Dân Việt

Hàng loạt giống lúa thơm, lúa chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu sắp ra mắt ở vùng ĐBSCL

Huỳnh Xây 20/02/2024 17:53 GMT+7
Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL (HATRI) vừa giới thiệu hàng loạt giống lúa thơm, lúa chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu sắp ra mắt để nông dân trồng, nhân rộng.

Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu loạt giống lúa thơm, lúa chất lượng cao

Hôm nay 20/2, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức giới thiệu 20 giống lúa mới. Các giống lúa mới này được chia thành 4 nhóm gồm giống lúa thơm, giống lúa chất lượng cao, giống cao sản và nhóm các loại giống khác.

Hàng loạt giống lúa thơm, lúa chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu sắp ra mắt ở vùng ĐBSCL- Ảnh 1.

Ông Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL (bên trái) giới thiệu về giống lúa mới do viện lai tạo. Ảnh: Huỳnh Xây

Ở nhóm lúa chất lượng cao, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long ưu tiên thời gian giới thiệu về giống lúa OM3. Đây là giống lúa mới có thời gian sinh trưởng từ 98-105 ngày, cho năng suất khoảng 6-8 tấn/ha với hạt gạo thon dài, cơm mềm, dẻo, ngon, có mùi thơm nhẹ.

Giống lúa OM3 trồng được các vụ trong năm và các vùng sinh thái nhiễm mặn ở ĐBSCL. Ông Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho hay, đến nay, đã tiến hành xong các bước khảo nghiệm và đang khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để sớm được công nhận đưa vào sản xuất chính thức đối với giống lúa này.

Hàng loạt giống lúa thơm, lúa chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu sắp ra mắt ở vùng ĐBSCL- Ảnh 2.

Giống lúa OM63 của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Huỳnh Xây

Đối với nhóm giống lúa thơm, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long ưu tiên giới thiệu giống lúa OM63. Giống lúa mới này hạt dài, ít bạc bụng, cơm dẻo và ngon cơm. Giống lúa mới này trồng được các vụ trong năm và thích hợp các vùng sinh thái ở ĐBSCL.

Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho hay, giống lúa OM63 phát triển tốt cho cả vụ đông xuân và hè thu. Do đó, kỳ vọng có thể thay thế giống lúa OM8 (không thích hợp với vụ đông xuân, vì dễ đổ ngã).

Riêng nhóm giống cao sản và nhóm các loại giống khác, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu giống lúa cho năng suất cao, có triển vọng để thay dần cho giống IR50404 hiện nay đang bị thoái hóa nhiều.

4 giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu, có triển vọng sớm đưa vào sản xuất của Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL

Trước đó 1 ngày, tức là 19/2, Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL (HATRI) đã tổ chức giới thiệu 60 giống lúa mới, trong đó có 4 giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu, có triển vọng sớm đưa vào sản xuất.

Hàng loạt giống lúa thơm, lúa chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu sắp ra mắt ở vùng ĐBSCL- Ảnh 3.

Người dân, hợp tác xã tham quan các giống lúa mới của Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

Cụ thể, giống lúa Hatri 10 có khả năng đẻ nhánh khá, chống chịu khô hạn tốt, năng suất cao từ 7 – 9 tấn/ha. Hiện giống lúa Hatri 10 đang được thử nghiệm khoảng 100ha trên các cánh đồng ở tỉnh An Giang.

Giống lúa Hatri 722 có nguồn gốc từ giống Jasmine, thuộc nhóm gạo thơm. Giống lúa mới này có khả năng kháng bệnh bạc lá cấp 5, rầy nâu cấp 3, năng suất trung bình khoảng 6,5 – 8 tấn/ha.

Hàng loạt giống lúa thơm, lúa chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu sắp ra mắt ở vùng ĐBSCL- Ảnh 4.

Các giống lúa mới của Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

Hatri 475 là giống lúa cao sản, ngắn này (khoảng 100 ngày), chống chịu tốt với rầy nâu và bệnh đạo ôn, thích hợp trồng ở các tỉnh như Long An, Tiền Giang và TP.Cần Thơ. Lúa Hatri 475 cho gạo ngon cơm, thơm nhẹ. Năng suất giống lúa này trong vụ đông xuân và hè thu từ 6 – 8 tấn/ha, một số nơi đạt 9 tấn/ha.

Cuối cùng là giống lúa Hatri 25. Giống lúa này có khả năng chống chịu ngập, khô hạn, mặn hoặc thời tiết bất lợi. Giống lúa này phù hợp trồng ở những vùng trũng.