Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Từ trung tâm xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) đến bản Sa Lầy, nơi anh Cự Bá Cò sinh sống chỉ tầm 2km, song mùa mưa con đường lầy lội phải đi mất cả tiếng đồng hồ mới có thể đến nơi.
“Không chỉ đường sá khó đi, mà Mường Lống còn có khí hậu lạnh và sương mù vào mùa đông. Có những năm còn có băng giá nên vật nuôi ở bản xa như Sa Lầy, Xám Xúm rất hay bị chết, đặc biệt là gà. Có năm trời lạnh giá, gà con ở Sa Lầy cũng như các bản khác chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người dân” - Chủ tịch Hội Nông dân Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) cho biết.
Gia đình anh Cự Bá Cò cũng vậy, đã nhiều năm anh đầu tư nuôi gà đen, song năm nào vào mùa đông gà cũng chết nhiều do giá rét.
Không đầu hàng trước khó khăn khắc nghiệt của thời tiết, anh Cò tự lên mạng mày mò học hỏi đổi mới cách chăn nuôi, tăng hiệu quả sản xuất.
Vừa đọc các bài viết về kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, kỹ thuật nuôi gà anh vừa tìm hiểu cách nuôi khác với cách thả rông gia súc gia cầm mà người dân Mường Lống vẫn làm xưa nay, đặc biệt là cách chống rét cho vật nuôi.
Dẫn chúng tôi đi tham quan các khu vực nuôi gà của gia đình, anh Cự Bá Cò khoe thành công của mình khi áp dụng kỹ thuật nuôi gà “3 giai đoạn”.
Với cách làm này, đã 2 năm nay đàn gà đặc sản của hộ anh Cò phát triển tốt, khoẻ mạnh và nhanh lớn, cho thu nhập ổn định và hầu như không bị chết dù mùa đông lạnh giá có lúc xuống dưới 5 độ C.
Trong 3 giai đoạn nuôi gà mà anh Cự Bá Cò áp dụng, thì giai đoạn 1 là ấp trứng và úm gà con từ khi nở cho đến 1-2 tháng tuổi. Trong khoảng không gian khá chật của hai gian nhà chính, anh bố trí máy ấp trứng và dãy chuồng úm gà con.
“Từ xưa người dân Mường Lống chăn nuôi chủ yếu tự tạo giống bằng cách cho gà ấp tự nhiên. Vì vậy tỷ lệ gà chết hoặc trứng hỏng khá nhiều, nhất là vào thời tiết lạnh. Sau khi tham khảo mô hình máy ấp trứng ở bản Trung Tâm của xã, tôi bán mấy lứa gà, mua máy ấp trứng để tự tạo nguồn con giống.
Rồi sau đó vừa dựa vào hướng dẫn, vừa lên mạng tìm hiểu cách sử dụng máy ấp trứng và cách úm gà con. Vì thế tỷ lệ gà nở rất cao. Gà con sau khi nở được úm trong thùng giấy kín gió, có đèn sưởi ấm và được phòng chống dịch theo đúng quy trình mà cán bộ nông nghiệp hướng dẫn” – anh Cự Bá Cò cho biết.
Khu vực nuôi gà đặc sản giai đoạn 2 trong mô hình nuôi gà 3 giai đoạn vượt giá rét của hộ anh Cự Bá Cò, nông dân xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thanh Phúc
Gà giai đoạn 1 sau khi nuôi nhốt với chế độ sưởi ấm, ngăn gió và phòng chống dịch, khi tầm 1,5 tháng tuổi sẽ được chuyển qua khu vực nuôi giai đoạn 2 ở không gian rộng thoáng hơn.
Địa điểm nuôi gà giai đoạn 2 là một căn nhà cũ trước đây gia đình anh ở. Giai đoạn này gà 2-4 tháng tuổi, có trọng lượng 700-800g được nuôi nhốt trong căn phòng kín gió, có đèn điện thắp sáng và sưởi ấm khi nhiệt độ xuống thấp. Thức ăn và nước uống cho gà chủ yếu là rau cỏ quanh nhà và bổ sung ngô, cám gạo khi trời rét để vật nuôi có sức đề kháng.
Giai đoạn 3 mà anh Cự Bá Cò áp dụng là khi gà đã đủ lớn và có sức đề kháng tốt, chuyển qua khu vực bán chăn thả ở đỉnh đồi gần nhà. Trên đồi cao, anh dựng chuồng trại và khoanh vùng để thả rông đàn gà.
“Buổi sáng khi đã tan sương, gà đặc sản sẽ được thả ra để đi ăn cỏ và kiếm thức ăn tự nhiên trong khu vực đã rào chắn. Hết ngày gà tự về chuồng, cho ăn bổ sung. Những ngày giá rét thì không thả” – anh Cò cho biết.
Nhờ cách nuôi gà 3 giai đoạn khác biệt với nhiều hộ dân ở Sa Lầy, dù duy trì đàn gà trên 300 con, thời điểm giáp Tết Nguyên đán tầm 500 con chủ yếu là gà bán thịt, mỗi năm đã cho anh nguồn thu nhập đều đặn từ bán trứng gà, bán gà giống và gà thịt trên 100 triệu đồng.
Từ một hộ khó khăn, nhờ siêng năng mày mò học hỏi tìm hướng phát triển kinh tế, anh Cự Bá Cò không chỉ thoát đói nghèo, mà còn vươn lên là hộ khá giàu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.