Ngày 8/3, ghi nhận của phóng viên Dân Việt, giá cà phê tại Lâm Đồng đã cán mốc hơn 90.000 đồng/kg. Người dân địa phương cho biết giá cà phê hiện tại là con số kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, hiện nhiều gia đình đã bán hết, không còn cà phê để bán, chỉ mong chờ một năm được mùa, được giá trong niên vụ cuối 2024.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Thùy (người dân trồng cà phê tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: "Giá cà phê hiện nay đang rất cao, nhưng nhiều gia đình đã không còn cà phê để bán. Dù rất tiếc nhưng cũng chỉ biết chăm sóc vườn của mình sao cho cuối năm cà phê đạt sản lượng cao nhất. Gia đình tôi năm nay thu hoạch được 9 tấn cà phê nhân, nhưng khi bán giá vẫn không được cao cho lắm. Tôi thấy nhiều gia đình cũng như vậy, mọi năm giá cà phê chỉ loanh quanh ở mức 40.000 đồng/kg, nhưng năm nay thấy giá lên đến 60.000-70.000 ngàn đồng/kg là người dân đã bán khá nhiều".
Mặc dù vậy, hiện nay nhiều người dân đang lo lắng việc hạn hán, thiếu nước tưới cho cà phê, có thể dẫn đến việc mất mùa vào cuối năm. Anh Hoàng Văn Đạt (huyện Lâm Hà) cho hay, hiện nhiều gia đình đang bị thiếu nước tưới cà phê. Lượng nước tưới chỉ cầm chừng, chờ nước ao, hồ lên. Đặc biệt, những gia đình ở xa nguồn nước, trên đồi cao, không có điều kiện để tưới nước thì khả năng cao cà phê sẽ bị mất mùa trong năm tới.
Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Đức (xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) lại vui mừng cho biết, 3 ngày qua, tại các xã Tân Lâm, Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh) đều có mưa hàng tiếng đồng hồ, giải tỏa cơn khát của người dân làm nông nghiệp. Chính vì vậy, nhiều gia đình đã kéo máy và ống tưới nước về kho để bảo quản. Các trận mưa cũng giúp cho diện tích cà phê của người dân được tưới mát, đảm bảo cà phê phát triển ổn định, đạt năng suất vào cuối năm.
Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết đã yêu cầu các huyện, thành phố chủ động triển khai các biện pháp cấp bách, phòng ngừa, ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các huyện, thành phố cần rà soát khả năng cung cấp nguồn nước tới từng hộ dân ở các khu vực thường xuyên thiếu nước, khi nhận định có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước cần tập trung thực hiện các biện pháp cấp nước kịp thời và đầy đủ cho người dân như mua hỗ trợ thiết bị lọc, chứa nước, sử dụng các phương tiện để chuyển nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để lấy nước từ ao hồ, sông suối…
Đối với những khu vực cách xa công trình thủy lợi, khu vực không có công trình thủy lợi, khu vực canh tác dựa vào nước trời, nước hồi quy từ các công trình thủy lợi khuyến cáo người dân canh tác một cách chủ động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang những cây trồng ít dùng nước, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất.