Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh phân tích, khi bắt đầu cuộc chiến với Ukraine vào tháng 2 /2022, Hải quân Nga (RFN) đã duy trì quyền tự do cơ động trên toàn bộ Biển Đen, đáng kể nhất là ở phía tây bắc vùng biển này. Đó là do sức mạnh của Hải quân Nga vượt trội hơn hẳn so với Hải quân Ukraine. Để khắc phục các điểm yếu và bất lợi vì thiếu lực lượng Hải quân truyền thống (như các tàu chiến, tàu ngầm, tên lửa chống hạm...), Ukraine đã tích cực triển khai các giải pháp thay thế bất đối xứng, đẩy mạnh sử dụng các loại tên lửa dẫn đường, xuồng không người lái để đối đầu với Hải quân Nga trên Biển Đen.
Đặc biệt là các cuộc tấn công bằng xuồng không người lái hiệu quả, tiêu diệt nhiều tàu và cơ sở hạ tầng của Hạm đội Biển Đen đã giúp Ukraine gây thiệt hại đáng kể cho lực lượng Hải quân Nga. Theo đó, Hải quân Nga đã nhiều lần buộc phải đánh giá lại những rủi ro họ phải đối mặt trên Biển Đen.
Không dừng lại ở đó, Ukraine tiếp tục đe dọa Hải quân Nga thông qua các hoạt động tấn công kết hợp trên bộ và trên biển, buộc các đơn vị của Hạm đội Biển Đen (BSF) phải di dời khu vực hoạt động chính của họ tới phía đông Biển Đen.
Sự thành công liên tục của các cuộc tấn công của Ukraine đã liên tục buộc BSF phải lùi bước, với các sự kiện gần đây như vụ đánh chìm tàu Ivanovets lớp Tarantul IIII và Caesar Kunikov lớp Ropucha. Những chiến công này của Ukraine đã dẫn đến việc sa thải tư lệnh thứ 2 của BSF kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Ở cấp độ chiến lược, cách tiếp cận của Ukraine đã khiến Nga không có khả năng can thiệp vào các tuyến đường thương mại hàng hải của nước này. Kể từ khi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen (BSGI) sụp đổ, thành công của Ukraine trong một chuỗi các cuộc tấn công táo bạo vào Hạm đội Biển Đen Nga đã cho phép nước này thống trị phía Tây Biển Đen, giúp gia tăng xuất khẩu hàng hóa mang lại khối lượng thương mại cao hơn so với Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.