Phật hoàng Trần Nhân Tông trong quãng đời tu hành ở Yên Tử rất để tâm đến loài hoa này. Ngài có bài thơ đặc sắc nói về hoa mai vàng Yên Tử: “Hằng Nga nhược thức hoa giai xứ/ Quế lãnh thiềm hàn chỉ ma ưu” (Hằng Nga nếu biết mai tuyệt đẹp/ Cung thiềm, cội quế ắc chẳng màng).
Trong diễn thế lâm nghiệp, cây mai là cây tiên phong. Ở những lập địa khắc nghiệt nhất, như đá dựng, non cao, núi trọc, thiếu nước, thiếu đất, nắng chiếu chói chang…, mọi loài cây đều khó mà chịu nổi, thì cây mai vàng lại chọn làm nơi tách hạt, bật lá, nảy chồi, đâm lộc.
Cây mai vàng Yên Tử khi trưởng thành, rễ cọc đâm vào núi đá chắc bền để giữ cây, các dễ phụ làm nhiệm vụ đi nổi, len lỏi vào những hốc đá tìm đất, tìm nước để cóp nhặt dưỡng chất nuôi cây.
Mai vàng Yên Tử hướng về ánh sáng mặt trời, càng là vùng thừa sáng, mai càng thắm sắc. Cũng vì đặc tính tiên phong nói trên, cây mai vàng Yên Tử càng ở trên vách đá, non cao càng có vẻ đẹp khác biệt.
Mai vàng Yên Tử rực rõ sắc vàng trong trẻo. Ảnh: Đào Linh
Càng là trong nền nhiệt thấp của đầu mùa xuân, mai vàng Yên Tử nở càng đẹp. Hoa mai càng đẹp hơn khi nở trong khung cảnh mây mờ bay chậm, mưa nhẹ, gió thoảng, những giọt sương như ngọc tròn vo còn đọng trên cánh hoa, nhuỵ hoa, trên lộc non…
Vùng núi Yên Tử có rất nhiều nghệ nhân sành chơi hoa Tết. Họ cho rằng so với các loài mai vàng khác, mai vàng Yên Tử mang thần, sắc đặc biệt.
Nếu như mai vàng thông thường không có hương và lộc màu tía thì mai vàng Yên Tử có hương thơm, lộc màu xanh ngọc, rất phù hợp với những ước vọng đầu xuân của người Việt về sự phát triển, về việc lưu lại tiếng thơm.
Đó là lý do mai vàng Yên Tử là loại hoa quý chơi tết, được ví như loại cành lộc, có tính tâm linh, báo những tín hiệu xuân mới tốt lành.
Trong những áng văn thơ của người đời trước, những sắc thái của cây hoa mai Yên Tử được nhắc đến nhiều lần, thể hiện sự quan sát, cảm nhận tinh tế. Họ cho rằng nhìn hoa nhớ người, ngắm mai vàng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông, cảm nhận về mai vàng là cảm nhận về những bài học sâu sắc về đạo và đời.
Đã có thi sĩ viết rằng “Chẳng phải một phen xương lạnh buốt/ Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương”, không trải qua gian khó, sao có thành quả, không bước qua nghịch cảnh sao đón tương lai mới tươi sáng, đó là bài học về sự vận động, về tinh thần vượt khó vươn lên.
Hoa mai vàng Yên Tử đẹp nhất vào đầu xuân, thời gian hoa nở rộ trong khoảng 10-15 ngày. Cái lạ của loài hoa này là dù đang trong độ hoa khoe sắc rực rỡ nhất, chỉ cần một cơn gió nhẹ là có thể trút đi toàn bộ cánh hoa, nhường chỗ cho nhụy hoa tiếp tục phát triển.
Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, từng ví cái đẹp của hoa mai vàng Yên Tử là cái đẹp của băng thanh ngọc khiết, cái đẹp mang cốt cách của người tu hành, thanh tao, thoát tục…
Núi rừng Yên Tử từng có rất nhiều hoa mai vàng. Những người già ở Thượng Yên Công kể rằng mai vàng trải dài từ chùa Suối Tắm lên đỉnh chùa Đồng.
Khu vực các đỉnh núi lân cận như Ngọa Vân, Bắc Giang, Hoành Bồ đều có mai vàng Yên Tử. Giờ thì vì nhiều nguyên nhân, mai vàng Yên Tử chỉ dễ nhìn thấy ở khu vực chùa Một Mái, Hoa Yên, Thác Vàng, chân ga cáp treo 2; trong đó khu vực chân ga cáp treo 2 còn quần tụ một khoảng rừng với hơn 20 cội mai già xì xù mốc thếch.
Mai vàng Yên Tử giờ đây cũng được đưa xuống các nhà vườn. Có thể là những cây mai được đánh từ rừng về, có thể là những cây mai được nhân giống từ hạt hoặc chiết cành.
Vườn mai vàng khoảng 5ha của anh Nguyễn Trọng Phương (thôn Đồng Đò, xã Bình Khê, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) hiện được coi là vườn mai vàng Yên Tử lớn nhất vùng với cả trăm gốc mai già.
Những người hiểu về mai vàng Yên Tử đều biết rằng cây mai từ khoảng 20 tuổi trở lên đều có nguồn gốc từ rừng.
Đại đức Thích Đạo Hiển cùng du khách bên những gốc mai đang nở rộ tại núi thiêng Yên Tử (TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
Cây mai vì sinh trưởng, phát triển trên vách núi đá, nên khi bị hạ xuống thường không đào được rễ, mang về vườn trồng rất khó sống, tỷ lệ sống của mai rừng về vườn là 10%.
Đây cũng là lý do một thời Yên Tử “chảy máu” mai vàng, dẫn đến tình trạng những cội mai già trên đỉnh non thiêng Yên Tử đã ít đi rất nhiều so với trước.
Hiện công tác quản lý, bảo vệ đã được thắt chặt, việc xâm hại cây mai trong rừng Yên Tử đã được hạn chế, nhất là đối với diện tích rừng đặc dụng quốc gia Yên Tử.
Cùng với vẻ đẹp, thần sắc của cây mai vàng Yên Tử hiện vẫn chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ. Cách định giá cây mai vàng Yên Tử hiện nay giống như cách định giá hoa, cây cảnh chơi tết.
Cây mai vàng Yên Tử chưa được nhìn nhận dưới góc độ là loài cây có cốt cách, có câu chuyện gắn với non thiêng Yên Tử, gắn với cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông, gắn với những triết lý răn dạy mang tính Thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền của người Việt.