Theo Liên Hợp Quốc, hơn 1,3 triệu người được cho là đang ở Rafah, phần lớn phải di dời từ các khu vực khác của Gaza.
Ông Netanyahu hôm thứ Năm 8/2 cho biết Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sẽ "sớm tiến vào Rafah, pháo đài cuối cùng của Hamas".
Trong tuyên bố đưa ra hôm nay thứ Sáu, Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết không thể vừa loại bỏ Hamas vừa để lại "bốn tiểu đoàn Hamas ở Rafah".
"Mặt khác, một chiến dịch quy mô lớn ở Rafah đòi hỏi phải sơ tán dân thường khỏi khu vực chiến sự. Đó là lý do tại sao Thủ tướng chỉ đạo IDF và cơ quan quốc phòng trình lên Nội các một kế hoạch kép cho cả việc sơ tán dân cư và giải tán các nhóm Hamas" - tuyên bố viết.
Rafah là trung tâm dân cư lớn cuối cùng ở Gaza không bị IDF chiếm đóng.
Trong khi người dân chuẩn bị tinh thần rằng Israel sắp tấn công Rafah, Các tổ chức phi chính phủ đã lên tiếng cảnh báo cuộc tấn công có thể biến thành phố thành "vùng đổ máu"
Trong một thông cáo báo chí hôm thứ Năm, Hội đồng Tị nạn Na Uy (NRC) nói: Rafah có thể sớm biến "thành một khu vực đổ máu và tàn phá mà mọi người sẽ không thể trốn thoát". Angelita Caredda, giám đốc khu vực của NRC, cảnh báo: "Các cuộc tấn công vào những khu vực họ cung cấp thực phẩm, nước uống và nơi trú ẩn có nghĩa là việc hỗ trợ cứu sống này sẽ bị cản trở, nếu không muốn nói là dừng lại hoàn toàn".
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng chia sẻ mối lo ngại của mình đối với hơn 600.000 trẻ em đang trú ẩn ở Rafah, nhiều em trong số đó đã "phải di dời khỏi các khu vực khác của Gaza".
Khi nhiều tháng giao tranh ác liệt ở miền Bắc gần như đã xóa sổ các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nhân đạo ở miền Bắc, các quan chức đang kêu gọi bảo vệ những dịch vụ ít ỏi còn sót lại ở miền Nam.
Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell kêu gọi trong một tuyên bố được công bố hôm thứ Năm: "Chúng ta cần những bệnh viện, nơi tạm trú, chợ và hệ thống nước cuối cùng còn sót lại của Gaza để duy trì hoạt động. Nếu không có chúng, nạn đói và bệnh tật sẽ tăng vọt, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em hơn".