Chúng tôi có dịp đến thăm cơ sở sản xuất mỳ gạo Thái Hoàn của gia đình ông Nguyễn Văn Thái (xóm Trung Tâm, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) khi các nhân công đang tất bật với các công đoạn sản xuất mỳ. Người đùn mỳ, người rửa, người phơi mỳ,... luôn tay, luôn chân.
Ông Nguyễn Văn Thái (xóm Trung Tâm, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) bắt tay vào làm mỳ gạo từ năm 2021. Ảnh: Hà Thanh.
Chia sẻ về quá trình đến với công việc làm mỳ như hiện nay, ông Thái cho biết: Từ năm 2021 trở về trước, gia đình ông chủ yếu chăn nuôi lợn với số lượng lớn.
Tuy nhiên, năm 2021 do dịch bệnh xảy ra khiến gia đình ông thua lỗ nặng. Không còn vốn để duy trì chăn nuôi nên ông đã quyết định chuyển sang mô hình sản xuất sang làm mỳ gạo.
Nguyên nhân bởi ông nhận thấy công việc này không đòi hỏi nhiều vốn, có thể chủ động nhân công trong gia đình, cũng như không mang tính rủi ro như chăn nuôi.
Thời gian đầu, gia đình ông Thái thường xuyên học hỏi cách thức sản xuất của những hộ gia đình đã có kinh nghiệm làm mỳ trước đó.
Suốt 3 tháng đầu tiên đi vào hoạt động, cũng có nhiều lần không thành công. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào sản xuất, vừa làm vừa rút kinh nghiệm dần, đến nay sản phẩm của gia đình khi đưa ra thị trường đã được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Để làm ra được sản phẩm mỳ ngon, theo ông Thái việc lựa chọn nguyên liệu gạo là vô cùng quan trọng. Gạo khi xay xát phải đạt tiêu chuẩn, gạo trắng, không pha trộn và là gạo Khang Dân.
Sau khi đã chọn được gạo có chất lượng tốt, gạo sẽ được cho vào ngâm trong thời gian từ 2 – 3 giờ đồng hồ. Sau đó gạo được đưa vào máy nghiền thành bột, rồi đóng bao và ép. Khi bột đã đủ thời gian theo quy định thì tiến hành cho vào máy đùn để làm thành mỳ.
Công đoạn tiếp theo, mỳ được đưa vào ủ khoảng 15 tiếng (mùa đông) và 20 tiếng (mùa hè) rồi rải bao, đậy bạt, sau đó đưa vào ngâm rửa trong bể nước cho mỳ tơi ra. Tiếp đó mỳ được đem đi phơi dưới ánh nắng mặt trời cho khô.
"Nếu thời tiết nắng đẹp thì thời gian phơi kéo dài khoảng 4 – 6 tiếng. Nếu thời tiết mưa, sẽ đưa vào lò sấy nóng trong thời gian khoảng 10 tiếng là mỳ khô" - ông Thái cho biết.
Theo ông Thái, thời tiết thuận lợi nhất để làm mỳ là khoảng thời gian vào tháng 10 trong năm vì lúc này thời tiết khô hanh, ít mưa, khi đó phơi mỳ chủ yếu bằng gió nên sợi mỳ sẽ đẹp mắt và ngon hơn so với phơi dưới ánh nắng mặt trời.
Ông Thái cho hay, việc sản xuất mỳ cũng mất khá nhiều thời gian, nhưng không nặng nhọc, nên chỉ cần chịu khó, tỉ mỉ là có thể làm được.
Đặc biệt, với những người đã hết tuổi lao động như vợ chồng ông, không thể đi làm công ty thì ở nhà túc tắc vừa làm mỳ, vừa làm ruộng, lại chăn nuôi thêm con vịt, con gà cũng có đồng ra đồng vào để chi tiêu.
Hiện tại, trung bình mỗi ngày, gia đình ông Thái sản xuất từ 4 – 5 tạ mỳ, còn những ngày thời tiết không thuận lợi, gia đình ông chỉ sản xuất khoảng 2 tạ.
Hiện mỳ được gia đình ông Thái bán sỉ với giá 22.000 đồng/kg và bán lẻ 24.000 đồng/kg. Như vậy, theo tính toán, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi khoảng 3.000 đồng/kg mỳ.
Hiện nay, ngoài thị trường Thái Nguyên, sản phẩm mỳ gạo của gia đình ông Thái đang được bán đi một số tỉnh, thành như: Yên Bái, Bình Thuận… cho các đại lý và những khách quen đặt hàng.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, gia đình ông Thái đang sử dụng 3 lao động để làm mỳ. Thu nhập trung bình của người lao động đạt từ 6 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Dự định trong thời gian tới, gia đình ông Thái sẽ di dời địa điểm sản xuất ra mặt đường, từ đó sẽ mở rộng thêm quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu hàng hóa phục vụ cho thị trường.
Theo ông Thái, so với việc chăn nuôi của gia đình ông trước đây thì việc làm mỳ hiện tại không đòi hỏi vốn nhiều mà lại có thu nhập ổn định, không lo rủi ro, thua lỗ. Do đó, gia đình ông dự tính sẽ gắn bó lâu dài với công việc này.