Đó là khẳng định của Chủ tịch HĐTV Vinafood 1 Bùi Thị Thanh Tâm tại cuộc gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu do Thường trực Chính phủ tổ chức sáng 3/3.
Bà Tâm cho biết, bước vào năm 2024, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, sản lượng lúa dự kiến vẫn đạt 43 triệu tấn và sau khi dành cho tiêu dùng nội địa, đảm bảo an ninh lương thực thì lượng dành cho xuất khẩu mục tiêu là 7,5 – 8 triệu tấn gạo. Hiện nay, là tháng 3/2024, vào chính vụ Đông Xuân, đây là vụ lớn nhất trong năm với số lượng thu hoạch khoảng 6 triệu tấn gạo, trong đó 3 triệu tấn dành cho xuất khẩu.
Vừa qua có thông tin là giá lúa giảm khoảng 30% và các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu chậm mua để chờ giá xuống. Về vấn đề này, do giá lúa gạo trong thời gian tăng cao liên lục trong quý 3, 4/2023 sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ thì đã giảm từ giữa tháng 1/2024, mức giảm là từ trên 9.000 đồng/kg xuống 7.300 đến 7.800/kg. Tuy giá giảm nhưng vẫn cao hơn của vụ Đông Xuân năm 2023 và đặc biệt là vẫn cao hơn giá của các vụ trước.
"Giá lúa hiện nay người dân vẫn có lãi khoảng 60% theo giá thành sản xuất mà Hiệp hội tài chính đã công bố là khoảng 4.000 đồng/kg và giảm trên nền giá cao đột biến. Năm 2023 thì giá tăng đột biến và hiện nay thì giá giảm nhưng giảm trên nền giá cao trước đó", bà Tâm phân tích.
Trước đây, Chính phủ đã đặt mục tiêu là đảm bảo cho người dân có lãi 30%. Nhìn lại lịch sử xuất khẩu của Việt Nam, hiện nay chúng ta đã bước vào năm thứ 35 Việt Nam tham gia xuất khẩu lúa gạo thì hầu hết cứ mỗi một năm, vào vụ Đông Xuân thì các cuộc họp về lúa gạo đều trở thành đề tài nóng. Chính phủ rất quân tâm đến người nông dân. Có những thời điểm, khoảng 7-10 năm trở về trước, mỗi khi đến vụ nếu giá gạo bán dưới giá thành thì Chính phủ lại triển khai việc mua tạm trữ và cho các doanh nghiệp thu mua để kích giá lúa gạo của người nông dân lên.
Với việc làm này thì Chính phủ phải bù tiền hỗ trợ lãi suất ngân hàng và không bảo đảm tính quy luật thị trường. Tuy nhiên, đến thời gian hiện nay, không những được mùa mà chúng ta lại được giá. Đây là thành công rất lớn và đây cũng là cả một quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chỉ đạo sát sao của Chính phủ.
Nguyên nhân dẫn đến giá gạo giảm như vừa qua là do hiện nay thu hoạch chính vụ, tất cả các cánh đồng đều thu hoạch, và các tỉnh đều thu hoạch cùng thời điểm.
"Năm ngoái, khi được giá thì các tỉnh đồng thời gieo hạt và nông dân rất phấn khởi, cho nên cùng triển khai. Hiện nay tất cả các vùng cùng thu hoạch một lúc thì nảy sinh sự ùn ứ từ ruộng, từ nhà máy, thậm chí từ các cảng nội địa. Hơn nữa để thu mua được lượng 6 triệu gạo, phải chuẩn bị về tín dụng ngân hàng, chuẩn bị logistics nên sẽ ùn ứ, chậm hơn", bà Tâm nói thêm.
Hơn nữa, hiện nay, Thái Lan, Philippine, Indonesia cũng gặt, cũng thu hoạch vào đúng tháng 3-5. Bên cạnh đó, một số nước châu Phi, hiện nay đang tồn nhiều gạo. Philippines hiện tồn gạo với giá cao nên họ phải tiêu thụ ở trong nước trước, sau đó mới tiếp tục nhập khẩu.
Theo bà Tâm, vừa qua, Vinafood 1 có chào hàng một số nhà nhập khẩu nhưng họ nói "sẽ nghiên cứu thêm và có thể trao đổi sau". Giá cả thị trường thế giới hiện nay đang có sự điều chỉnh. Chúng ta chỉ chiếm 15-18% tổng lượng xuất khẩu gạo của toàn thế giới.
Tháng 1 vừa qua, Việt Nam tham gia đấu thầu ở Indonesia với số lượng rất lớn, tổng số lượng mời thầu là 500.000 tấn nhưng các nhà xuất khẩu Việt Nam đã trúng đến gần 400.000 tấn với giá cao.
Chủ tịch HĐTV Vinafood 1 cho rằng, với giá như hiện nay thì người nông dân hoàn toàn có lãi và rất là phấn khởi. "Chắc chắn với giá này thì người nông dân vẫn tiếp tục tăng sản lượng", bà Tâm nói.
Thời gian tới, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành đã dự báo là năm 2024 là năm tiếp tục có nhu cầu lớn về gạo và các nhà nhập khẩu hiện nay vẫn tiếp tục có kế hoạch để triển khai.
Còn về việc tiêu thụ, hiện nay, Vinafood 1 và Vinafood 2 đều thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn thì tiếp tục mua và từ tết đến nay đã mua được khoảng nửa triệu tấn gạo và mua liên tục ngày đêm và không có thời gian nghỉ, và khẳng định trong thời gian tới vẫn tiếp tục mua.