Giá lúa cao nhất từ trước đến nay, một hợp tác xã ở Long An trồng lúa sạch còn được cộng thêm 200-300 đồng/kg
Giá lúa cao nhất từ trước đến nay, một hợp tác xã ở Long An trồng lúa sạch còn được cộng thêm 200-300 đồng/kg
P.V
Chủ nhật, ngày 26/11/2023 17:07 PM (GMT+7)
Giá lúa đang ở mức rất cao, với mức giá khoảng 8.600 đồng/kg, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long có lợi nhuận tới 4 triệu đồng/công. Đặc biệt, lúa chất lượng cao còn được cộng thêm 200 - 300 đồng/kg.
Vừa thu hoạch xong 200ha lúa thu đông, các thành viên Hợp tác xã Dịch vụ, thương mại nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, Long An) vô cùng phấn khởi vì giá lúa cao kỷ lục. Anh Bùi Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: "Chúng tôi vừa bán lúa với giá 9.500 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Với mức giá này, chúng tôi có lãi 25 triệu đồng/ha".
Cũng theo anh Bùi Văn Tuấn, toàn bộ diện tích canh tác lúa của Hợp tác xã Cây Trôm được canh tác theo quy trình an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu. Do vậy, giá lúa cũng luôn cao hơn mặt bằng chung và được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ.
Hiện, nhiều diện tích lúa đông xuân 2023 - 2024 gieo sạ sớm trên địa bàn huyện Tân Hưng, tỉnh Long An đang cho thu hoạch, giá bán ở mức cao.
Giá lúa tăng cao, nông dân Long An thu lợi nhuận khủng. Ảnh: Báo Long An.
Tại xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, bà con đã thu hoạch được trên 100ha lúa đông xuân 2023 - 2024 gieo sạ sớm, năng suất đạt trung bình 5,7 tấn/ha. Với giá bán từ 8.000 - 9.000 đồng/kg tùy từng loại giống, nông dân thu lợi nhuận trên 20 triệu đồng/ha.
Còn tại các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang, lúa OM5451 có giá từ 8.300 - 8.600 đồng/kg; Đài Thơm 8, Hương Châu 6 khoảng 8.600 đồng/kg; VD20 hơn 9.500 đồng/kg. Với giá này, trung bình nông dân thu lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng/công.
Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp thu mua lúa tại Gò Công Tây (Tiền Giang), do giá lúa tăng quá cao nên doanh nghiệp dè dặt thu mua, không dám dự trữ nhiều và chỉ thu mua trong phạm vi liên kết.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 658 USD/tấn. “Việc bán hàng chậm do nguồn cung đang cạn kiệt”, một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
“Các nhà xuất khẩu ngần ngại ký hợp đồng mới vì họ không chắc liệu có thể mua đủ lúa từ nông dân hay không”.
Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy 299.817 tấn gạo sẽ được xếp tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ ngày 1 đến ngày 23/11, với phần lớn gạo giao đến Châu Phi, Cuba, Indonesia, Philippines và Malaysia.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đạt 590 USD/tấn, tăng so với mức 570 - 575 USD được báo giá vào một vài tuần trước. Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết giá tiếp tục tăng do nhu cầu cao hơn đối với gạo Thái Lan.
Một thương nhân khác cho biết có nhu cầu liên tục từ Indonesia, Philippines và Malaysia và nguồn cung đang đến mà không gặp vấn đề gì.
Việc giá gạo “nóng” trở lại sau thời gian giảm sâu có thể xuất phát từ nguyên nhân các quốc gia trên thế giới vẫn có nhu cầu mua gạo cao. Cụ thể, mới đây, Brazil đã đạt thỏa thuận mua 60.000 tấn gạo từ Thái Lan.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Philippines mới đây đã yêu cầu thương nhân nhập khẩu thêm 1 triệu tấn gạo trong 30 ngày, để tăng nguồn cung trong nước và kiểm soát giá của mặt hàng chủ lực quốc gia. Đáng chú ý, lượng gạo nhập khẩu này được trông đợi sẽ đến từ nguồn cung của Việt Nam và Thái Lan.
Một thông tin đáng chú ý khác, theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong năm 2024, Indonesia và Nigeria sẽ nằm trong nhóm những nước mua gạo lớn nhất thế giới với sản lượng dự kiến khoảng 2 triệu tấn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.