CLIP: Vườn cây dược liệu của gia đình ông Lê Vĩnh Thịnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Thuận, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Clip: Hà Thanh
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Lê Vĩnh Thịnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Thuận (TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, vùng đất Phúc Thuận rất thích hợp với phát triển cây dược liệu.
Trước đây, trong vùng có rất nhiều loại dược liệu mọc tự nhiên như: Hà thủ ô, ba kích… nhưng do người dân khai thác quá mức nên những loại cây này dần không còn mọc ngoài tự nhiên nữa.
"Tôi là người rất thích tìm tòi, nghiên cứu về cây dược liệu và thường hay sử dụng các loại cây dược liệu trong tự nhiên để điều trị bệnh. Do đó tôi hay mua các loại sách về y học để đọc và tìm hiểu về những loại cây dược liệu trong tự nhiên" - ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, trước đây, gia đình ông chủ yếu phát triển kinh tế với nghề làm chè, nhưng khi tuổi đã lớn hơn, ông nhận thấy việc làm chè tương đối vất vả mà mất nhiều thời gian. Do đó, ông đã tìm đến các thầy thuốc đông y, chia sẻ về ý định trồng cây dược liệu và cung cấp nguồn dược liệu cho họ.
Sau khi nhận được sự đồng thuận của nhiều người có chuyên môn trong lĩnh vực đông y, ông Thịnh đã bắt tay vào trồng cây dược liệu và liên kết với các thầy thuốc đông y để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng đi tìm người có cùng chung chí hướng, cùng nhau trồng cây dược liệu trên diện tích lớn.
Ban đầu, ông cùng người bạn quyết định trồng cây khổ sâm vì đây là loại dược liệu dễ trồng, nhanh được thu hoạch, dễ tiêu thụ, được nhiều người ưa chuộng. Chỉ sau 9 tháng bắt tay vào trồng, ông đã thu hoạch lứa khổ sâm đầu tiên. Sau đó ông tiếp tục trồng cây bồ công anh, cây xạ đen... trên quy mô lớn.
Hiện nay, với diện tích 6.000m2 đất vườn đồi, ông Thịnh đang trồng 3.000m2 cây chè và 3.000m2 cây dược liệu.
Sau hai năm bắt tay vào trồng cây dược liệu, ông Thịnh đã thu hoạch được khoảng 2 tấn cây dược liệu các loại, mang về lợi nhuận 60 triệu đồng. So với nhiều cây trồng khác, thu nhập từ trồng cây dược liệu cao hơn hẳn.
Ông Thịnh cho biết, trồng cây dược liệu về cơ bản không quá khó. Tuy nhiên trong quá trình chăm sóc, tuyệt đối không sử dụng thuốc và phân bón hóa học mà chỉ được sử dụng phân bón hữu cơ.
Trong các loại cây dược liệu ông Thịnh đang trồng, cây khổ sâm chiếm diện tích lớn nhất vì đây là loại cây đang có nhu cầu sử dụng rất lớn để chế biến thuốc. Hiện loại cây này được ông bán với giá 15.000 đồng/kg khổ sâm tươi.
Đến nay, ông Thịnh đã liên kết với một người bạn cùng xây dựng nhà xưởng để sao, sấy cây dược liệu và nấu cao.
Cây bồ công anh có tính hàn, vị đắng, ngọt, có công hiệu thanh nhiệt giải độc, làm mát máu, tiêu viêm... dùng trong các trường hợp viêm nhiễm đường hô hấp trên, viêm phổi, viêm gan... Ảnh: Hà Thanh
Hiện nay, quỹ đất trên địa bàn xã Phúc Thuận còn tương đối lớn, do đó ông Thịnh hy vọng sẽ hình thành một vùng cây dược liệu tập trung để tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân tại địa phương, giúp bà con nâng cao thu nhập, từ đó gia tăng giá trị kinh tế cho địa phương.
Định hướng lâu dài, ông Thịnh dự kiến sẽ liên kết các tổ hợp tác trong vùng để thành lập một HTX chuyên sơ chế, chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu của bà con trong vùng.
Từ đó, sẽ bao tiêu sản phẩm dược liệu cho bà con trong vùng, cung cấp nguồn nguyên liệu dược liệu ra thị trường với số lượng lớn và bảo quản được lâu hơn.
Để làm được việc đó, ông Thịnh mong muốn sẽ được các cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn bước đầu để HTX có thể đi vào hoạt động và duy trì ổn định trong thời gian đầu.
Ông Đỗ Công Hanh – Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận nhận định, Phúc Thuận là một xã miền núi nằm ở sườn Đông dãy núi Tam Đảo, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển cây dược liệu.
Địa phương xác định phát triển cây dược liệu là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế xã hội của xã, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho người dân, đặc biệt đối với những người dân đã hết tuổi lao động, không thể lao động ở các doanh nghiệp được.
Những năm qua, các hộ dân trên địa bàn xã Phúc Thuận đã manh nha sản xuất nhỏ lẻ và thành lập được Tổ hợp tác để phát triển mô hình trồng cây dược liệu này.
Tuy nhiên, qua đánh giá, Tổ hợp tác này chưa thực sự hoạt động hiệu quả và có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận cho biết thêm, hiện nay Phúc Thuận đang phát triển tốt nhiều mô hình trồng cây dược liệu như cây đinh lăng, cây trà hoa vàng...
Địa phương rất mong muốn được các cấp, các ngành tạo điều kiện cho các dự án để phát triển thành vùng trồng cây dược liệu tập trung. Đồng thời, địa phương mong muốn được quan tâm tạo điều kiện thành lập các HTX, qua đó giúp bà con liên kết phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị.