Ngày 7/7, Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hội chủ rừng phát triển bền vững tỉnh tổ chức hội thảo "Đẩy mạnh chuyển hóa rừng trồng keo gỗ lớn FSC".
Theo Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến năm 2022, diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đạt 11.316,55 ha, trong đó có 394,69 ha rừng trồng sản xuất các loài cây bản địa, 10.921,86 ha rừng trồng sản xuất gỗ các loài keo.
Diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC ở tỉnh đã tăng thêm 592 ha, nâng tổng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững toàn tỉnh đạt 11.300,72 ha. Trong đó, diện tích có chứng chỉ FSC là 10.484,15 ha, diện tích có chứng chỉ VFCS/PEFC là 816,57 ha.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra những khó khăn, thách thức như thiên tai, dịch bệnh, chính sách về lâm nghiệp chưa kịp với yêu cầu thực tiễn, thị trường lâm sản biến động thất thường, thiếu các mô hình trình diễn… đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh phát triển rừng trồng gỗ lớn. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất các giải pháp tối ưu trong quá trình thực hiện hoạt động trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn ở tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh, trong bối cảnh rừng tự nhiên đóng cửa hoàn toàn, ngành lâm nghiệp đang tập trung nâng cao chất lượng rừng trồng định hướng kinh doanh rừng trồng gỗ lớn thay thế cho nguyên liệu gỗ gia dụng, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Đây được xác định là hướng đi mới, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích đất lâm nghiệp, cải thiện thu nhập cho các hộ lâm dân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Việc tăng thêm diện tích rừng trồng gỗ lớn, nhất là đối với loài keo để đa dạng hóa sản phẩm gỗ rừng trồng, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh rừng trồng tham gia chứng chỉ rừng bền vững FSC để gia tăng giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản là nhiệm vụ ưu tiên hiện nay của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Để thực hiện kế hoạch trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng FSC đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, ông Hoàng Hải Minh chỉ đạo ngành lâm nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chủ rừng tham gia thực hiện trồng và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Bên cạnh đó là ưu tiên nguồn kinh phí để trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
Ông Hoàng Hải Minh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan ghiên cứu khảo nghiệm áp dụng các giống rừng trồng có năng suất sản lượng cao, các mô hình trồng xen để hạn chế sâu bệnh hại rừng, hạn chế rủi ro cho người trồng rừng; nghiên cứu tham mưu áp dụng chính sách bảo hiểm rừng trồng trên địa bàn tỉnh để người dân yên tâm tham gia trồng rừng gỗ lớn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.