Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) là dự án vay vốn từ Ngân hàng Thế giới (WB), thực hiện từ năm 2017 đến 31/12/2023. Dự án có 4 hợp phần là: Quản lý hiệu quả rừng ven biển; Phát triển và phục hồi rừng ven biển; Tạo lợi ích bền vững từ rừng ven biển; Quản lý, giám sát và đánh giá dự án.
Mục tiêu tổng thể của Dự án là Cải thiện quản lý rừng ven biển tại các tỉnh vùng dự án nhằm tăng khả năng chống chịu trước bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng.
Dự án được thực hiện tại 8 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế với nội dung đầu tư chính gồm trồng, phục hồi rừng; xây dựng các công trình chống sạt lở, gây bồi, tạo bãi để trồng rừng, các công trình phục vụ quản lý bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng; nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và tiếp thị hàng hoá; đầu tư công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp…
Dự án FMCR được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/4/2017 với thời gian thực hiện 6 năm, nhưng do các thủ tục điều chỉnh, đàm phán ký kết Hiệp định đến tháng 12/2019 dự án mới được giao vốn và khởi công. Năm 2020, trận lũ lịch sử xảy ra tại các tỉnh miền Trung và đại dịch Covid-19 bùng phát trong 2 năm (2020, 2021) nên dự án không thể triển khai.
Như vậy, thời gian thực tế triển khai dự án FMCR tính đến nay là 20 tháng/72 tháng theo thiết kế ban đầu. Tính đến nay, dự án đã giải ngân vốn ODA lũy kế 40 triệu USD, hoàn thành trồng và phục hồi 3.941ha và hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 90 công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ, đầu tư sinh kế.
"Trong năm 2022, dự án đã trồng và phục hồi gần 3.000 ha rừng phòng hộ ven biển và đến thời điểm này gần 4.000 ha, trong khi hàng năm cả nước trồng và phục hồi khoảng 3.500ha. Thành quả này là sự cố gắng nỗ lực của dự án không thể không ghi nhận" - ông Phạm Hồng Vích – Phó Trưởng ban Ban quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) đánh giá.
Theo thiết kế dự án, vốn chi trả cho các Hợp đồng trồng và phục hồi rừng (bao gồm 1 năm trồng và 4 năm chăm sóc) được sử dụng bằng vốn IDA- nguồn vốn cho vay ưu đãi của Hiệp hội phát triển quốc tế thuộc nhóm WB và vốn đối ứng được cấp phát qua Bộ NNPTNT. Tuy nhiên, do Hiệp định vay vốn IDA kết thúc giải vào 31/12/2023 nên chi phí chăm sóc rừng trồng từ năm 2024-2026 không thể chi trả bằng vốn IDA được nữa.
Cùng với đó, quỹ đất tham gia Dự án bị suy giảm từ 69.000ha xuống còn gần 42.000ha. Nguyên nhân do các địa phương điều chỉnh quy hoạch cho phát triển kinh tế xã hội. Thêm vào đó, thời gian triển khai chậm, dự án khảo sát và duyệt từ năm 2017, nhưng năm 2022 mới chính thức thực hiện. Vì thế, một số diện tích không thể chờ đợi, các địa phương đã huy động nguồn vốn khác để làm.
Trước tiến độ thực hiện và tình hình thực tế nêu trên, tháng 9/2022, Bộ NNPTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư. Ngày 22/3/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo thẩm định gửi Bộ NNPTNT giải trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư.
"Hiện Bộ NNPTNT đã có Văn bản giải trình những ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành trình Chính phủ vào tháng 7/2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt" – ông Phạm Hồng Vích thông tin.
Theo Bộ NNPTNT, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 195 triệu USD, hiện đang đề xuất làm các thủ tục điều chỉnh xuống 95 triệu USD do giảm diện tích trồng rừng và một số công trình hạ tầng. Cùng với đó, Bộ NNPTNT cũng đề xuất gia hạn thời gian thực hiện Dự án đến 31/12/2026 do cần tiếp tục chăm sóc rừng trồng theo quy định và quản lý bảo vệ cho diện tích rừng hiện có nhằm phát huy bền vững những kết quả đã đạt được.
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, việc cắt giảm các khối lượng không làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của dự án. Khối lượng cắt giảm cũng tương ứng với số vốn mà Bộ NPTNT đang đề nghị cắt giảm cho dự án. Tuy nhiên, mục tiêu cụ thể của dự án cần được điều chỉnh cho phù hợp với quy mô, kết quả và tính khả thi sau điều chỉnh dự án.
Dự án sẽ góp phần quản lý bảo vệ và duy trì bền vững gần 42.000 ha rừng phòng hộ ven biển nhằm đóng góp quan trọng cho mục tiêu tăng cường tính chống chịu vùng ven biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đóng góp cho Chương trình giảm phát thải Bắc Trung bộ, dự kiến khoảng 18% kết quả giảm phát thải cho Chương trình này và Đề án phát triển rừng ven biển.
"Với 4.000ha đã được trồng và phục hồi cùng 37.000ha được chi trả khoán quản lý bảo vệ sẽ góp phần tạo các dải rừng phòng hộ ven biển cho 8 tỉnh nhằm bảo vệ các công trình, tài sản và cơ sở hạ tầng dân sinh nhằm tăng khả năng chống chịu trước bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng" – Bộ NNPTNT nhận định.
Dự án cũng giúp cải thiện sinh kế và tăng thu nhập cho 25.000 hộ dân hưởng lợi từ dự án. Hỗ trợ trực tiếp cho 27 hợp tác xã (chủ yếu các xã viên là người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng ven biển) thông qua các đầu tư công nghệ phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập cho các xã viên.