Những ngày gần Tết Giáp Thìn năm 2024, đến thăm vườn cam nhà tỷ phú nông dân Nguyễn Văn Tuấn ai cũng trầm trồ bởi được tận mắt chứng kiến những cây cam ngọt đang phủ một màu đỏ rực, cho quả lúc lỉu, sai trĩu cành và đặc biệt là kích cỡ quả đều nhau tăm tắp. Trong vườn cam, không hiếm cây cam cho thu hoạch hơn 1 tạ quả/cây.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại trồng cam rộng 2ha của mình, tỷ phú nông dân trẻ Nguyễn Văn Tuấn kể về quá trình khởi nghiệp của mình. Theo đó, từ năm 2012, anh cải tạo vườn vải 2ha của gia đình để trồng cây bưởi Diễn. Đất không phụ công người, sau 2 năm chăm sóc, cây bưởi Diễn đã cho những quả đầu tiên, chất lượng quả tốt. Cứ tưởng cây bưởi sẽ là cây giúp anh làm giàu lâu dài nhưng càng về sau nhiều người trồng bưởi Diễn đại trà, dẫn đến sản lượng dư thừa, giá bán bưởi Diễn bị ảnh hưởng, đầu ra khó khăn.
"Những năm 2015, 2016, 2017, bưởi Diễn có giá bán cao nên cho thu nhập khá tốt. Tuy nhiên, liên tiếp những năm sau đó, cây bưởi Diễn thất thu. Lúc đó, cây bưởi trồng đã được 7-8 năm, gốc đã to, khỏe, nếu chặt bỏ đi rất lãng phí" - anh Tuấn tâm sự.
Tình cờ tham gia hội thảo của Hội Nông dân, thấy các mô hình đi trước áp dụng phương pháp ghép cam trên thân cây bưởi rất hiệu quả nên anh Tuấn mạnh dạn chuyển đổi sang cây cam ngọt. Anh Tuấn quyết tâm tìm đến các vườn cây ăn quả nổi tiếng ở Bắc Giang để học tập kinh nghiệm ghép cam lên cây bưởi. Năm 2020, anh Tuấn áp dụng kỹ thuật ghép cam trên 200 gốc bưởi đầu tiên.
"Tôi nhớ như in lúc đó tháng 10 âm lịch, vườn bưởi Diễn một dải chín vàng đang độ quả ngọt vào đường, chỉ còn tầm khoảng 1 tháng nữa là được thu hoạch. Vợ tôi lúc đó cứ xuýt xoa tiếc, bảo để thu xong bưởi Diễn rồi hẵng ghép. Nhưng tôi vẫn quyết tâm chặt vườn bưởi Diễn để ghép mắt cây cam ngọt" - anh Tuấn nói.
Chia sẻ về thời gian thích hợp ghép cam trên thân cây bưởi anh Tuấn cho biết: "Để ghép cam trên thân bưởi đạt kết quả tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tốt nhất cây gốc cắt vào tháng 10-11 âm lịch. Về kỹ thuật ghép, để mắt ghép cam phát triển tốt, cần chọn những cây cam có nhánh to, khỏe, không bị sâu bệnh cắt, ghép vào cây bưởi Diễn".
Theo anh Tuấn, qua thực tế gần 4 năm trồng cam áp dụng phương pháp ghép mắt cam trên gốc cây bưởi Diễn, cây chắc khỏe, bền, cành có độ dai.
Anh Tuấn cho biết, kỹ thuật trồng cam phức tạp hơn kỹ thuật trồng bưởi. Do đó, nếu người trồng không chăm sóc đúng kỹ thuật thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp vườn cam phát triển bền vững, cho giá trị kinh tế cao đó là anh Tuấn đã áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ. Để cây cam cho quả chín đỏ, mọng nước có độ ngọt, trong quá trình chăm sóc anh thường bón phân đậu tương ủ với phân vi sinh và tăng lượng kali cho cây. Đồng thời, anh Tuấn tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh thay thế cho các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Điều đặc biệt, anh tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ mà nuôi cỏ để giữ ẩm cho đất. Với cách làm như vậy, vườn cam được ghép trên thân cây bưởi và chăm sóc theo hữu cơ đã mang lại hiệu quả rõ rệt; sản lượng, chất lượng vượt trội so với vườn cam chăm sóc theo phương pháp truyền thống.
"Trồng cam theo hướng hữu cơ vừa giúp bền cây, vừa nâng chất lượng sản phẩm. Cây cam được trồng theo hướng hữu cơ thì bộ rễ rất khoẻ mạnh, nếu cây có bị bệnh thì cũng phục hồi rất nhanh so với cách trồng cam truyền thống" - anh Tuấn nói.
Hiện nay, vườn cam của anh Tuấn có diện tích 2ha, cây nào cũng khoẻ, lá xanh bóng, cho quả sai trĩu quả. Từ ngày trồng cam, chưa khi nào gia đình anh Tuấn bị mất mùa.
"Ưu điểm của phương pháp này là cây ghép rất khoẻ và cho ra quả rất sai. Quả cam trên cây ghép vẫn giữ được chất lượng thơm ngon ngọt vốn có và mẫu mã đẹp hơn, dễ trồng, chi phí thấp, ít tốn công chăm sóc nhưng thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với cam chưa ghép.
Vụ cam đầu tiên gia đình tôi thu hoạch được 15 tấn quả. Vụ cam năm nay, 2ha cam cho năng suất 20 tấn. Quả đều, chín đỏ ngọt, mẫu mã đẹp nên toàn bộ số cam của gia đình đã được thương lái tìm đến đặt cọc trước tại vườn và đặt mua hết sạch trước Tết Nguyên đán. Với giá bán tại vườn là 63.000 đồng/kg, gia đình tôi có doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng từ việc xuất bán hơn 20 tấn cam ngọt Lục Ngạn"- tỷ phú nông dân Nguyễn Văn Tuấn phấn khởi khoe.