Có phải khởi tố nhiều làm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm?

Trần Ngọc Lam Giang Thứ sáu, ngày 05/01/2024 15:53 PM (GMT+7)
Đã có lần, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thẳng thắn chỉ ra, thực trạng này không chỉ là hiện tượng đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, ở cả một số bộ, ngành Trung ương, trong một bộ phận công chức, trong các hoạt động kinh tế - xã hội...
Bình luận 0

Đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng trong những năm gần đây được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm nhằm làm trong sạch bộ máy của Đảng, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước. Trong nhóm các tội phạm tham nhũng, tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là một trong 7 tội (Điều 353 đến 359, Bộ luật Hình sự) đang có chiều hướng tăng cả về quy mô, số lượng, tính chất, mức độ.

Không đâu xa, những ngày cuối năm 2023, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 38 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị, tổ chức có liên quan, trong đó, có tới 3 cựu Ủy viên Trung ương và 35 bị cáo khác bị truy tố về loạt tội: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Trong lúc phiên tòa trên chưa kết thúc thì ngày 4/1/2024, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thông tin đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự đối với ông Hoàng Quốc Vượng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN.

Trước đó, ngày 21/12/2023, Cơ quan này cũng đã thi hành Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương về tội “Nhận hối lộ” (Điều 354, Bộ luật Hình sự).

Và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) ra quyết định khởi tố, bắt bị can để tạm giam với Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về hành vi “Nhận hối lộ”.

Và trước đó là hàng loạt cán bộ thuộc Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), Công ty Mua bán điện bị khởi tố, bắt giam về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356, Bộ luật Hình sự).

Xử lý mạnh tay với hành vi tham nhũng cũng đặt ra câu chuyện số cán bộ, công chức né tránh, thậm chí không dám làm gì, đùn đẩy, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, sợ bị xử lý hình sự cũng được bàn luận, phân tích, đánh giá và mổ xẻ cả trên nghị trường của Quốc hội lẫn dư luận xã hội.

Có lần, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rằng, thực trạng này không chỉ là hiện tượng đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, ở cả một số bộ, ngành Trung ương, trong một bộ phận công chức, trong các hoạt động kinh tế - xã hội... Đặc biệt, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp.v.v..

Vậy có đúng là việc nhiều cán bộ, công chức bị kỷ luật, khởi tố, truy tố do sai phạm pháp luật nghiêm trọng đã dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm gì nữa hay không?

Tham nhũng trên khắp thế giới là một vấn đề phức tạp, có nguồn gốc từ nhiều yếu tố như lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế và xã hội... Tham nhũng không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, mà còn làm suy yếu niềm tin của người dân vào chính quyền, làm giảm chất lượng của các dịch vụ công, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững và công bằng xã hội, gia tăng bất bình đẳng xã hội

Tham nhũng ở Việt Nam còn ảnh hưởng uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng.

Tham nhũng nôm na là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.

Vụ lợi ở đây chính là việc những người này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.

Việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn có thể được thể hiện qua các hành vi cụ thể như giả mạo tài liệu, hồ sơ, thông tin để cấp giấy phép, công chứng, chứng thực, thẩm định giá, giám định, đấu thầu, xét duyệt dự án, phê duyệt xây dựng, quy hoạch, kế hoạch, dự án, mua sắm công,…Thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hoặc nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ…

Mục đích đối tượng nhằm có được chính là tiền, tài sản, quyền tài sản, lợi ích kinh tế hay các vật có giá trị như vàng, bạc, đá quý, đồ cổ... Còn lợi ích phi vật chất là lợi ích thu được dưới dạng danh tiếng, quyền lực, chức vụ, quan hệ.v.v..

Quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng đã khá hoàn thiện, việc xử lý hình sự đối với cán bộ tham nhũng được thực hiện khi hành vi tham nhũng đó đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng là hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra trực tiếp hoặc gián tiếp làm thiệt hại nghiêm trọng về mức độ thiệt hại, phạm vi ảnh hưởng, thời gian kéo dài hay mục đích của hành vi tham nhũng.

Thực ra, việc xử lý hình sự đối với cán bộ tham nhũng là biện pháp cuối cùng, chỉ được thực hiện khi các biện pháp khác không có hiệu quả.

Thực tiễn thời gian qua, đối với các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án có người đứng đầu có chức vụ cao hoặc có ảnh hưởng trong cộng đồng, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng trước khi khởi tố.

Nếu quyết định của người đứng đầu đó vì lợi ích chung, không tiêu cực, vụ lợi cá nhân thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ cân nhắc không khởi tố. Nếu bắt cũng được, không bắt cũng được thông thường sẽ không bắt.

Gần đây khi trả lời về câu chuyện ở trên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an chưa bắt những đối tượng nào vừa qua liên quan tới việc đưa hối lộ, nhận hối lộ mà đối tượng đó không nhận tiền cả.

Gần đây, tôi có dịp trò chuyện với chủ tịch UBND một tỉnh, vị này cũng thẳng thắn rằng “Sao phải sợ, người nào làm vì cá nhân, vì động cơ, vụ lợi thì phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, làm đàng hoàng sao phải ngại”.

Như vậy, nếu cán bộ thực thi nhiệm vụ vô tư, trong sáng, không vụ lợi cá nhân đâu phải lo, sợ bị xử lý hình sự.

Điều này cũng đúng quan điểm trong sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ 5 nhiệm vụ giải pháp căn bản ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực đó là: Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy vai trò gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế; Đẩy mạnh phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; Hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về phòng ngừa tham những; Xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong sạch, vững mạnh; mở rộng hợp tác quốc tế; triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.

Và cũng đúng với tinh thần mục đích cao nhất của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem