Đây là thứ cây quý trồng tốt um ở một xã của Vĩnh Phúc, cứ 1ha cho thu 3 tỷ

Chủ nhật, ngày 25/02/2024 19:34 PM (GMT+7)
Từ một mô hình sản xuất với diện tích vỏn vẹn 1.000 m2 đến nay, cây ba kích tím-một loại cây dược liệu quý đã và đang được nhân rộng tại xã Bắc Bình (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).
Bình luận 0

Với tiềm năng sẵn có, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh các giải pháp, thúc đẩy sản xuất dược liệu theo hướng hàng hóa, có liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Không phải là cây trồng truyền thống ở xã Bắc Bình, năm 2015, cây ba kích tím được ông Bùi Văn Sỹ, thôn Hữu Phúc đưa về trồng thử nghiệm trên đất đồi ở địa phương với diện tích 1.000 m2. 

Sau 1 thời gian, cho hiệu quả kinh tế vượt trội so với những cây trồng truyền thống, mô hình trồng ba kích đầu tiên của xã nhanh chóng nhận được sự quan tâm người dân địa phương và bắt đầu được nhân rộng.

Đặc biệt, trong 2 - 3 năm trở lại đây, diện tích trồng ba kích của xã Bắc Bình tăng lên một cách nhanh chóng. 

Đây là thứ cây quý trồng tốt um ở một xã của Vĩnh Phúc, cứ 1ha cho thu 3 tỷ- Ảnh 1. 
Năm 2022, gia đình ông Vũ Nguyên Ngọc, thôn Hữu Phúc, xã Bắc Bình (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) đầu tư gần 700 triệu đồng trồng 2 ha ba kích tím theo hướng VietGAP. Ảnh: Nguyễn Lượng.

Nếu như năm 2022, cả xã chỉ có 8 ha ba kích thì đến nay, con số này đã tăng lên gần 11 ha, với 50 hộ trồng, tập trung ở các thôn Hữu Phúc, Bắc Sơn, Yên Thích.

Anh Vũ Nguyên Ngọc, một trong những hộ trồng ba kích tím quy mô lớn của xã chia sẻ: “Trước đây toàn bộ diện tích đất đồi của gia đình chủ yếu là trồng bạch đàn, hiệu quả kinh tế không cao.

Mỗi ha bạch đàn cho thu hoạch chỉ vài chục triệu đồng một chu kỳ 5 - 6 năm. Do đó năm 2022, tôi quyết định cải tạo lại 2 ha đất đồi, lắp đặt hệ thống tưới tự động chuyển sang trồng ba kích tím”.


Giá trị đạt gần 3 tỷ đồng/ha

Cùng với diện tích được mở rộng, sản lượng ba kích của xã Bắc Bình cũng ngày càng tăng. Được biết, hiện nay xã đang cung ứng ra thị trường 200 tấn củ ba kích/năm. 

Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo khi diện tích trồng mới trong 2 - 3 trở lại đây bắt đầu cho thu hoạch.

Ngoài sản phẩm chính là củ ba kích, một số hộ còn phát triển vườn ươm, cung cấp cây giống ba kích cho các hộ dân trong và ngoài huyện, thậm chí mở rộng thị trường sang các tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ với tổng sản lượng 300 vạn cây giống/năm.

Ông Hà Minh Tuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bắc Bình (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: So với cây lâm nghiệp, trồng ba kích tím có chi phí đầu tư ban đầu cao hơn, tốn công làm đất và chăm sóc hơn. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại rất tốt.

Cụ thể, giá củ ba kích tím hiện nay đang giao động khoảng 90 - 100 nghìn đồng/kg. Với giá bán này, trung bình mỗi ha ba kích tím xuất bán có thể thu về 2,7 tỷ đồng với chu kỳ 4 năm, cao gấp nhiều lần so với các cây lâm nghiệp truyền thống như bạch đàn, keo…

Hướng tới sản xuất hàng hóa

Đời sống kinh tế ngày càng nâng lên, nhu cầu về dược liệu, thực phẩm bảo vệ sức khỏe ngày càng tăng. 

Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên cùng nền tảng sẵn có, việc phát triển sản xuất cây dược liệu theo hướng hàng hóa đang được coi là một trong những định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế của Bắc Bình hiện nay.

Bên cạnh việc tổ chức tập huấn kỹ thuật hàng năm cho bà con nông dân, thời gian qua xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc đăng ký cấp chứng nhận VietGAP cho 7 ha ba kích. 

Đồng thời, xã cũng đang phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh để triển khai cấp mã số vùng trồng đối với 6 ha ba kích

Ông Diệp Bảo Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Bình cho biết: “Song song với mở rộng diện tích sản xuất, vấn đề đầu ra cho sản phẩm luôn là bài toán cần quan tâm, tháo gỡ để đảm bảo phát triển hiệu quả, bền vững.

Việc đăng ký cấp Chứng nhận VietGAP và mã số vùng trồng là điều kiện quan trọng để địa phương có thể kết nối được với các doanh nghiệp trong việc thu mua, bao tiêu đầu ra cho bà con". 

Ngoài ra, UBND xã đang lên kế hoạch thành lập Tổ hợp tác trồng cây ba kích nhằm liên kết các hộ, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau về kỹ thuật cũng như tiêu thụ sản phẩm. Dự kiến tổ hợp tác sẽ ra mắt trong tháng 12 này.

Trong xã hiện mới chỉ có duy nhất hộ ông Bùi Văn Sỹ được Công ty cổ phần dược liệu Việt Nam ký hợp đồng bao bao tiêu sản phẩm. 

“Với việc thành lập tổ hợp tác, chúng tôi kỳ vọng sản lượng ba kích của địa phương được tiêu thụ qua các hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp sẽ được tăng lên, thúc đẩy sản xuất dược liệu của xã phát triển theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho bà con trong xã cũng như góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu trong chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu”, ông Toàn chia sẻ thêm.

Nguyễn Hường (Báo Vĩnh Phúc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem