Nỗi cô đơn của người phán xử

Đức Hiển Thứ hai, ngày 18/12/2023 10:18 AM (GMT+7)
Chắc không ít người chỉ nhìn thấy ở họ quyền uy nhân danh nhà nước để phán xử, chỉ thấy quyền lực họ được trao mà đôi khi không nhìn thấy sự cô đơn và "yếm thế" nơi họ. Nhất là, với mỗi sự phán xử của họ, các bị cáo đều có thể bào chữa, truyền thông có thể giám sát.
Bình luận 0


1.

Hơn 30 năm trước, Phân hiệu Đại học Pháp lý TP.HCM (tiền thân của ĐH Luật TP.HCM bây giờ) chỉ tuyển mỗi năm 150 sinh viên từ Quảng Bình đến Cà Mau. 

Hán Văn Nhuận là một trong những sinh viên Ninh Thuận thời đó ở trường Luật. Càng hiếm hơn, bởi anh là sinh viên người Chăm. Cha anh, một nhân viên y tế ở BV tỉnh đã nghỉ việc về quê cày ruộng, bởi đồng lương ít ỏi không thể đủ nuôi một bầy con.

Gần 30 năm sau ngày ra trường, Nhuận trở thành Chánh án TAND huyện Ninh Phước. Với anh, đó là sự nỗ lực vượt bậc. Ông Chánh án vẫn mỗi ngày sau giờ làm việc và mỗi cuối tuần trằn lưng trên ruộng. Anh làm ruộng cũng như cha mình, để nuôi dưỡng ước mơ cho con. Con trai anh cũng là sinh viên luật như cha nó ngày xưa.

Có một vụ kiện dân sự, anh là thẩm phán thụ lý giải quyết, có sơ suất về thủ tục. Bản án bị kháng nghị tái thẩm và huỷ án. Liên tục sau đó anh và cô thư ký toà bị triệu tập làm việc. Nhuận trầm cảm. Vị trí chánh án mà anh vừa được bổ nhiệm, là niềm tự hào của cả làng Chăm, giờ lại thành áp lực. Vào buổi sáng hai năm trước, khi cô thư ký toà bị khởi tố, anh tự sát.

Mấy tháng sau ngày thẩm phán Hán Văn Nhuận mất, vụ án được giám đốc thẩm. Hội đồng thẩm phán TANDTC tuyên giữ nguyên bản án mà anh đã xử, tức là vụ án không hề bị làm sai lệch bản chất. Hai năm sau, người ta đình chỉ vụ án

2.

"Tuyên án tử hình tại phiên toà hoặc làm chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình tại pháp trường, áp lực ghê lắm. Anh biết không, có những vụ án ma tuý, biết trước con mình bị án tử, người nhà vây lấy toà, khóc như đưa ma. Có những người vợ người mẹ chới với chạy theo xe chở bị cáo, khóc ngất.

Tuyên án tử hình hay ra lệnh thi hành án, là tước đoạt mạng sống của một con người. Cho dù người đó gây tội ác, mình thay mặt pháp luật ra lệnh trừng trị họ, thì cũng làm sao khỏi tâm tư.

Chỗ tôi, khi giao hồ sơ những vụ như thế, tôi không bao giờ giao cho thẩm phán là phụ nữ có thai, hay những thẩm phán nhà có đám hiếu, đám hỉ. Họ sắp làm sui, chuẩn bị thành ông, thành bà, giao cho họ xử án tử, là gây áp lực tâm lý, cán cân công lý làm sao chuẩn xác. Chưa kể, người ta kiêng khi nhà mình có việc mà lại tuyên chết người khác! Thẩm phán cũng là con người như mọi người thôi!

Trước lúc ấn định ngày xử bắn bị án, tôi thường lân la tìm hiểu ngày giỗ lớn của nhà họ, để tránh ra, để dòng họ người ta đừng có trùng tang. Tôi còn tìm đọc lý số để không thi hành án vào ngày tam nương, ngày nguyệt kỵ. Cũng là chết, đừng bắt người sống bị ám ảnh thêm và người chết cũng không yên khi vương vấn rằng dòng họ suy vi bởi vì mình chết vào ngày xấu!

Cũng vì thế, tôi từng bị kiểm điểm về lập trường quan điểm, về việc... dị đoan!"

Đó là câu chuyện mà thẩm phán Nguyễn Trí Tuệ, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh nói với tôi gần 30 năm trước khi tôi thực hiện loạt bài "Khi tôi tuyên án tử hình!”

Ông thẩm phán ấy về hưu cũng lâu rồi!

3.

Ngày 26 tết cách đây 10 năm, tôi về quê ăn tết. Hẹn hò bạn bè làm một cái tất niên. Đứa bạn thẩm phán của tôi kiếu bận vì hôm đó anh bận ngồi chủ toạ 3 phiên toà hình sự. Tôi hỏi: "Tết đến xuân về nhà ai cũng sum họp, sao bạn cứ vì chỉ tiêu án mà lôi người ta ra xử, tuyên tù?

Bạn không trả lời,  hai hôm sau mới nói: Bạnnói oan mình rồi. Đúng là mấy ngày qua mình tuyên mấy chục án tù. Nhưng họ đều là án nhẹ, ngư dân tỉnh xa đến xứ mình đánh bắt rồi vào bờ ăn nhậu, trót say rượu đánh nhau, bị tạm giam hoặc được tại ngoại. Mình nghiên cứu hồ sơ và đề nghị xử trước tết để tuyên treo với bị cáo tại ngoại, hoặc tuyên đúng bằng số ngày tạm giam cho họ về xứ ăn tết với gia đình.

Hôm sau tôi mới biết bạn và anh Viện trưởng VKS còn đi vận động tiền các DN địa phương cho bị cáo về ăn tết.

4.

Tôi được đào tạo ngành cán bộ toà án, bạn bè đa phần đều thẩm phán, luật sư. Tôi nghĩ mình biết nhiều về nghề, về họ. Nhưng những câu chuyện trên khiến tôi nghĩ mình rất hời hợt. 

Chắc không ít người chỉ nhìn thấy ở họ quyền uy nhân danh nhà nước để phán xử, chỉ thấy quyền lực họ được trao mà đôi khi không nhìn thấy sự cô đơn và "yếm thế" nơi họ. Nhất là, với mỗi sự phán xử của họ, các bị cáo đều có thể bào chữa, truyền thông có thể giám sát. Còn khi họ chịu bất công bởi những phán xét hoặc thị phi hoặc bị phê phán, rất ít người nhìn thấy họ cũng rất yếm thế và cô đơn. 

Để xét xử một vụ án không quá phức tạp, thẩm phán thường phải đọc hàng trăm, hàng ngàn trang bút lục . Còn để "phán xét" thẩm phán, dư luận đôi khi chỉ cần một chi tiết nhỏ. Đương sự trong vụ án có thể kêu oan, nhưng các thẩm phán thì "kêu" ai khi bị dư luận tấn công?

Có bao giờ bạn nghĩ rằng thẩm phán cũng rất “sợ” dư luận. Vì thế mỗi khi bị dư luận tấn công, họ có thể sẽ vừa nghiên cứu vụ án, vừa nghĩ cách bảo vệ mình và gia đình, họ có thể sẽ ra những bản án không tiệm cận với công lý?

Tôi nghĩ, khi thẩm phán cô đơn và yếm thế trước dư luận, thì nơi bị tấn công có thể là công lý.

ĐỨC HIỂN

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem