Trồng giống lúa có tên lạ Nàng Tây đùm, chả phải chăm mà cao tới 2,5m, được doanh nghiệp mua giá 15.000 đồng/kg

Thứ hai, ngày 04/03/2024 13:30 PM (GMT+7)
Nhằm tạo thêm sinh kế cho người dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Đại (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) tận dụng đặc thù tự nhiên để “hồi sinh” lúa mùa nổi. Đến nay, mô hình mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần mở ra hướng đi mới.
Bình luận 0

Vĩnh Đại là vùng “rốn lũ” của huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Mỗi khi đến mùa nước nổi, người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề câu lưới. Nhằm tạo thêm sinh kế cho người dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Đại tận dụng đặc thù tự nhiên để “hồi sinh” lúa mùa nổi. Đến nay, mô hình mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần mở ra hướng đi mới cho nông dân.

Trồng giống lúa có tên lạ Nàng Tây đùm, chả phải chăm mà cao tới 2,5m, được doanh nghiệp mua giá 15.000 đồng/kg- Ảnh 1.

Nông dân thu hoạch lúa mùa nổi.

Lúa mùa nổi là loại lúa truyền thống đã được người dân Vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất trước năm 1985. Với đặc tính nước đến đâu, cây lúa vươn lóng, vượt lên khỏi mặt nước đến đó nên đây là loại cây lương thực được người dân vùng lũ khá chuộng và gọi là lúa mùa nổi. Và đây là năm thứ 4, người dân ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng trồng lúa mùa nổi. Năm đầu, diện tích chỉ vỏn vẹn gần 30ha. Năm thứ hai, diện tích tăng lên khoảng 50ha. Năm thứ 3, thứ 4, diện tích tăng lên 100ha và được doanh nghiệp hỗ trợ giống, bao tiêu đầu ra ngay từ đầu vụ với giá 15.000 đồng/kg.

Giống lúa được nông dân ấp Láng Sen canh tác là Nàng Tây đùm. Đây là giống lúa thích ứng với vùng biến đổi khí hậu, có thể trồng trong vùng ngập lũ sâu, nước dâng đến đâu cây lúa phát triển đến đó (lúa cao từ 2,5-3m). Lúa trồng khoảng 6 tháng bắt đầu thu hoạch. Hầu hết nông dân trồng lúa mùa nổi không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên hạt gạo đạt độ dinh dưỡng rất cao và an toàn cho người tiêu dùng.

Tuy năm nay sản lượng không cao, chỉ khoảng 1 tấn/ha, lợi nhuận không nhiều nhưng nông dân vẫn phấn khởi, một phần vì có thêm thu nhập trong mùa nước nổi, một phần vì góp phần chung tay cùng chính quyền địa phương bảo tồn, gìn giữ được lúa mùa nổi - một nét văn hóa đặc trưng của ông bà ta trong những năm đầu khai hoang lập nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thuyền (ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) là một trong những nông dân tiên phong, ủng hộ khi UBND xã mở cuộc họp vận động người dân trồng lúa mùa nổi. Bà mạnh dạn trồng 4ha lúa mùa nổi. Năm đầu tiên, bà Thuyền có lợi nhuận gần 80 triệu đồng, bình quân lợi nhuận gần 20 triệu đồng/ha. Riêng năm nay, năng suất không nhiều, lợi nhuận không cao nhưng bà Thuyền vẫn quyết tâm gắn bó với lúa mùa nổi.

“Tôi thường sạ vào khoảng tháng 6, đến tháng 11 thì thu hoạch. Cây lúa tự sinh trưởng mà không cần phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật. Năm nay, do lũ trễ nên tiến độ gieo sạ cũng trễ theo làm cho năng suất lúa không cao như những năm trước. Nhìn chung, vụ lúa này vẫn mang lại thu nhập khá cho nông dân trong mùa lũ”.

Việc sản xuất lúa mùa nổi là “thuận thiên” nên năng suất và chất lượng cũng hoàn toàn tự nhiên, không có bất kỳ tác động nào bởi yếu tố nhân tạo. Ví dụ, khi lúa trổ, gặp mưa thì hạt bị lép nhiều, trong khi lúa mùa nổi là lúa sạch, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên hạt lúa vô gạo vốn đã kém. Riêng vụ lúa này, thời tiết không thuận lợi, nước lên nhanh, lúa trổ ngay các cơn mưa lớn nên bị chết và hạt lép nhiều dẫn đến năng suất thấp hơn những năm trước.

Hiện nay, xu hướng tiêu dùng thực phẩm nói chung và lúa gạo nói riêng không chỉ yêu cầu ngon mà còn an toàn. Và trong tương lai, bắt buộc nông dân phải sản xuất sạch, tạo ra những nông sản chất lượng, thuần tự nhiên mới đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đây cũng là con đường mà nhiều doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đang hướng đến. Do đó, lúa mùa nổi được xem là sản phẩm chất lượng; mặt khác, đằng sau việc sản xuất lúa mùa nổi còn là một câu chuyện về phong tục, tập quán, văn hóa, nét đặc trưng của người dân phương Nam trong những năm đầu khai hoang lập nghiệp.

Hiện nay, diện tích trồng lúa mùa nước nổi được 2 doanh nghiệp bao tiêu ngay từ đầu vụ, với giá 15.000 đồng/kg gồm Tập đoàn Lộc Trời 50ha, Công ty TNHH Đầu tư - Phát triển Khải Nam 50ha. Do đó, nông dân có thể hoàn toàn yên tâm về đầu ra của lúa. Đây cũng là một trong những lý do diện tích lúa mùa nổi liên tục tăng lên.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đại - Nguyễn Lương Tuấn thông tin: “Trước đây, trong mùa nước nổi, người dân chủ yếu sinh sống bằng nguồn lợi thủy sản. Từ khi trồng lúa mùa nổi, người dân có thêm thu nhập từ cây lúa. Thời gian tới, địa phương tiếp tục phối hợp các công ty, dự án tìm nguồn giống và nhờ các chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật canh tác. Qua đó, nâng cao năng suất lúa mùa nổi và tăng thu nhập cho người dân”.

Trải qua bao thăng trầm, lúa mùa nổi tưởng chừng chỉ còn là ký ức của nhiều người nhưng bằng sự tận tâm, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là ý thức của nông dân, lúa mùa nổi đang vươn mình phát triển trên vùng đất Vĩnh Đại của huyện Tân Hưng.


Bùi Tùng (baolongan.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem