Một làng cổ ở Đà Nẵng rước thần gì mà dân làng đi ra một bờ ruộng nơi cánh đồng mênh mông?

Thứ hai, ngày 12/02/2024 11:58 AM (GMT+7)
Theo hồi cố của các bậc cao niên, phạm vi của làng Phong Lệ xưa (còn có tên Đà Ly xã) thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng tương ứng với các đơn vị hành chính ngày nay. Chỉ ở Phong Lệ mới có nghi lễ rước Thần Nông do các mục đồng trong làng thực hiện với tên gọi lễ hội Mục đồng...
Bình luận 0

Dưới tác động của quá trình đô thị hóa, một số làng xã cũng có những biến đổi mạnh mẽ. Nhiều làng xã cách đây vài năm vẫn còn cảnh quan làng quê truyền thống với đồng ruộng xanh tươi, lũy tre xanh chạy dọc đường làng, giếng cổ bên nếp nhà xưa… thì nay khung cảnh nên thơ ấy cũng dần phai nhạt. Đó cũng là một cảnh báo cho làng cổ Phong Lệ trong tương lai.

Do đó, nghiên cứu các giá trị di sản văn hóa dân gian làng Phong Lệ trên các khía cạnh lịch sử, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, làng nghề, văn hóa dòng họ… trong bối cảnh hiện nay là yêu cầu cấp thiết của thực tiễn.

Giá trị của làng cổ

Theo hồi cố của các bậc cao niên, phạm vi của làng Phong Lệ xưa (còn có tên Đà Ly xã) tương ứng với các đơn vị hành chính ngày nay. 

Những người già trong làng kể lại, vùng đất này do các vị Nhâm Quý công, Mươi Quý công và Lào Quý công đến khai canh lập làng. Sau đó có thêm các tộc khác là tộc Ông, 5 tộc Ngô, 4 tộc Lê, 2 tộc Trần, tộc Phùng, tộc Nguyễn, tộc Võ, tộc Bùi và tộc Phan cùng sinh sống và xây dựng làng. 

Cư dân của làng ban đầu là chủ yếu là những lưu dân Thanh Nghệ và một số người Chăm bản địa. Những lưu dân đã mang theo mô hình làng Việt trên đất Thanh Nghệ đến vùng đất mới vì thế làng xóm nơi đây không khác mấy với vùng Thanh Nghệ. 

Khi đến vùng đất mới, cùng với việc khai phá đất đai, xác lập làng xã thì các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng cũng được xây dựng và không ngừng được tiếp thu, sáng tạo, làm nên các di sản văn hóa đặc trưng của làng Phong Lệ.

Một làng cổ ở Đà Nẵng rước thần gì mà dân làng đi ra một bờ ruộng nơi cánh đồng mênh mông?- Ảnh 1.

Chỉ ở làng cổ Phong Lệ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) mới có nghi lễ rước Thần Nông do các mục đồng trong làng thực hiện với tên gọi lễ hội Mục đồng. Ảnh: ÔNG VĂN SINH

Đầu tiên là lễ hội Mục đồng. Lễ hội Mục đồng tổ chức ở đình Thần Nông là nơi thờ Thần Nông - vị thần nông nghiệp. 

Là nước nông nghiệp, Thần Nông được thờ ở nhiều nơi trong nước ta, hằng năm tổ chức lễ cúng Thần Nông rất trang trọng, tuy nhiên chỉ ở Phong Lệ mới có nghi lễ rước Thần Nông do các mục đồng trong làng thực hiện với tên gọi lễ hội Mục đồng. 

Đây là lễ hội thể hiện tính cố kết cộng đồng rất cao ở làng Phong Lệ, trong lễ hội này, không sự phân biệt sang hèn, từ các vị bô lão trong làng đến trẻ mục đồng/ chăn trâu đều tham gia, đặc biệt, vai trò của mục đồng được coi trọng, các hương chức và bô lão thực hiện nghi lễ cúng tế, còn mục đồng là những thành viên chính cầm cờ trong đoàn rước kiệu Thần Nông và tham gia nhiều hoạt động trong lễ hội.

Tiếp đến là di tích Nhà thờ Tiền hiền là nơi thờ tiền hiền và hậu hiền của gần 30 chư phái tộc đã có công khai khẩn lập làng và xây dựng làng Phong Lệ. Ngày nay, mặc dù đã chia thành 3 làng nhưng hằng năm, đến ngày giỗ tiền hiền, đại diện chư phái tộc ở 3 làng đều tề tựu về nhà thờ tiền hiền Phong Lệ cúng tế tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân.

Tại Phong Bắc còn có phế tích Chăm-pa Phong Lệ được khai quật phát lộ trong thời gian từ năm 2011 đến 2018, các nhà khảo cổ đánh giá đây là khu đền thờ Chăm-pa rất quan trọng của xứ Quảng. 

Ngoài ra, trong địa bàn làng Phong Lệ còn có các di tích tín ngưỡng như: Miếu Âm linh, miếu Thái Giám Bạch Mã, Miếu bà Giàng, miếu ông… đều là những di tích gắn với tín ngưỡng cổ xưa của làng. 

Đặc biệt, vùng đất Phong Lệ còn là quê hương của những anh hùng, chí sĩ của dân tộc như danh tướng Ông Ích Khiêm và chí sĩ Cần vương Ông Ích Đường. Về văn hóa ẩm thực, Phong Lệ có đặc sản bánh ít lá gai Phong Nam, bánh khô mè Quang Châu, bánh khô mè Cẩm Lệ rất hấp dẫn thực khách…

Với xu thế phát triển của thời đại, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin dẫn đến sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, các quốc gia trên thế giới đã trở nên thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, vấn đề bị hòa tan, bị phai nhạt về văn hóa là nguy cơ phải đối mặt. 

Những năm vừa qua, chính quyền các cấp thành phố đã rất nỗ lực trong việc bản tồn các di sản văn hóa. Ý thức về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của các tầng lớp nhân dân trong mỗi cộng đồng làng xã đã được nâng lên rõ rệt. 

Các thiết chế tín ngưỡng cũng như sinh hoạt văn hóa lễ hội truyền thống ở làng Phong Lệ đã có sự thay đổi lớn về diện mạo, các cơ sở thờ tự như đình, miếu, nhà thờ trở nên khang trang, các hoạt động nghi lễ, lễ hội diễn ra quanh năm tạo nên không khí rộn ràng, tưng bừng trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Khơi dậy niềm tự hào về di sản văn hóa cộng đồng

Bên cạnh việc khôi phục, phát triển còn cho thấy có sự thay đổi, suy thoái, thậm chí biến mất một số yếu tố truyền thống trong các di sản văn hóa. 

Cảnh quan sinh thái xung quanh các cơ sở thờ tự tín ngưỡng của làng không còn như trước. Tình trạng hương tàn bàn lạnh, cỏ cây mọc um tùm sau những ngày lễ hội rộn ràng vẫn còn lặp lại; hay sự lấn át của trường học, công trình dân sinh; sự biến mất các ao hồ, gò cao, cây cổ thụ có ý nghĩa liên hệ về mặt phong thủy, tạo lập không gian thiêng làm giảm đi sự tôn nghiêm, huyền bí. 

Một số di tích xuống cấp chưa được trùng tu, một số thì trùng tu nhưng không giữ được kiến trúc ban đầu. Về thực hành nghi lễ thì cũng ít đi tính thiêng. Lễ hội Mục đồng được phục dựng nhưng tổ chức được 3 lần thì cho đến nay vẫn chưa được tổ chức tiếp. 

Kho tàng văn hóa dân gian muôn hình, muôn vẻ với các truyền thuyết, huyền thoại, cổ tích, ngụ ngôn giải thích nguồn gốc của các thần đang dần bị lãng quên do thế hệ trẻ ít quan tâm…

Trước thực trạng đó, không những chỉ quan tâm đến vấn đề tu bổ di tích sao cho giữ được cái gốc ban đầu mà còn cần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. 

Thực tế hiện nay, phần lớn người dân của làng Phong Lệ không trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, chủ yếu tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp nên không thường xuyên có mặt tại địa phương. 

Vì thế, cách tốt nhất để bảo tồn và phát huy giá trị của làng cổ là phải làm sao khơi dậy niềm tự hào của người dân về những di sản văn hóa cộng đồng mà họ đang có, người dân mới chính là chủ thể trong việc tạo dựng, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.

Tuy nhiên, để người dân tích cực tham gia vào các hoạt động trên, chúng tôi thiết nghĩ phải có sự định hướng, đồng hành của các cấp chính quyền, tổ chức nhiều các hoạt động, chương trình như: Hội thi tìm hiểu về làng cổ Phong Nam, đình Thần nông, lễ hội rước Mục đồng, các trò chơi dân gian gắn với không gian lễ hội; thi sáng tác thơ ca hò vè diễn xướng, đồng dao để biểu diễn tại lễ hội, phát động sưu tầm hình ảnh, tư liệu về lễ hội, xây dựng kho tư liệu điện tử... để từ đó người dân có cơ hội tham gia, tìm hiểu. 

Đây chính là cách tuyên truyền, lan tỏa các giá trị tích cực về ý nghĩa lịch sử của làng cổ gắn với các lễ hội để củng cố niềm tự hào, thái độ trân quý của người dân địa phương. Bên cạnh đó cần đưa nội dung làng cổ Phong Nam, Lễ hội rước Mục đồng gắn với di tích Đình Thần nông vào giảng dạy trong nhà trường theo chương trình lịch sử địa phương, để di tích văn hóa không bị mai một. 

Chính quyền thành phố nên đưa Lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ là lễ hội đặc biệt, phải được gìn giữ, duy trì, tôn tạo, vì mục đích phục vụ sinh hoạt tinh thần của người dân nơi đây.

Muốn kinh tế - xã hội phát triển bền vững đòi hỏi phải tạo sự bền vững trong bảo tồn và phát triển văn hóa, nhất là văn hóa dân gian. 

Do đó phải chú trọng phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa - xã hội, gìn giữ môi trường, sinh thái, bảo đảm không gian xanh cho đô thị, trong đó tạo sự kết nối hợp lý giữa không gian đô thị Đà Nẵng và vùng nông thôn ở Phong Lệ. 

Với lợi thế là làng quê truyền thống, vừa có di tích lịch sử văn hóa cùng các giá trị văn hóa phi vật thể, Phong Lệ sẽ là nơi hấp dẫn đối với du khách và các nhà nghiên cứu. Thành phố đáng sống không chỉ với cảnh quan sạch đẹp, phố xá hiện đại, nhiều nhà cao tầng đầy đủ tiện nghi, mà còn phải có nhiều không gian xanh và những giá trị văn hóa dân gian đã làm nên bản sắc Đà Nẵng.


Minh Khuê (Báo Đà Nẵng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem