Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam là quần thể danh thắng nào ở Ninh Bình?

Thứ tư, ngày 14/02/2024 07:06 AM (GMT+7)
Tại kỳ họp thứ 38 của Ủy ban Di sản thế giới tổ chức ở Ca-ta, Quần thể danh thắng Tràng An (Tràng An) tỉnh Ninh Bình đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên đại diện của nhân loại và trở thành di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam.
Bình luận 0

Ðây thật sự là niềm vinh dự, tự hào rất lớn của người dân trên mảnh đất lịch sử Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời góp phần tạo nên một góc nhìn mới, đa chiều về sự kết hợp của những giá trị văn hóa, thiên nhiên nổi bật toàn cầu.

Nằm ở cực nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, Ninh Bình cách Hà Nội khoảng 90 km về phía đông nam, Tràng An có diện tích 6.172 ha, vùng đệm có diện tích 6.079 ha, chiếm gần như toàn bộ khối đá vôi Tràng An với tuổi địa chất hơn 250 triệu năm, một khu vực hòa lẫn giữa thiên nhiên và văn hóa, với ba khu là khu di tích lịch sử văn hóa tâm linh Cố đô Hoa Lư, núi chùa Bái Ðính, khu Danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Ðộng và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư.

Tràng An là một vùng thiên nhiên kỳ bí, không bị ảnh hưởng nhiều bởi các hoạt động của con người. Rừng rậm còn hoang sơ, hồ nước, sông suối trong vắt, không khí trong lành, làng quê yên tĩnh, chỉ có âm thanh và sắc màu của thiên nhiên. 

Cảnh quan địa chất núi đá dạng tháp các-xtơ (karst) Tràng An là một trong những khu vực đẹp và ngoạn mục bởi vẻ đẹp siêu nhiên bậc nhất trên thế giới với muôn hình vạn trạng. 

Cảnh quan gồm chủ yếu một loạt các tháp các-xtơ dạng nón, với vách dốc đứng, cao 200 m so với nền đất chung quanh. Những rặng núi hẹp nối liền hai đỉnh, được ví như những thanh kiếm khổng lồ, bao quanh các thung, trũng, hố sụt tròn và dài. 

Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam là quần thể danh thắng nào ở Ninh Bình?- Ảnh 1.

Quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình, một vùng thiên nhiên kỳ bí trở thành quần thể di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: VŨ ÐỨC PHƯƠNG

Các nhà địa chất quốc tế đánh giá đây là một thí dụ điển hình cho tháp đá vôi nhiệt đới ẩm ở giai đoạn cuối của quá trình phát triển địa mạo và là một mô hình để nhận biết, so sánh với các khu vực khác trên thế giới. 

Cảnh quan chứa đựng một dãy hoàn chỉnh các dạng địa hình đá vôi điển hình, bao gồm tháp, lũng (hố các-xtơ), thung lũng (hố sụt), các cấu trúc sụt lở và các lớp trầm tích, hang ngầm và sông ngầm, hang động và trầm tích hang động. 

Ðặc biệt, cảnh quan dạng các-xtơ chuyển tiếp giữa cụm đỉnh các-xtơ (bao gồm các tháp liên kết với nhau bằng những dải núi sắc và quèn các-xtơ) với rừng đỉnh các-xtơ (bao gồm các tháp đơn lẻ nằm độc lập trên đồng bằng bồi tích). 

Mạng lưới các đứt gãy song song giao nhau chia cắt khu vực thành ô mạng, tạo nên các trũng các-xtơ tròn, kín. Các bồn trũng và thung lũng ngập nước này liên thông với nhau bởi các dòng chảy, chảy qua các hang động và hang ngầm, có nhiều hang xuyên núi, tạo cho trần hang có dạng "xâm thực rãnh" do dòng chảy và nhiều loại trầm tích hang động, bao gồm các nhũ đá, măng đá, cột đá và rèm đá .

Hòa quyện với cấu trúc và vẻ đẹp của cảnh quan các-xtơ là thảm rừng nhiệt đới nguyên sinh bao trùm khắp cảnh quan, quanh năm có sương sớm, mây chiều, khí núi. Thảm thực vật nguyên sinh phát triển rậm rạp trên đá vôi thậm chí bám vào các vách đá và đỉnh núi, trong khi đó, dê gặm cỏ trên các vách thung lũng và trâu nước đầm mình trong các bãi phù sa cùng đàn cò trắng. 

Môi trường thiên nhiên đẹp tuyệt mỹ của di sản pha trộn hoàn hảo với bức tranh của cuộc sống nông thôn truyền thống, với vườn tược và ruộng lúa xen lẫn những ngôi làng nhỏ nối với nhau bởi các con đường mòn, cùng mạng lưới sông, suối và kênh rạch, tạo ra một tác phẩm với nhiều mầu sắc, đa dạng và luôn biến hóa, tôn lên nhờ hình ảnh những người nông dân và ngư dân địa phương đang thực hiện những công việc truyền thống càng làm bức tranh thêm sinh động, không thể đẹp và quyến rũ hơn. 


Những ngôi chùa, đền, phủ tựa mình bên vách đá với mái ngói cổ kính, rêu phong, thâm trầm tạo ra một yếu tố văn hóa, kín đáo, gợi đến sự vĩnh hằng trong tín ngưỡng tâm linh, chứa đựng những giá trị bản địa đồng điệu với cảnh quan. 

Chính những rặng núi cổ kính, các hang động bí ẩn và nhiều địa điểm linh thiêng của Tràng An đã truyền cảm hứng cho con người qua nhiều thế hệ. Ðây là vùng đất nơi văn hóa giao thoa với sự kỳ diệu, bí ẩn của thiên nhiên và cũng là nơi mà văn hóa được cải biến bởi những điều đó.

Tràng An - một hình mẫu nổi bật về sự tương tác giữa con người và môi trường qua thời gian ở khu vực Ðông - Nam Á trải qua hơn 30.000 năm phát triển, là nơi có giá trị lịch sử và văn hóa vô giá, kho thông tin nguyên vẹn về truyền thống cư trú của loài người; là một trong số ít các địa điểm có giá trị ở Ðông - Nam Á giữ được các đặc điểm ban đầu mà không bị ảnh hưởng lớn bởi con người và các tác nhân khác. Trong các cuộc nghiên cứu khảo cổ học và phục dựng lại môi trường cổ đã hé lộ chuỗi phát triển văn hóa và hoạt động của người Việt cổ trong mối quan hệ chặt chẽ với tiến hóa địa chất. 

Từ hàng loạt các di tích, di vật được tìm thấy đã khẳng định vùng đất này luôn được sử dụng làm nơi định cư của loài người. Từ khi hình thành các bãi bồi, cư dân đã đến định cư, khai thác nguồn lợi từ biển, từ núi rừng. Họ cư trú ngoài trời, trong các hang động và lùi sâu vào vùng lõi của Tràng An. Ðến thế kỷ thứ 10, ở thung lũng Hoa Lư, cư dân Tràng An không ngừng phát triển bản sắc văn hóa của họ trong sự hòa hợp chặt chẽ với cảnh quan thiên nhiên. 

Người Việt đã xây dựng tại đây kinh đô, đắp thành, khép kín thung lũng Hoa Lư để phục hưng văn hóa thời tự chủ, độc lập, lập ra ba triều đại đầu tiên trong nền phong kiến độc lập, làm tiền đề hun đúc văn minh Ðại Việt. 

Sự phát triển bản sắc văn hóa cứ thế được lưu truyền nối tiếp nhau qua các thế hệ, hiện hữu trong nét đẹp của những truyền thống tín ngưỡng cộng đồng, ăn sâu vào tiềm thức, là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh, trở thành di sản "niềm tin" mà đến bây giờ được thể hiện sinh động qua hàng loạt các lễ hội trong quần thể như Lễ hội chùa Bái Ðính (6-1 Âm lịch), lễ hội Cố đô Hoa Lư (10-3 Âm lịch) hay lễ hội Thánh Quý Minh Ðại Vương (18-3 Âm lịch)... 

Ðặc biệt, đại lễ Phật Ðản (VESAK) Liên hợp quốc diễn ra vào tháng 5-2014 được tổ chức tại chùa Bái Ðính, đã thu hút hàng nghìn du khách trong nước và quốc tế, càng khẳng định vai trò nổi bật của di sản "niềm tin", nó tựa như mạch ngầm tuôn chảy trong lòng đất, mang đến nguồn nước tinh khiết để cây đời xanh mát, tỏa hương.

Du khách đến với Tràng An là ngược dòng thời gian trở về với nét vàng son của lịch sử, hòa mình trong văn hóa tâm linh truyền thống, hay bồng bềnh trên những con thuyền nhỏ do chính những người dân địa phương chèo lái, thả hồn trong giang sơn cẩm tú, ngắm nhìn hang kỳ đá lạ, tận hưởng bầu không khí thuần khiết, tinh lương, trải nghiệm từng cung bậc cảm xúc và khám phá cội rễ xa xăm của sự sống nhân loại, cũng là khám phá ra chính bản thân mình. 

Tràng An, nơi của cảm hứng vĩ đại, nơi thiên nhiên và văn hóa không thể tách rời, nơi văn hóa tương tác và bị thay đổi kỳ diệu, bí ẩn và lộng lẫy của thế giới tự nhiên, tạo nên mạch nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa lịch sử với cảnh quan, giữa thiên nhiên với con người, đã trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam đang trên đà phát triển, để thế giới hướng về Tràng An và Tràng An hòa mình vào thế giới.

Nguyễn Đức Long (Báo Nhân Dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem