Từ chối cơ hội lập nghiệp ở trời Âu, cô gái 9X về quê nối nghiệp ông nội trồng cam, quýt

Thứ tư, ngày 02/08/2023 14:53 PM (GMT+7)
Học xong Đại học Amsterdam, cô gái sinh năm 1998 từ bỏ cơ hội làm việc ở Hà Lan, quay về nối nghiệp ông nội trồng cam, quýt; mỗi năm thu 2-3 tỷ đồng.
Từ chối cơ hội lập nghiệp ở trời Âu, cô gái 9X về quê nối nghiệp ông nội trồng cam, quýt - Ảnh 1.

“Chào mọi người, lại là em Tiên vườn cam đây” - là câu mở đầu video quen thuộc mà người xem nào theo dõi kênh Tiktok Tiên Quýt đều biết. Một cô gái với vóc người nhỏ nhắn, làn da bánh mật, lúc nào cũng xuất hiện với bộ quần áo làm vườn và chiếc nón lá có họa tiết hình múi cam được vẽ tay.

Cô gái này đăng tải những video nói về nghề trồng cam, quýt tại vùng quê cô sinh sống. Trong những video đó, cô say sưa nói về nghề trồng cam quýt, về cách chọn cam ngon, về quy trình đưa trái cam, quýt ra thị trường… và vô số thứ liên quan đến cam, quýt.

Nhìn và nghe một cô gái trẻ, say sưa nói về nông nghiệp như một người nông dân thực thụ này, ít ai biết rằng cô đã có một thời gian dài học tập và sinh sống ở nước ngoài. Cô đã từng đứng trước cơ hội làm việc cho một doanh nghiệp hàng đầu thế giới, trong lĩnh vực hàng không. Thế nhưng, cô gái sinh năm 1998 chọn từ bỏ cơ hội, quay trở về Việt Nam trồng cam, quýt nối nghiệp ông nội.

Người trẻ làm nông (bài 1): Từ chối cơ hội lập nghiệp trời Âu, cô gái 9X về quê nối nghiệp ông trồng cam, quýt - Ảnh 1.

Chân dung cô gái từ chối cơ hội lập nghiệp trời Âu, về quê nối nghiệp ông nội trồng cam, quýt. Ảnh: Quang Sung

Lựa chọn trở về từ những chuyến đi

Cô gái được nói đến ở trên là Lâm Thị Mỹ Tiên - cựu sinh viên trường Đại học Amsterdam (Hà Lan), hiện đang sống tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Đây là vùng đất mà phần lớn người dân sống bằng nghề trồng cây có múi và gia đình Tiên cũng vậy.

Nghề trồng cam, quýt có từ đời ông nội, đến Tiên là đời thứ ba tiếp tục theo nghề. Cái nghề mà Tiên hay nói chơi: “Trái cam, trái quýt đưa mình đi đến nhiều nơi trên thế giới”.

Nói về nghề truyền thống của gia đình, Tiên cho hay: “Từ năm lớp 10, tôi đã được hướng làm nông nghiệp, nhưng tôi không chịu. Ông nội nói: “Ông trồng cam quýt rồi, học xong cấp 3 con về mở đại lý phân bón, ông nội trồng cam, con bán phân bón”. Nhưng tôi không thích nông nghiệp, mà thích môi trường hiện đại, trẻ trung như các bạn đồng trang lứa”.

Người trẻ làm nông (bài 1): Từ chối cơ hội lập nghiệp trời Âu, cô gái 9X về quê nối nghiệp ông trồng cam, quýt - Ảnh 2.

Tiên (thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh cùng các bạn thời điểm đang theo học tại trường Đại học Amsterdam (Hà Lan). Ảnh: NVCC

Lên đại học, Tiên theo học tại trường RMIT (TP.HCM). Một năm sau, cô tiếp tục sang Hà Lan du học chuyên ngành Quản trị kinh doanh.

Tiên cho biết, sang nước ngoài du học, cô có cơ hội gặp nhiều người, đi nhiều nơi và học hỏi được rất nhiều điều. Những lúc nghỉ hè, cô thường đi du lịch ở các nước châu Âu. Và cũng từ những chuyến đi đó, cô đã tìm ra lý do để quay về quê nhà.

“Tôi đã có chuyến đi đến hòn đảo Amalfi của nước Ý. Đến đây, tôi bất ngờ vì mọi thứ, cái gì cũng liên quan đến cam và chanh vàng. Trên một hòn đảo nhỏ, từ thức ăn, quán cà phê cho đến đồ lưu niệm đều có hình ảnh của cam và chanh vàng. Tôi thắc mắc thì được người dân ở đây giải thích, đây là vùng đất trồng chanh và cam vàng từ xưa đến nay và đây cũng là loại cây làm hòn đảo phát triển như ngày hôm nay”, Tiên kể lại.

Người trẻ làm nông (bài 1): Từ chối cơ hội lập nghiệp trời Âu, cô gái 9X về quê nối nghiệp ông trồng cam, quýt - Ảnh 3.

Quýt đường Hiếu Liêm có vẻ ngoài không quá đẹp mắt, nhưng chất lượng được đánh giá cao. Ảnh: Quang Sung

Thực tế chuyến đi, cộng với những lần gọi về nhà thường hay nghe mẹ than cam, quýt tháng này bán được, tháng kia bán ế, bán chậm... khiến cô gái 9X trăn trở.

“Cho nó đi ăn học, giờ nó về làm nông”

Thế rồi, cuối năm 2019, cô gái này quyết định quay về Việt Nam theo đuổi nghiệp làm nông, bỏ lại những cơ hội đang chờ đón cô với mức lương được tính bằng tiền đô.

“Lúc về nước, gia đình không ủng hộ, tự nhiên đổ tiền cho nó đi ăn học, giờ nó về làm nông, vậy thì đi học làm chi. Bạn bè, các em khóa dưới đều không ủng hộ; họ hàng thì nghĩ tôi có vấn đề nên mới quay về”, Tiên vừa cười, vừa chia sẻ.

Người trẻ làm nông (bài 1): Từ chối cơ hội lập nghiệp trời Âu, cô gái 9X về quê nối nghiệp ông trồng cam, quýt - Ảnh 5.

Tiên dành 2 năm để cùng làm, cùng bán nông sản như một người nông dân thực thụ. Ảnh: NVCC

Cô gái này hiểu rằng, việc cố gắng giải thích khó lòng thuyết phục mọi người hiểu được tâm tư, định hướng của mình. Thế là cô quyết định nỗ lực làm, chỉ có làm thật tốt, có thành quả mới là lời minh chứng đáng tin nhất.

Tiên dành ra hai năm để dấn thân, làm tất cả những công việc như một người nông dân thực thụ. Cô muốn thật sự hiểu người nông dân đang làm những gì, gặp khó khăn ở bước nào để có thể giải quyết vấn đề một cách tận gốc.

“Qua hai năm trực tiếp trồng và bán cam quýt, tôi đã đi tham gia hội chợ ở nhiều nơi trên toàn quốc và  nhận thấy hiện trái cam, trái quýt của quê mình đang gặp hai vấn đề lớn. Thứ nhất, thị trường của cam, quýt Hiếu Liêm còn hạn chế và phụ thuộc vào thị trường miền Đông và Hà Nội. Thứ hai, mình chỉ dừng lại ở mức bán tươi, chưa có sản phẩm chế biến sau thu hoạch. Do đó, cam, quýt của mình thường xuyên bị ép giá, không đạt được giá trị kinh tế tối đa”, Tiên nhận định.

Người trẻ làm nông (bài 1): Từ chối cơ hội lập nghiệp trời Âu, cô gái 9X về quê nối nghiệp ông trồng cam, quýt - Ảnh 6.

Cô gái 9X rạng rỡ bên "đứa con tinh thần" của mình. Ảnh: Quang Sung

“Bắt được bệnh”, Tiên bắt tay vào đi tìm giải pháp. Cô bắt đầu thực hiện thí điểm trên 10ha trồng cam, quýt. Cô xây dựng một thương hiệu cho riêng mình, lấy tên là C Farm (chữ “C” nằm trong cụm “citrus tree”- cây có múi). Cô tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Cô xây dựng kênh Tiktok để bắt kịp xu hướng và tiếp cận được đa dạng thành phần người tiêu dùng.

Những "quả ngọt" đầu tiên

Sau 1,5 năm triển khai xây dựng thương hiệu cho 10ha trồng cam, quýt cùng với cách tiếp cận thị trường mới mẻ, trẻ trung, đến nay, thương hiệu C Farm đã có mặt khắp các cửa hàng trái cây cao cấp tại Hà Nội và miền Trung. Có nhiều chuỗi cửa hàng lớn đã chủ động, đến tận vườn của cô gái này để thuyết phục ký hợp đồng cung cấp dài hạn.

Người trẻ làm nông (bài 1): Từ chối cơ hội lập nghiệp trời Âu, cô gái 9X về quê nối nghiệp ông trồng cam, quýt - Ảnh 7.

Quýt đường Hiếu Liêm hiện này có giá dao động từ 35.000-40.000 đồng/kg. Ảnh: NVCC

Tiên là thế hệ đầu tiên trong nhà quan tâm đến việc xúc tiến thương mại và thương mại điện tử sản phẩm cam, quýt. Trong một lần tham gia xúc tiến thương mại, chỉ trong 3 ngày cô đã bán được hơn 600kg quýt đường Hiếu Liêm.

"Tháng 6, tôi có tham gia xúc tiến thương mại ở TP.HCM, không ngờ tại sự kiện đó tôi bán được nhiều như vậy. Đến ngày thứ 2 tham gia hội chợ, tôi đã định dọn gian hàng về vì hết quýt; thế nhưng người mua vẫn đến, vậy là phải tức tốc cho xe chở quýt từ quê lên "ứng cứu". Nhiều khách hàng ở TP.HCM còn dặn, lần sau lên thành phố nhớ báo trước để họ đặt hàng", Tiên sung sướng kể lại.

Hiện nay, tài khoản Tiktok của Tiên có khoảng 18.700 người theo dõi, gần 250.000 lượt thích. Hằng tuần, cô vẫn thường xuyên quay video với chủ đề liên quan đến cam, quýt. Nhiều người đề xuất cô bán hàng trên nền tảng Tiktok, nhưng theo Tiên, hiện tại chưa đến thời điểm thích hợp.

Người trẻ làm nông (bài 1): Từ chối cơ hội lập nghiệp trời Âu, cô gái 9X về quê nối nghiệp ông trồng cam, quýt - Ảnh 8.

Tiên say sưa bên cây quýt và chiếc điện thoại để làm video giới thiệu đến nhiều người hơn. Ảnh: Quang Sung

“Tôi kể các câu chuyện trên nền tảng Tiktok vì muốn người xem thấy được hành trình tạo ra nông sản, cho người xem thấy được sự vất vả, tâm huyết mà người nông dân gửi gắm trong từng trái cam, trái quýt. Khi người tiêu dùng thấy được quá trình canh tác của tôi, họ sẽ yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm. Tôi bán không chỉ cam, quýt mà còn bán cả câu chuyện của nó”, Tiên giải thích.

Cô gái này cũng thừa nhận, hiện tại kênh của cô rất kén người xem, lượt xem và theo dõi rất ít. Nhưng ngược lại, từ kênh Tiktok này cô nhận về những đơn hàng, những hợp đồng tương đối nhiều.

"Giám đốc thu mua chuỗi Bách Hóa Xanh TP.HCM đã đến tận vườn của tôi để ký hợp đồng cung cấp dài hạn sản phẩm quýt C Farm. Anh giám đốc nói: "Trước giờ chỉ có nhà vườn đến tìm Bách Hóa Xanh để ký hợp đồng, em là trường hợp cá biệt mà Bách Hóa Xanh phải đến tận vườn để thuyết phục ký hợp đồng cung cấp"", Tiên tự hào kể lại.

Người trẻ làm nông (bài 1): Từ chối cơ hội lập nghiệp trời Âu, cô gái 9X về quê nối nghiệp ông trồng cam, quýt - Ảnh 9.

Quýt đường Hiếu Liêm có màu cam khi chín, vị ngọt đậm đà. Ảnh: Quang Sung

Lý giải về sự đón nhận của thị trường đối với sản phẩm cam, quýt Hiếu Liêm, Tiên cho biết: “Trước tiên, để khách hàng đón nhận, sản phẩm của tôi phải thật sự tốt. Cam, quýt trồng ở vùng Hiếu Liêm có vị ngọt đậm đà, sắt nước. Tuy bề ngoài không quá đẹp, nhưng chất lượng bên trong rất ngon, thời gian bảo quản của cam, quýt Hiếu Liêm cũng lâu hơn cam, quýt ở vùng khác, do đó người tiêu dùng rất thích”.

Được biết sản phẩm cam, quýt của thương hiệu C Farm được trồng theo hướng hữu cơ và đạt chuẩn VietGAP. Với vườn cam, quýt 10ha cho trái quanh năm, giá bán dao động từ 30-40 nghìn/kg, mỗi năm cô gái 9X thu về 3-4 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 50%.

Bước đầu đạt được những tín hiệu tích cực, nhưng chính Tiên cũng nhìn nhận, sản phẩm cam, quýt của quê hương cô vẫn còn nhiều khó khăn.

“Chính vì phụ thuộc nhiều vào thị trường Hà Nội và miền Đông mà cam, quýt Hiếu Liêm nhiều phen “hụt chân”. Thị trường Hà Nội cam, quýt chỉ bán được từ tháng 2 đến tháng 9, từ tháng 10 trở đi, thời tiết lạnh nên người dân ít tiêu thụ. Phần lớn người tiêu dùng TP.HCM chỉ biết đến cam, quýt miền Tây. TP.HCM là một thị trường rất tiềm năng, nếu có mặt tại thị trường này, giá trị nông sản của bà con nơi đây sẽ được tăng cao”, Tiên kỳ vọng nói.

Người trẻ làm nông (bài 1): Từ chối cơ hội lập nghiệp trời Âu, cô gái 9X về quê nối nghiệp ông trồng cam, quýt - Ảnh 11.

Tiên tư vấn cho khách hàng trong một sự kiện xúc tiến thương mại. Ảnh: Quang Sung

Định hướng gần nhất của Tiên là đưa thương hiệu C Farm tiếp cận thị trường TP.HCM đồng thời triển khai nghiên cứu sản phẩm chế biến sau thu hoạch từ cam, quýt.

“Tôi rất mê làm chế biến các sản phẩm từ cam, quýt. Bởi tôi biết không thể nào ăn tươi 5 trái cam cùng lúc, nhưng tôi có thể ăn một sản phẩm có 5 trái cam trong đó. Tôi muốn là người đầu tiên làm một xưởng chế biến tại quê hương của mình, dù là nhỏ thôi. Tôi sẽ theo đuổi nông nghiệp đến cùng, nhưng sẽ làm khác đi hướng truyền thống trước đây”, Tiên tự tin nói.

Gen Z tự hào khi là nông dân

Từ một du học sinh, giờ đây, cô gái 25 tuổi có thể làm thành thạo các công việc của một người nông dân. Cô tự chạy xe gắn máy qua các con dốc ngoằn ngoèo đất đỏ, sỏi đá để thăm vườn. Cô cùng làm việc, trò chuyện với các cô chú nông dân. Hai thế hệ khác nhau, nhưng lại cùng nói chung chủ đề, cùng chung tay vun vén từng gốc cam, gốc quýt.

Người trẻ làm nông (bài 1): Từ chối cơ hội lập nghiệp trời Âu, cô gái 9X về quê nối nghiệp ông trồng cam, quýt - Ảnh 12.

Hằng ngày, Tiên vẫn ra vườn để theo dõi và chăm sóc những "quả ngọt" của mình. Ảnh: Quang Sung

Cả vùng quê trồng cam, quýt nhưng có lẽ Tiên là cô gái nhỏ tuổi nhất vừa làm nông dân, vừa làm chủ một khu vườn. Thỉnh thoảng, khi mệt quá, cô cũng chạnh lòng nghĩ: “Hồi đó tới giờ mình đâu có làm cực như vậy đâu. Mình xứng đáng có những thứ tốt hơn, sang trọng hơn”.

“Thế nhưng từ khi làm nông, tôi hiểu được nỗi khổ cực của người nông dân, hiểu được nỗi trăn trở của họ. Tôi trân trọng và tự hào về công việc nông dân mà mình đang làm”, chủ thương hiệu C Farm nói đầy tự hào.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương Đỗ Ngọc Huy cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, nhiều bạn dù đã có công việc ổn định, thu nhập cao nhưng vẫn chọn quay về làm nông.

"Những tấm gương trẻ có kiến thức, có trình độ, quay về quê nhà làm nông nghiệp là một tín hiệu tích cực cho ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương. Những bạn trẻ có thế mạnh về tiếp cận khoa học - kỹ thuật; canh tác nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; thương mại sản phẩm ở đa dạng kênh bán hàng. Trong tương lai, đây sẽ là thế hệ nông dân có trình độ cao của tỉnh nhà, góp phần đưa ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương phát triển có chiều sâu và bền vững", ông Huy nhận định.

Từ chối cơ hội lập nghiệp trời Âu, cô gái 9X về quê nối nghiệp ông trồng cam, quýt. Video: Quang Sung

Từ chối cơ hội lập nghiệp ở trời Âu, cô gái 9X về quê nối nghiệp ông nội trồng cam, quýt - Ảnh 14.

Quang Sung
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem