Nâng cao chất lượng 240.000ha rừng
Theo đó, mục tiêu chung của Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng chống thiên tai đến năm 2030 là nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên nhằm phát huy tốt chức năng của từng loại rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, tăng cường trữ lượng các — bon của rừng và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đề án cũng đặt ra một số mục tiêu cụ thể: Tổng diện tích rừng được nâng cao chất lượng là 240.000 ha, trong đó: rừng đặc dụng 36.000 ha; rừng phòng hộ 138.000 ha; rừng sản xuất là rừng tự nhiên 66.000 ha. Chất lượng rừng tự nhiên là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng được cải thiện về trữ lượng rừng, đa dạng tổ thành loài cây và cấu trúc rừng đáp ứng yêu cầu về bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và phòng chống thiên tai.
Đối tượng rừng thực hiện đề án là rừng đặc dụng: thuộc rừng tự nhiên có trữ lượng nghèo, nghèo kiệt và rừng tự nhiên chưa có trữ lượng; rừng phòng hộ đầu nguồn: thuộc rừng tự nhiên có trữ lượng nghèo, nghèo kiệt và rừng tự nhiên chưa có trữ lượng; rừng trồng chất lượng thấp; rừng sản xuất là rừng tự nhiên có trữ lượng nghèo, nghèo kiệt và rừng tự nhiên chưa có trữ lượng.
Đề án được triển khai, thực hiện trên phạm vi của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thuộc khu vực trung du và miền núi thường xảy ra thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, có diện tích rừng cần nâng cao chất lượng góp phần bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và phòng, chống thiên tai thuộc 03 vùng kinh tế - xã hội, bao gồm: Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Khuyến khích các địa phương khác có điều kiện phù hợp thực hiện các nội dung của Đề án này.
Để thực hiện hiệu quả, Đề án đặt ra một số nhiệm vụ như: Rà soát cụ thể hiện trạng, xác định cụ thể diện tích, vị trí, ranh giới đối tượng từng loại rừng cần nâng cao chất lượng đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, hiện trạng về trữ lượng, cấu trúc tổ thành loài cây, cấu trúc từng loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
Trên cơ sở rà soát, xác định cụ thể về hiện trạng, đối tượng, diện tích, loại rừng theo chủ quản lý rừng, xây dựng dự án, phương án, kế hoạch nâng cao chất lượng rừng; trong đó xác định cụ thể các biện pháp kỹ thuật lâm sinh như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung; làm giàu rừng và nuôi dưỡng rừng cho từng đối tượng rừng.
Lựa chọn loài cây trồng để nâng cao chất lượng rừng phù hợp với chức năng của từng loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) cho từng vùng sinh thái để bảo tồn hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và tăng khả năng phòng hộ của rừng. Ưu tiên lựa chọn các loài cây bản địa; loài cây đa tác dụng; loài có sức chống chịu ở những điều kiện lập địa khác nhau; loài quý, hiếm có giá trị kinh tế, bảo tồn cao.
Xây dựng các mô hình điểm nâng cao chất lượng rừng bằng nhiều loài cây bản địa có cấu trúc đa tầng, đa loài, nâng cao khả năng bảo tồn của hệ sinh thái rừng và chức năng phòng hộ của rừng trên điều kiện lập địa khó khăn, vùng đất dốc, vùng khô hạn, cho từng loại rừng.
Ưu tiên phát triển các dịch vụ hệ sinh thái của rừng
Đề án cũng đề xuất hệ thống giải pháp thực hiện, gồm: Nghiên cứu, đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách mới, nhằm triển khai, thực hiện nâng cao chất lượng rừng, trong đó cần lồng ghép với các cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai đối với các khu vực nguy cơ thiên tai xảy ra.
Rà soát, nghiên cứu việc bổ sung cơ chế, chính sách tăng tính tự chủ của các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, công ty lâm nghiệp đang quản lý rừng tự nhiên trong hoạt động đầu tư, khai thác các tiềm năng của rừng, nhưng vẫn đảm bảo bền vững hệ sinh thái rừng như thuê môi trường rừng để phát triển cây dược liệu; nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng; sản xuất nông, lâm kết hợp để tăng thu nhập, tái đầu tư vào công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng.
Phát triển các dịch vụ hệ sinh thái của rừng, như dịch vụ hấp thụ, lưu trữ carbon của rừng để phát huy đa giá trị của hệ sinh thái rừng, tạo thu nhập cho người làm nghề rừng.
Tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng rừng, làm giàu rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, đặc biệt là có sức chống chịu cao với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt (chịu hạn, chịu lạnh, chống chịu gió bão,...) và sâu, bệnh hại để nâng cao chất lượng rừng phòng hộ.
Ứng dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất cây giống phục vụ nâng cao chất lượng rừng bằng công nghệ cao, công nghệ nuôi cấy mô để đẩy mạnh việc sản xuất các loài cây bản địa có sức chống chịu cao, phù hợp với các vùng sinh thái. Tiếp tục rà soát, bổ sung một số loài cây trồng vào danh sách cây trồng lâm nghiệp chính để quản lý chất lượng giống, nâng cao chất lượng rừng trồng.
Đẩy nhanh việc đo đạc, xác định ranh giới, sớm hoàn thành việc cắm mốc giới lâm phận cho các chủ rừng trên bản đồ và ngoài thực địa, nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ và hiệu quả đối với rừng và đất lâm nghiệp; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ rừng; tăng cường đầu tư hệ thống các công trình bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, góp phần thúc đẩy hoạt động nâng cao chất lượng rừng đảm bảo hiệu quả...
Quản lý rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững, gắn bảo vệ, phát triển rừng với bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng; toàn bộ diện tích rừng của các tổ chức quản lý rừng được xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững. Hướng dẫn các cộng đồng nhận khoản quản lý, bảo vệ rừng thực hiện tốt công tác quản lý rừng cộng đồng và xây dựng quy chế, xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cộng đồng và các bên liên quan trong quá trình bảo vệ và phát triển rừng, quản lý sử dụng rừng bền vững và các dịch vụ hệ sinh thái.
Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng rừng
Theo Đề án, Bộ NNPTNT là cơ quan thường trực Đề án, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách, quy định nhằm nâng cao chất lượng rừng; ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật nâng cao chất lượng rừng; xây dựng dự án ưu tiên hỗ trợ thực hiện Đề án và triển khai, thực hiện đảm bảo hiệu quả; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Đề án; đầu mối tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ NNPTNT cân đối vốn đầu tư phát triển để thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật về đầu tư công và quy định liên quan; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất việc đưa các dự án bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao chất lượng rừng vào danh mục ưu tiên được sử dụng vốn tài trợ, vốn vay quốc tế;
Phối hợp với Bộ NNPTNT, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NNPTNT và các bộ, ngành liên quan cân đối, bố trí kinh phí sự nghiệp thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương để thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định liên quan; phối hợp với Bộ NNPTNT, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương: đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ rừng; rà soát ranh giới, xử lý các trường hợp chồng lấn diện tích đất đai để bảo đảm sử dụng đất ổn định, lâu dài, đúng mục đích.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc phạm Đề án chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể: khu vực, loại rừng, diện tích rừng, đối tượng rừng, trạng thái rừng phân theo chủ rừng cần nâng cao chất lượng và xây dựng dự án/phương án hoặc kế hoạch nâng cao chất lượng rừng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tổ chức thực hiện các dự án đầu tư bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao chất lượng rừng theo các nguồn vốn theo quy định; tổ chức giao rừng, khoán bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật, rà soát diện tích rừng chưa giao, hiện do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, để giao cho chủ rừng quản lý theo quy định của pháp luật.