Vừa qua, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Trong đó, có nhiều cán bộ trung ương như ông Trịnh Đình Dũng (vi phạm khi giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021); ông Mai Tiến Dũng (vi phạm khi giữ cương vị Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ).
Nhiều nguyên lãnh đạo, hoặc đương chức cũng bị khởi tố trước Tết 2024 như: Ông Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh; ông Trần Đức Quận – Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng…
Nhận thông tin nhiều quan chức bị xử lý trước thềm năm mới 2024, khiến không ít người xôn xao. Có người đặt dấu hỏi, liệu "lò" chống tham nhũng liên tục "đốt" có khiến cán bộ, lãnh đạo e dè, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm?.
Chia sẻ tại cuộc họp báo hồi tháng 1/2024 vừa qua, ông Lê Văn Chiến - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông thừa nhận ở một số nơi, một số cán bộ có tâm lý e ngại, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm. Tâm lý này xuất hiện nhiều sau đại dịch COVID-19. Thời gian qua, nhiều cán bộ, lãnh đạo bị khởi tố, bị xử lý kỷ luật… Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận cán bộ thực thi nhiệm vụ. Tỉnh đã nhận diện vấn đề này và luôn đưa ra các cuộc họp để làm công tác tư tưởng cho họ. Bởi Đảng, Nhà nước luôn có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám nói, dám hành động vì lợi ích chung. Để thay đổi nhận thức trong cán bộ, lãnh đạo thực thi công quyền, cần có thời gian song phải có hiệu quả, bởi "bệnh" sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ thuộc thẩm quyền nếu để lâu ngày sẽ bị nặng, gây ách tắc, trì trệ nhiều việc, ảnh hưởng đến cả hệ thống.
Thực tế, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm này đã từng xảy ra tới mức báo động. Do đó, ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 280 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân tại các bộ, cơ quan, địa phương và của cán bộ, công chức; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.
Chưa hết, hồi tháng 9/2023, Chính phủ còn ban hành Nghị định số 73/2023, quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nhiều lần nhấn mạnh: "Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm "nản chí", "chùn bước", sợ sai, không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm".
Điều này dễ nhận diện khi soi chiếu vào đại vụ án tham nhũng liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, khiến hàng loạt quan chức "nhúng chàm" vì đã nhận tiền "lại quả", tiền phần trăm… Thế nhưng có duy nhất một cán bộ nói không với "hoa hồng", thậm chí vị này còn cảnh tỉnh thuộc cấp không nhận quà của Việt Á, đó là ông Nguyễn Thành Danh - cựu Giám đốc CDC Bình Dương. Tại phiên xét xử, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Thành Danh.
Trường hợp của cựu Giám đốc CDC Bình Dương đã khẳng định : "Khó khăn không chùn bước, tiền bạc không thể lung lay". Họ chấp nhận làm sai vì nhân dân và dám chịu trách nhiệm trước việc làm của mình chứ không phải sợ sai mà không dám làm, "khư khư bảo vệ chiếc ghế quyền lực" của mình. Họ cũng không bị mờ mắt trước đồng tiền, vì tiền mà đạp trên nỗi đau, sự sống của người dân.
Qua các sự việc trên, ta thấy rằng, Đảng, Nhà nước luôn kiên định với cuộc chiến chống tham nhũng, loại bỏ những người tư lợi cá nhân, bỏ qua lợi ích của Nhà nước, Nhân dân. Song song với cuộc chiến chống tham nhũng, Đảng, Nhà nước luôn có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì nhân dân.
Trong một xã hội dân chủ, sự can đảm và trách nhiệm của cán bộ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo lợi ích và sự phục vụ cho dân cư. Một điều đáng khen ngợi là khi cán bộ dám sai vì dân, tức là họ dám đưa ra những quyết định và hành động mà có thể phản ánh mong muốn và lợi ích của người dân. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và phát triển.