Kẹo lạc hồng có vị thơm ngậy và giòn của lạc, hơi dai của mạch nha, nhưng ngọt thanh nên ăn mà không ngán, dẻo mà không bị dính răng. Từ bao đời nay, kẹo lạc hồng Tiên Yên đã cùng khau nhục, gà Tiên Yên trở thành "định danh" cho văn hóa ẩm thực giàu màu sắc và đậm đà truyền thống dân tộc của địa phương cửa ngõ vùng Đông Bắc.
Kẹo lạc hồng ra đời như thế này, nghề làm kẹo lạc hồng có từ bao giờ, không ai còn nhớ rõ. Chỉ biết rằng nghề làm kẹo lạc hồng đã được truyền từ đời này sang đời khác ở Tiên Yên, nhiều gia đình đã 3-4 đời gắn bó với thức quà truyền thống này. Kẹo lạc hồng Tiên Yên cứ cha truyền con nối mà đi sâu vào lòng người như thế.
Tương tự như kẹo lạc, kẹo lạc hồng cũng gồm thành phần chính là lạc được nấu với đường kính và mạch nha. Tuy nhiên, kẹo lạc có màu vàng cánh gián và ăn giòn rụm, trong khi đó, kẹo lạc hồng lại dẻo, hơi dai và có màu đỏ hồng như thạch lựu. Chữ "hồng" trong tên gọi kẹo lạc hồng chính là điểm đặc biệt để phân biệt kẹo lạc hồng và kẹo lạc thông thường.
Theo bà Vũ Thị Liên – cơ sở sản xuất kẹo lạc hồng Thanh Liên (phố Lý Thường Kiệt, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên), bà cũng không nhớ rõ kẹo lạc hồng ra đời từ khi nào. Chỉ biết từ đời ông bà truyền lại cho bố mẹ rồi bố mẹ truyền lại cho bà Liên, nay bà Liên lại truyền nghề cho con cháu.
Nhớ lại những ngày làm kẹo lạc hồng hoàn toàn thủ công, bà Liên thật khó có thể tưởng tượng nổi sự lam lũ của nghề làm kẹo. Quy trình làm kẹo lạc hồng tưởng như đơn giản, nhưng rất vất vả.
Khi làm kẹo lạc hồng hoàn toàn thủ công, gia đình bà có khi cần cả chục người cùng làm, nhưng chỉ được 1 tạ kẹo/ngày. Nhưng hiện nay có máy móc hỗ trợ như máy rang lạc, máy đảo, máy đóng gói,… nên công việc làm kẹo nhàn hơn rất nhiều, chỉ cần 2 người cũng có thể xong một mẻ kẹo. Mỗi ngày gia đình bà có thể làm hơn 2 tạ kẹo lạc hồng.
Còn theo bà Lê Thị Chung – cơ sở sản xuất kẹo lạc hồng Chung Quy (phố Tam Thịnh, thị trấn Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh), gia đình đã làm kẹo lạc hồng từ hàng chục năm nay. Mỗi ngày, gia đình bà làm khoảng 2 tạ kẹo lạc hồng theo đặt hàng. Kẹo lạc hồng đặc biệt "sốt" vào các dịp lễ, Tết. Gia đình phải làm gần 4 tạ kẹo lạc hồng/ngày mới đủ hàng giao cho khách trong dịp giáp Tết.
Để nâng cao chất lượng, sản phẩm, hiện nay việc sản xuất kẹo lạc hồng đã được các cơ sở đầu tư, trang bị các loại máy móc như máy đánh đảo, máy rang lạc, máy đóng gói kẹo,... Tuy được hỗ trợ nhiều bởi máy móc nhưng quy trình làm kẹo lạc hồng vẫn chủ yếu thủ công và phụ thuộc vào tay nghề, kinh nghiệm người nấu và bí quyết gia truyền riêng có.
Theo đó, lạc được rang chín vừa độ để giữ được vị bùi, mùi thơm, độ giòn đặc trưng rồi được cho vào máy làm vỡ đôi hoặc vỡ ba.
Sau đó là công đoạn quấy bột đao, đường kính, mạch nha vào nước theo tỷ lệ phù hợp. Hỗn hợp này quyết định độ dẻo của kẹo nên phải canh lửa rất kỹ. Dù đã có máy móc hỗ trợ, song người nấu vẫn cần căn thời gian hoặc quan sát theo kinh nghiệm, tránh bị non hoặc già quá.
Sau khi hỗn hợp này được nấu đến khi chín, sánh đặc lại, thì thêm lạc, màu thực phẩm vào đánh đều rồi giàn ra khay tạo hình. Công đoạn này rất vất vả, bởi phải đánh đều và nhanh tay với một cây đũa lớn tới khi kẹo nặng tay, sánh đặc lại, đổi thành màu sậm.
Ngày trước, màu hồng của kẹo lạc hồng thường được tạo ra từ gấc. Nay do sản xuất với số lượng lớn, gấc được thay thế bằng màu thực phẩm trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm. Tuy không "thiên nhiên" bằng gấc nhưng cho màu đều, đẹp hơn, không bị át hương thơm của lạc, mạch nha mà vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm.
Sau khi giàn hỗn hợp ra khay, kẹo được để nguội, se mặt rồi dùng dao cắt kẹo thành những thanh dài, rồi từ thanh dài cắt thành hình chữ nhật, cỡ đốt ngón tay cái. Viên kẹo thơm mùi mạch nha, bùi vị lạc và được bọc giấy bóng kính để lộ sắc đỏ hồng như thạch lựu.
Khi xưa, kẹo lạc hồng chỉ xuất hiện vào dịp lễ tết, cưới hỏi, phần bởi sắc đỏ hồng tượng trưng cho may mắn, phần bởi việc sản xuất kẹo mất nhiều thời gian và nhân lực. Từ khi chương trình OCOP Quảng Ninh ra đời đã giúp quảng bá, giới thiệu những chiếc kẹo lạc hồng đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Bởi vậy, kẹo lạc hồng trở thành món quà thông dụng, ngày càng được người tiêu dùng ưa thích, được tiêu thụ từ Nam ra Bắc.
Chị Lê Minh Anh (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: "Tôi thường mua kẹo lạc hồng ở hội chợ OCOP, nhất là hội chợ dịp giáp Tết Nguyên đán. Viên kẹo đỏ đỏ, hồng hồng, nhìn rất thích mắt, giống như tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, niềm vui dịp đầu năm vậy".
Bà Hà Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên) cho hay, trên địa bàn thị trấn hiện có 2 hộ làm kẹo lạc hồng truyền thống, đó là cơ sở sản xuất kẹo lạc hồng Thanh Liên và cơ sở sản xuất kẹo lạc hồng Chung Quy.
Để phát triển thương hiệu kẹo lạc hồng Tiên Yên, thị trấn sản phẩm OCOP thường xuyên hỗ trợ các cơ sở đưa sản phẩm tham gia các hội chợ trong và ngoài huyện, các tỉnh lân cận như Hà Nội, Lạng Sơn,... Sắp tới, thị trấn dự kiến giao Đoàn Thanh niên và Hội Nông dân hỗ trợ các cơ sở đưa sản phẩm kẹo lạc hồng lên sàn thương mại điện tử.