Trồng sầu riêng ở một tỉnh ĐBSCL tăng diện tích vô tội vạ, ngành chức năng khuyến cáo điều gì?
Trồng sầu riêng ở một tỉnh ĐBSCL tăng diện tích quá nhanh, ngành chức năng khuyến cáo điều gì?
Huỳnh Xây
Thứ ba, ngày 19/09/2023 10:55 AM (GMT+7)
Trong năm 2023, nông dân tỉnh Hậu Giang đã mở rộng thêm 500ha diện tích trồng sầu riêng, nâng diện tích trồng loại cây đặc sản này trên địa bàn toàn tỉnh lên 2.328ha. Lý do diện tích sầu riêng tăng nhanh là do giá sầu riêng bán cao. Cây sầu riêng sau 5 năm trồng cho trái, có thể đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/ha.
Diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện nay là 2.328ha trong khi đó năm 2022 chỉ ở mức 1.830 ha. Như vậy, diện tích sầu riêng tăng thêm là khoảng 500ha chỉ trong vòng 1 năm.
Người dân ở ĐBSCL, trong đó có nông dân tỉnh Hậu Giang đang mở rộng diện tích trồng sầu riêng. Ảnh: Huỳnh Xây
Sở dĩ diện tích sầu riêng ở Hậu Giang tăng nhanh là do giá sầu riêng luôn ở mức cao trong thời gian gần đây.
"Với mức giá cao thời gian qua, bình quân 1ha, sau 5 năm trồng, cây sầu riêng cho trái, người dân có thể đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí từ 25-30%, người trồng sầu riêng còn lời khoảng 600 triệu đồng" - ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang nói.
Trước tình hình diện tích sầu riêng tăng quá nhanh, tại hội nghị "sơ kết vụ hè thu, thu đông, vụ mùa năm 2023 tại vùng ĐBSCL" do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây tại TP.Cần Thơ, ông Giao đã dành phần lớn thời gian được phát biểu để báo cáo với lãnh đạo Cục Trồng trọt và Bộ NNPTNT.
Ông Giao cho hay: "Do với các loại cây trồng khác thì diện tích sầu riêng tăng rất nhanh, riêng trong năm 2023 tăng thêm 500ha. Nguyên nhân là do giá tăng, thị trường Trung Quốc hấp dẫn".
Do không biết tình hình tiêu thụ sầu riêng trong tương lai như thế nào nên ông Giao đề nghị lãnh đạo trung ương, các cơ quan có liên quan xem các quốc gia lân cận có phát triển mạnh cây sầu riêng hay không, để có khuyến cáo, giúp cho nông dân trong tỉnh ít thua thiệt.
"Bởi chu kỳ đầu tư cho cây sầu riêng rất lâu và kinh phí rất lớn. Hơn thế nữa, đến thời điểm này thị trường tiêu thụ chính loại trái cây này vẫn là Trung Quốc" - ông Giao giải thích.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, trong 10 năm qua, diện tích sầu riêng của vùng ĐBSCL tăng 20.600 ha (từ 12.600ha năm 2013 lên 33.200ha vào năm 2022).
Cũng theo Cục Trồng trọt, do giá sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc các tháng đầu năm 2023 rất cao, dẫn đến giá thu mua trong nước có thời điểm đạt từ 120.000- 150.000 đồng/kg sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trước tình hình giá sầu riêng neo ở mức cao, đã có nông dân đã chuyển đổi cây trồng như lúa, mít, ... sang trồng sầu riêng, một số diện tích chuyển đổi không theo vùng quy hoạch của địa phương.
Liên quan đến diện tích sầu riêng tăng trong thời gian qua, cũng tại hội nghị nói trên, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, thời gian qua, Bộ NNPTNT và Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi đến Sở NNPTNT các địa phương và có đoàn đi kiểm tra để tính toán lại diện tích sầu riêng ở những nơi đang được chú ý.
Ở những nơi khác, theo ông Tùng sẽ đẩy mạnh khuyến cáo, sao cho kiểm soát được về diện tích trồng sầu riêng và chất lượng cây giống sầu riêng, giúp bà con nông dân tránh được những rủi ro khi phát triển ồ ạt.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, về diện tích sầu riêng, Bộ NNPTNT đã ban hành định hướng nên các địa phương tùy vào điều kiện thực tế, không cần tập trung phát triển ồ ạt diện tích, mà thay vào đó là hoàn thiện từ khâu cây giống, quy trình quản lý chất lượng, để nâng cao năng suất, đảm bảo bán được thị trường cao cấp, với giá bán cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.