Nơi ven sông Đồng Nai ở Bình Dương, qua 4 lần đào khảo cổ, phát hiện cổ vật là tượng con thú lạ mõm dài

Văn Thị Thùy Trang (Cổng TTĐT Sở VHTT&DL Bình Dương) Thứ ba, ngày 06/02/2024 15:02 PM (GMT+7)
Di tích khảo cổ Dốc Chùa (Cầu Chùa) nằm bên bờ sông Đồng Nai, thuộc ấp Tân Hòa, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Lần khai quật khảo cổ năm 1977 phát hiện mộ cổ chôn theo một tượng động vật bằng đồng, tượng có hình một con vật mõm dài, miệng rộng đứng trên một cái bệ dưới chân có hình một con vật...
Bình luận 0
Bình Dương là một vùng đất lịch sử phát triển lâu đời. Các di chỉ văn hoá khảo cổ đã chứng minh con người tiền – sơ sử đã có mặt trên vùng đất này, từ thuở hậu kỳ đá cũ đến sơ kỳ đá mới, cách đây trên mười ngàn năm. 

Quá trình phát triển đó đã khiến cho Bình Dương nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung, có được sự đa dạng về cơ cấu dân cư, dân tộc và văn hoá. Địa chất Bình Dương có đặc trưng của vùng chuyển tiếp giữa đới nâng bóc mòn Đà Lạt với đới sụt lún tích tụ đồng bằng sông Cửu Long…

Do đó, địa hình Bình Dương mang nhiều yếu tố đặc trưng nằm giữa vùng trung du và châu thổ, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cuộc sống của con người . Minh chứng cho điều này, vùng đất Bình Dương ngày nay đã được giới khảo cổ học phát hiện nhiều di tích khảo cổ học có giá trị, trong đó có di tích Dốc Chùa.

Di chỉ khảo cổ Dốc Chùa (Cầu Chùa) nằm bên bờ sông Đồng Nai, trên đường liên tỉnh lộ Tân Uyên đi Lạc An, thuộc ấp Tân Hòa, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Có tọa độ địa lý vĩ Bắc 1100350’’, kinh độ Đông 10604940’’ trên sườn đồi có phạm vi phân bố là 80m. 

Bề mặt của sườn đồi có độ cao khoảng 20m so với mặt nước biển và 14m so với mặt nước sông Đồng Nai. 

Dốc Chùa, được các chuyên gia khảo cổ đánh giá là một trung tâm kim khí thời tiền sử ở Đông Nam Bộ, được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích Khảo cổ học cấp Quốc gia theo Quyết định số 53/QĐ-BVHTT ngày 28 tháng 12 năm 2001. Là địa điểm khảo cổ tiêu biểu cho nền văn hóa đồng thau ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai. Tổng diện tích là 10.788,31m2.

Vào tháng 6 năm 1976, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Long thuộc Ban khảo cổ (Viện Khoa học Xã hội miền Nam) đã phát hiện ra di tích Dốc chùa - trên lưng chừng đồi có một ngôi chùa đổ nát nên gọi là “Dốc chùa”, nơi đây đang có công trình san ủi mặt bằng để xây lò gốm. 

Quan sát vách đất lộ do xe ủi tạo ra hai bên sườn phía Đông và Tây của đồi, với một tầng văn hóa khá dày và phát hiện nhiều mảnh gốm cổ, dọi se sợi, công cụ bằng đá (rìu tứ giác, bàn mài, chày nghiền, mảnh dao) và một mảnh khuôn đúc bằng sa thạch. 

Kết quả đã được công bố tại Hội nghị Khảo cổ học thường kỳ năm 1976. Bộ Văn hóa – Thông tin có quyết định khai quật di tích Dốc Chùa, qua ba đợt:

Cuộc khai quật khảo cổ di tích Dốc Chùa (Cầu Chùa) năm 1976

Cuộc khai quật diễn ra từ ngày 16 tháng 12 năm 1976 đến ngày 08 tháng 01 năm 1977. Tham gia đoàn khai quật có các nhà nghiên cứu Đào Linh Côn, Nguyễn Văn Long và họa sĩ Bùi Xuân Long. Căn cứ vào địa điểm tầng văn hóa ở hướng Đông và Nam sườn đồi, đoàn đã đào 2 hố với 216m2, hố thứ nhất nằm phía Tây Nam sườn đồi có diện tích 120m2 (ký hiệu 76 DCH1). 

Hố thứ 2 ở phía Đông sườn đồi có diện tích 96m2 (ký hiệu 76 DCH2). Kết quả khai quật đã thu được 803 công cụ các loại, cho thấy Dốc Chùa có hai tầng văn hóa thuộc giai đoạn sớm và muộn khác nhau và đây là cuộc khai quật đầu tiên của khảo cổ học phía Nam, thành công rất lớn.

Cuộc khai quật khảo cổ di tích Dốc Chùa (Cầu Chùa) năm 1977

Từ ngày 12 tháng 04 đến ngày 08 tháng 05 năm 1977, tham gia khai quật có các nhà nghiên cứu Đào Linh Côn, Nguyễn Văn Long cán bộ Ban khảo cổ học phía Nam; Nguyễn Duy Tỳ và Phạm Đức Mạnh cán bộ viện khảo cổ học Hà Nội. Tổng diện tích khai quật lần này là 159m2

Ngoài ra, để xác định quy mô quy hoạch của diện tích đoàn còn đào năm hố xung quanh để khảo sát với diện tích 4m2. Đợt này đã phát hiện được 20 ngôi mộ cổ cùng với 663 công cụ bằng đồng, khuôn đúc, dọi se sợi, đồ đá, gốm...

Đặc biệt, ngoài các công cụ vũ khí bằng đồng làm đồ tùy táng còn có mộ chôn theo một tượng động vật bằng đồng, tượng có hình một con vật đứng trên một cái bệ dưới chân có hình một con vật. Tượng dài 6,4 cm, cao 5,4 cm, đúc hình con vật bốn chân, đầu ngẩng cao, mõm dài, miệng rộng. Đuôi con vật có kích thước khá lớn, đoạn cuối đuôi xoắn thành ba vòng tròn. (Tượng đồng hình con thú sau này là Bảo vật quốc gia của tỉnh Bình Dương).

Chân cao, hai chân trước nhỏ hơn hai chân sau Bộ phận sinh dục cho thấy đây là con vật giống đực Thân con vật trang trí hoa văn các đường gấp khúc hình thang, các dấu lõm xung quanh có tia ngắn giống hình mặt trời. Dưới bốn chân con vật có chiếc đế hình động vật, đã bị gãy đầu (rắn hoặc trăn)

Nơi ven sông Đồng Nai ở Bình Dương, qua 4 lần đào khảo cổ, phát hiện cổ vật là tượng con thú lạ mõm dài- Ảnh 1.

Tượng thú (di tích khảo cổ Dốc Chùa) – Bảo vật quốc gia. Di tích khảo cổ Dốc Chùa, thuộc ấp Tân Hòa, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Cuộc khai quật khảo cổ di chỉ Dốc Chùa (Cầu Chùa) năm 1979 

Cuộc khai quật (từ 15-02 đến 20- 03 năm 1979) do cán bộ Ban khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với phòng Bảo tồn Bảo tàng Sông Bé (nay Bảo tàng Bình Dương). 

Tổng diện tích khai quật lần này là 151,6m2 với hố đào (Hố 1:115,6m2 đào theo hình chữ I nằm về phía Tây Bắc, Hố 2: 36m2 nằm ở phía Nam của hố 1 và hố thám sát diện tích 4m2. Kết quả thu được 414 công cụ bằng đá, gốm và nhiều công cụ vũ khí bằng đồng nằm tập trung trong mộ.

Qua những đợt khai quật đã hình thành nhiều bộ sưu tập hiện vật có giá trị lịch sử và khoa học rất lớn. Các công cụ sản xuất bằng đá, gốm, đồng,… tổng ba đợt hiện vật thu được là 76 khuôn đúc và 68 công cụ vũ khí bằng đồng, 1.142 hiện vật bằng đá, 259.200 mảnh gốm các loại. 

Dốc Chùa trở thành một sưu tập hiện vật quan trọng biểu hiện cho một đỉnh cao phát triển của thời tiền sử vùng Đông Nam Bộ. 

Một di tích đa dạng và phong phú có nhiều yếu tố mới, sự hội tụ về kinh tế, kỹ thuật của xã hội phát triển cao, có niên đại từ 3.000–2.500 năm cách ngày nay.

Nơi ven sông Đồng Nai ở Bình Dương, qua 4 lần đào khảo cổ, phát hiện cổ vật là tượng con thú lạ mõm dài- Ảnh 2.

Khuôn đúc - di chỉ khảo cổ Dốc Chùa (ảnh tư liệu) năm 2009. Cuộc khai quật lần thứ tư được tổ chức ở phần vành đai phía Bắc của Dốc Chùa, thu được hàng vạn mảnh gốm, 24 dọi xe sợi, 3 khuôn đúc và nhiều viên đá cuội có vết gia công, bàn mài xoáy tròn dùng để mài bên trong các vòng tay bằng đá.

Cuộc khai quật khảo cổ di chỉ Dốc Chùa (Cầu Chùa) năm 2018

Cuộc khai quật với mục đích nhằm khảo sát trong lòng đất, nghiên cứu và di dời di vật khảo cổ (nếu có) trước khi tiến hành xây dựng nhà trưng bày theo giấy phép số 3352/QĐ-BVHTTDL ngày 05/9/2018. 

Khu vực khai quật được tiến hành nằm trong phần diện tích dự kiến xây dựng trên vùng đất bằng phẳng khu vực đỉnh gò, ở phía đông bắc các hố khai quật năm 1976, 1977 và 1979 trước đây. 

Kết quả khai quật năm 2018, đồ đá có các loại dụng cụ như: 14 rìu, 01 phác vật rìu, 01 cuốc, 02 đục, 35 hiện vật có vết ghè, 05 bàn mài lõi, 90 bàn mài, 06 khuôn đúc, 06 mảnh vòng tay và 36 hạt chuỗi, 01 mảnh tektite (?). Đồ đất nung có 65 dọi se sợi, 99 viên bi gốm, 07 mảnh gốm ghè tròn, 03 hiện vật kim loại

Qua những đợt khai quật đã hình thành nhiều bộ sưu tập hiện vật có giá trị lịch sử và khoa học, với nhiều loại hình và chất liệu được tìm thấy đã góp phần phục dựng bức tranh đa dạng về đời sống của cư dân cổ Dốc Chùa, từ hoạt động chế tác, sản xuất và nhu cầu thẩm mỹ. 

Các loại hình hiện vật thu được qua các đợt khai quật là 76 khuôn đúc và hàng trăm công cụ vũ khí bằng đồng, hàng ngàn hiện vật bằng đá, hàng vạn mảnh gốm các loại cùng với nhiều công cụ sản xuất bằng đá, gốm, đồng,…

Dốc Chùa trở thành một sưu tập hiện vật quan trọng chứng minh cho sự phát triển đỉnh cao của thời tiền sử vùng Đông Nam Bộ. Với nhiều phát hiện mới có sự hội tụ về kinh tế, kỹ thuật của xã hội thời tiền sử, có niên đại từ 3.000 – 2.500 năm cách ngày nay.

Những phát hiện khảo cổ học trên, có thể khẳng định, trong lòng đất của Bình Dương chứa đựng một kho tàng văn hóa cổ xưa. Trong đó, nổi bật là di chỉ khảo cổ học Dốc Chùa được các nhà chuyên môn đánh giá cao, đặc trưng cho sự phát triển đỉnh cao của trung tâm thời đại kim khí ở vùng Đông Nam Bộ.

Nơi ven sông Đồng Nai ở Bình Dương, qua 4 lần đào khảo cổ, phát hiện cổ vật là tượng con thú lạ mõm dài- Ảnh 3.

 Mũi lao đồng trong hố khai quật H2 -2018, tích khảo cổ Dốc Chùa (Cầu Chùa) nằm bên bờ sông Đồng Nai, thuộc ấp Tân Hòa, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh Lê Hoàng Phong.

 

Nơi ven sông Đồng Nai ở Bình Dương, qua 4 lần đào khảo cổ, phát hiện cổ vật là tượng con thú lạ mõm dài- Ảnh 4.

 Xử lý hố khai quật H2-2018, di chỉ khảo cổ Dốc Chùa (Cầu Chùa) nằm bên bờ sông Đồng Nai, thuộc ấp Tân Hòa, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh Lê Hoàng Phong.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Bùi Chí Hoàng (chủ biên) (2010), Khảo cổ học Bình Dương từ tiền sơ đến sơ sử, NXB Khoa học Xã hội.
  2. Sở Văn hóa – Thông tin, Ban quản lý Di tích và Danh thắng (2008), Di tích và danh thắng tỉnh Bình Dương.
  3. Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Báo cáo khai quật di tích khảo cổ Dốc Chùa 12/2018.
  4. Quốc Lê, Soi bức tượng tí hon bằng đồng bí hiểm nhất Việt Nam, https://baomoi.com/soi-buc-tuong-ti-hon-bang-dong-bi-hiem-nhat-viet-nam/c/28148353.epi, truy cập 5/8/2019.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem