Ninh Thuận có loại táo dại lạ lắm, trái bé tí ti, chín màu cổ tích

Đức Cường 07/02/2024 08:58 GMT+7
Mùa xuân đã về trên cánh rừng Núi Chúa ở Ninh Thuận, cây rừng cũng “rung mình” theo gió xuân như trút bỏ lá vàng để nảy lộc kết trái. Trong rừng Núi Chúa có một loại táo dại lạ mắt, trái bé li ti như hạt ngọc, chín một màu tím đen...

Trên từng tảng đá, dưới từng góc cây có hàng chục thành viên tổ cộng đồng bảo vệ rừng xuyên Tết. Họ là những thanh niên Raglai luôn túc trực giữ cho rừng mãi xuân.

Trong một khu rừng nổi tiếng ở Ninh Thuận có loại táo dại lạ lắm, trái bé tí ti, chín màu cổ tích- Ảnh 1.

Tỉnh lộ 702 xuyên qua Vườn Quốc gia Núi Chúa dẫn vào 2 thôn đồng bào Raglai Cầu Gãy và Đá Hang, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Hai thôn Cầu Gãy và Đá Hang nằm khuất trong lâm phần Vườn Quốc gia Núi Chúa thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận). Đây là nơi định cư lâu đời của đồng bào dân tộc Raglai.

Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, song các thế hệ người dân tộc Raglai hai thôn này vẫn cùng nhau bảo vệ các khu rừng. Nhờ đó những tán rừng nguyên sinh nơi đây được bảo tồn nguyên vẹn.

Thanh niên Raglai xuyên Tết giữ rừng Núi Chúa 

Trở lại Vườn Quốc gia Núi Chúa vào đúng dịp đầu năm mới Giáp Thìn 2024, chúng tôi được dịp chiêm ngắm những cảnh đẹp thiên nhiên hữu tình và hít thở khí trời mát lạnh đầu xuân.

Khi nắng xuân khe xuyên qua cành lá, thanh niên Chamaleá Thái (28 tuổi) thành viên tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) cùng những thành viên khác đã sẵn sàng lên đường tuần tra bảo vệ rừng theo lịch trực Tết.

Theo chân anh anh Thái còn có 3 thanh niên Raglai khác trong tổ cộng đồng bảo vệ rừng. Họ là những thành viên nhận khoán bảo vệ rừng Núi Chúa. Mỗi đợt đi, tổ đều báo cáo Vườn Quốc gia Núi Chúa để phối hợp cùng kiểm lâm tuần tra kiểm soát mọi địa bàn.

Trong một khu rừng nổi tiếng ở Ninh Thuận có loại táo dại lạ lắm, trái bé tí ti, chín màu cổ tích- Ảnh 3.

Những ngày Tết thường là thời gian cao điểm tuần tra bảo vệ rừng của tổ cộng đồng người Raglai thôn Đá Hang và kiểm lâm. Ảnh: Đức Cường.

Chamaleá Thái cho biết, những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán anh thường xuyên túc trực với những thanh niên Raglai trong tổ tuần tra bảo vệ những cánh rừng đã nhận khoán. 

Nhờ thông thuộc núi rừng và chịu khó bám địa bàn nên những cánh rừng do tổ cộng đồng bảo vệ luôn giữ một màu xanh.

Từ trạm bảo vệ rừng Thái An, đoàn chúng tôi theo chân tổ tuần tra bắt đầu len lỏi khắp cánh rừng Núi Chúa. Đầu năm, rừng Núi Chúa như khoác lên mình chiếc áo mới nhuốm màu xanh thẳm trải dài như vô tận.

Sâu vào các tiểu khu rừng Núi Chúa, đập vào mắt chúng tôi toàn là những núi đá, cây bụi đặc trưng của rừng khô hạn ven biển Ninh Thuận.

Trong một khu rừng nổi tiếng ở Ninh Thuận có loại táo dại lạ lắm, trái bé tí ti, chín màu cổ tích- Ảnh 5.

Chamaleá Thái (bên trái) bên cạnh cây gõ giữa rừng Núi Chúa. Ảnh: Đức Cường

Mới đi rừng lần đầu như tôi lắm lúc còn nhiều bỡ ngỡ vướng vào bụi gai phải nhờ thành viên đoàn giúp đỡ. Riêng nhưng với những thanh niên Raglai thì việc băng rừng, vượt suối để tuần tra đã không còn là chuyện hiếm.

Dọc đường đi, thanh niên Chamaleá Thái vừa kể, người Raglai bây giờ ăn Tết như người Kinh, nếu không đi tuần tra thì anh cũng quây quần bên mâm cơm gia đình để sum vầy. Tuy nhiên, vui xuân đón Tết nhưng có nhiệm vụ thì vẫn phải hoàn thành rồi tính.

Theo anh Thái, ngày Tết người dân và những kẻ phá rừng thường nghĩ ai cũng lo nghỉ ngơi nên sẽ lơ là việc canh gác bảo vệ rừng. 

Vì vậy mà các đối tượng xấu thường xuyên nhắm vào những ngày này để xâm nhập vào rừng săn bắt hay đào phá cây rừng về làm cảnh. Bởi thế càng vào Tết, công việc của tổ tuần tra như anh lại càng vất vả.

Trong một khu rừng nổi tiếng ở Ninh Thuận có loại táo dại lạ lắm, trái bé tí ti, chín màu cổ tích- Ảnh 6.

Từ trái sang là Chamaleá Thái, Lâm Văn Khánh và Cao Văn Cầm trực xuyên Tết với nụ cười thường trực trên môi. Đây là 3 trong số 10 thanh niên Raglai tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Đá Hang Ảnh: Đức Cường

Thanh niên Lâm Văn Khánh (25 tuổi) cho biết, mỗi khi Tết đến cũng chạnh lòng lắm, giữa lúc mọi nhà đều quây quần ấm áp trong không khí đón năm mới, mình lại cùng anh em băng giữa rừng già mà thấy nao nao. 

"Nhớ nhà, nhớ không khí đón Tết với bà con bản làng lắm nhưng phải gác lại để bảo vệ rừng…", anh Khánh nói.

"Đa số anh em chỉ làm nhiệm vụ tuần tra, khi phát hiện phá rừng sẽ báo về nhanh nhất để Ban quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa và lực lượng chức năng vào cuộc ngăn chặn và xử lý. May mắn là trước giờ chúng tôi chưa phát hiện vụ phá rừng nào…", anh Khánh cho hay.

Thanh niên Cao Văn Cầm (26 tuổi) nói, ngày thường thì anh em chia nhau đi tuần khoảng 2 – 3 chuyến/tuần. 

Có chuyến đi về trong ngày nhưng cũng có chuyến đi liên tục mấy ngày liên mới về. Những ngày Tết dường như đi gấp đôi, 10 thành viên chia nhau đi liên tục để giữ rừng thêm xanh.

Trong một khu rừng nổi tiếng ở Ninh Thuận có loại táo dại lạ lắm, trái bé tí ti, chín màu cổ tích- Ảnh 7.

Phút nghỉ ngơi giữa rừng rộn vang tiếng cười nói, mang mùa xuân hòa vào đất trời Núi Chúa. Ảnh: Đức Cường

Dừng chân nghỉ tạm giữa rừng, mọi người chia nhau bịch bánh, hộp mứt rồi cùng xem bản đồ đánh dấu những cây rừng đặc hữu thuộc nhóm đặc trưng nhất của rừng Núi Chúa. 

Tại đây có nhiều nhóm cây như bằng lăng, dứa rừng, thiên tuế, mai rừng…đó, đều là cây rừng dễ bị xâm hại để làm cây cảnh ngày Tết.

Giữa rừng Núi Chúa mãi thêm Xuân

Nghỉ chân hồi lâu, bầu trời mỗi lúc càng trong xanh, gió lộng từ biển thổi vào sào sạc làm mát cả góc rừng. Chúng tôi cùng tổ cộng đồng bảo vệ rừng tiếp tục chuyến hành trình băng rừng để tuần tra. 

Càng đi càng thấm mệt nhưng ai nấy đều vui vì xuân năm nay Núi Chúa có thêm nhiều cảnh đẹp, cây rừng um tùm xanh hơn mọi năm trước.

Trong một khu rừng nổi tiếng ở Ninh Thuận có loại táo dại lạ lắm, trái bé tí ti, chín màu cổ tích- Ảnh 8.

Lâm Văn Khánh và Cao Văn Cầm vui như bắt được vàng ngày Tết vì được tiếp thêm sức từ trái táo rừng. Ảnh: Đức Cường

Cầm trên thứ trái cây màu đen xì, quả nhỏ bằng đầu ngón tay út, thanh niên Cao Văn Cầm (26 tuổi) nói, nhà báo đi nhiều nhưng chưa chắc biết tới thứ quả này đâu. Đây là trái táo rừng, nhìn vậy thôi chứ lắm lúc giúp anh em đỡ nhớ vị trái cây ngày Tết.

"Mùa xuân Núi Chúa nó cũng thú vị vậy đó anh à, ví như trái táo rừng này, nó chua chua, ngọt ngọt mà ăn vào khỏe lắm rồi có sức mà đi rừng đó nhà báo...", thanh niên Cao Văn Cầm cười nói.

Trong một khu rừng nổi tiếng ở Ninh Thuận có loại táo dại lạ lắm, trái bé tí ti, chín màu cổ tích- Ảnh 9.

Mùa xuân, táo rừng chín đen cả một góc rừng Núi Chúa trong Vườn Quốc gia Núi Chúa, tỉnh Bình Thuận Ảnh: Đức Cường

Theo cùng tổ chúng tôi có anh Nguyễn Văn Hùng – nhân viên phòng bảo tồn tài nguyên rừng và biển Ban quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa.

Anh Hùng cho biết, tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng do Ban quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa thành lập với 23 người. Tất cả đều là người Ragalai ở 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận).

Theo anh Hùng, hai tổ cộng đồng bảo vệ rừng được Vườn Quốc gia Núi Chúa khoán bảo vệ 2.000ha rừng. Mỗi người được chi trả 3 triệu/tháng để duy trì việc tuần tra phát hiện và báo cáo các hành vi phá rừng.

"Thực tế chứng minh họ làm việc rất hiệu quả, đây cũng là những cánh tay nối dài của lực lượng chức năng trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái Vườn Quốc gia Núi Chúa và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa nói chung…", anh Hùng cho hay.

Trong một khu rừng nổi tiếng ở Ninh Thuận có loại táo dại lạ lắm, trái bé tí ti, chín màu cổ tích- Ảnh 10.

Rừng Núi Chúa nổi tiếng là rừng khô hạn ven biển với những cây bụi và đá đặc trưng nhất Việt Nam. Ảnh: Đức Cường

Thanh niên Chamaleá Thái nói, ngày xưa rừng Núi Chúa che chở cho các thế hệ cha ông người Raglai theo Đảng đánh giặc. Quá khứ đó luôn thôi thúc và nhắc nhở thế hệ sau như anh góp phần sức nhỏ để bảo vệ rừng.

"Xưa người Raglai sống nhờ rừng nhưng giờ đây không còn trông chờ vào "nước trời" để "ăn rừng" nữa. Những mảnh vườn từ việc đốt rừng xưa kia, mấy chục năm nay đã trả lại cho rừng tái sinh…", Chamaleá Thái nói đầy tự hào.

Càng đi vào sâu, mỗi bước chân chúng tôi có chậm lại vì thấm mệt nhưng ai nấy đều cười nói rộn ràng. Bốn thanh niên Raglai trong tổ trò chuyện hăng say bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi không hiểu họ đang nói những gì, chỉ thấy khuôn mặt ai nấy đều lộ rõ nụ cười hồn nhiên, tươi rói như mùa xuân ở Vườn Quốc gia Núi Chúa.

Trong một khu rừng nổi tiếng ở Ninh Thuận có loại táo dại lạ lắm, trái bé tí ti, chín màu cổ tích- Ảnh 11.

Phóng viên Dân Việt (bìa trái) cùng tổ tuần tra bảo vệ rừng anh Nguyễn Văn Hùng (áo trắng) , anh Đinh Quang Thành và 4 thanh niên tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Đá Hang. Ảnh: Đức Cường

Vườn Quốc gia Núi Chúa được thành lập vào tháng 7/2003, trên cơ sở chuyển từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Chúa, tiền thân là Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Bắc được thành lập vào tháng 8/1993. Năm 2021, tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển diễn ra vào tháng 9/2021 tại Nigeria, Núi Chúa chính thức được tổ chức UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Theo BQL Vườn Quốc gia Núi Chúa, hiện có 4 dân tộc cùng sinh sống trong lâm phần của vườn. Trong đó người Kinh chiếm tỷ lệ cao nhất 75%; người Raglai chiếm 22% và người Chăm chiếm 3%. Ngoài ra, cũng có một tỷ lệ nhỏ người Hoa cũng sinh sống trong Vườn Quốc gia Núi Chúa. Cuộc sống người Raglai nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, do đất sản xuất chủ yếu là đồi núi khô cằn, chưa chủ động được nguồn nước nên sản lượng còn thấp. Người dân 2 thôn Đá Hang – Cầu Gãy luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Nhiều chương trình, dự án, các chính sách dân tộc được Trung ương, tỉnh, huyện quan tâm đầu tư các công trình trên địa bàn từng bước ổn định cuộc sống cho nhân dân.