Chuyện lạ Bến Tre, một ông nông dân ra ruộng nhổ lúa lên làm chậu cây kiểng chưng tết, bán đắt hàng

Thứ ba, ngày 06/02/2024 13:43 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Văn Phương, ở ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) có 13 năm trồng kiểng lúa (trồng lúa làm cây kiểng). Những năm qua, vào những ngày cuối năm âm lịch, ông Phương bán hết 100% các chậu kiểng lúa chưng Tết và Tết Nguyên đán năm nào ông cũng không đủ chậu kiểng lúa để cung cấp cho thị trường.
Bình luận 0

Sau nhiều năm đi bán hoa kiểng (cúc mâm xôi, vạn thọ, mai vàng…) ở chợ Tết tại tỉnh Bình Dương, về nhà ông Phương nảy ra ý tưởng sản xuất kiểng lúa để khách hàng chưng trong những ngày Tết. 

Ông Phương nói: “Nhà nào cũng chưng hoa vạn thọ để hy vọng sống trường thọ, chưng mai vàng để cả nhà ai cũng được may mắn trong năm mới. Lúa được ví như “vàng ngọc”. Ông bà ta còn có câu: “Trong trắng và đẹp đẽ như ngọc”. 

Ngọc còn được xem là “Một loại vàng cứng”. Ông bà luôn dạy con cháu không được làm rơi rớt hạt lúa, hạt cơm vì đó là hạt “ngọc” của trời cho. Do đó, cuối năm 2009, tôi quyết tâm làm kiểng lúa”.

Kiểng lúa phải khoe hạt vàng ánh. Với sáng kiến táo bạo, độc đáo này, khoảng đầu tháng 10 (âm lịch) năm 2009, ông Văn Phương chọn giống lúa IR504 lá nhỏ xuất xứ tỉnh Trà Vinh, vì lá nhỏ nên khoe hạt lúa rất nhiều. 

Lúa IR504 đạt năng suất rất cao, từ 12 - 15 tấn/ha. Lúa IR504 chịu hạn, chịu mặn, chịu phèn, kháng sâu bệnh rất tốt. “Năm 2009, lần đầu tiên làm kiểng lúa, vì chưa có kinh nghiệm, tôi chọn chậu nhựa thoát nước để trồng lúa nên thất bại. 

Sang tháng 10(âl) - 2010, tôi mua 200 chậu nhựa không thoát nước để trồng kiểng lúa và rất thành công. Năm 2011, tôi đem 200 chậu kiểng lúa đi bán ở tỉnh Bình Dương và bán hết hàng. Sau đó, hàng năm tôi đều làm kiểng lúa bán ở các chợ hoa xuân ở Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. 

Tết năm nay tiếp tục đi bán ở Phường 5, Quận 8, TP. Hồ Chí Minh vì có nhiều khách hàng quen thuộc. Đỉnh cao của bán kiểng lúa là năm 2020, tôi làm 1.800 chậu”, ông Nguyễn Văn Phương cho biết thêm.

Chuyện lạ Bến Tre, một ông nông dân ra ruộng nhổ lúa lên làm chậu cây kiểng chưng tết, bán đắt hàng- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Phương, nông dân trồng lúa làm kiểng chưng tết ở ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây lúa trong chậu kiểng.

Khách hàng Đặng Thị Nguyệt, 68 tuổi ở quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Năm 2016, tôi có dịp đi chợ Tết, ở Quận 8, thấy có kiểng lúa của ông Phương làm đẹp quá và có ý nghĩa “hạt ngọc trời”… Với lại thấy kiểng lúa làm tôi nhớ đến cha mẹ tôi.

 Lúc cha mẹ tôi còn sống, ở xã Phước Long, huyện Giồng Trôm làm ruộng trồng lúa nuôi cả gia đình. 7 năm qua, tôi thành mối ruột chỗ ông Phương để mua kiểng lúa về chưng trong những ngày Tết tạ ơn cha mẹ và hy vọng vàng ngọc vô đầy nhà”.

Theo kinh nghiệm làm kiểng lúa của ông Văn Phương, gieo vào chậu khoảng 15 hạt lúa giống đến khi cây lúa lớn chưa ra bông thì nhổ bỏ chừa lại 7 hoặc 9 cây khỏe mạnh. Từ khi xuống giống đến ngày thứ 30 sẽ biết có sâu rầy hay không. 

Nếu có thì lá lúa bị đốm đen, tốt nhất là xịt thuốc ngừa sâu và mầm bệnh. Khi ra lá cuối cùng phải bón ít phân lại. Phân thuốc phải đúng loại dành riêng cho lúa. 

Trước khi đem ra chợ Tết phải tỉa bỏ hết lá khô, lá úa làm cho đẹp chậu kiểng lúa. Đặc biệt, phải chăm sóc bón phân thuốc cho hạt lúa bắt đầu chín vàng vào 29 Tết là đạt yêu cầu. 

Tuy nhiên, trồng lúa trong chậu khó hơn ngoài đồng ruộng. 7 người bạn thân nhất của ông Phương được ông chỉ rõ cách trồng kiểng lúa nhưng đều thất bại và bỏ cuộc trở về với nghề trồng mai vàng, cúc, vạn thọ…

Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) Phạm Anh Linh rất tâm đắc kiểng lúa của ông Nguyễn Văn Phương: “Sản xuất kiểng lúa của ông Phương là ý tưởng duy nhất đầu tiên ở huyện Chợ Lách. Ông chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật từ lúc gieo hạt lúa giống vào chậu kiểng cho đến tay khách hàng. 

Ông Phương là một nông dân rất sáng tạo và rất yêu nghề sản xuất hoa kiểng mới thành công. Những năm gần đây, mỗi năm ông Phương thu về ít nhất 60 triệu đồng chỉ riêng bán kiểng lúa. 

Kiểng lúa của ông Phương đúng là độc lạ, hấp dẫn, góp phần suy tôn nghề trồng hoa kiểng ở huyện Chợ Lách phát triển theo hướng bền vững”.

Hoàng Vũ (Báo Đồng Khởi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem