Liên quan đến thông tin phản ánh trên Báo Dân Việt về việc thương lái mua lúa cho doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Lương thực Lộc Nhân (Công ty Lộc Nhân) - thành viên của Tập đoàn Lộc Trời) nhưng không trả tiền ngay, hẹn đi hẹn lại nhiều lần khiến nhiều người dân ở huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ đứng ngồi không yên, phía truyền thông Tập đoàn Lộc Trời đã chính thức có phản hồi.
Theo đại diện truyền thông Tập đoàn Lộc Trời, nguyên nhân chậm trả tiền lúa cho nông dân là do trong một vài tuần qua, dòng tiền ngân hàng có một số xáo trộn, do đó việc thu xếp tiền mặt để chi trả cho bà con nông dân bị chậm trễ.
Trong thời gian này, Tập đoàn Lộc Trời đang cùng với các ngân hàng thu xếp lượng tiền mặt cần thiết để chuyển đến bà con nông dân trong thời gian sớm nhất.
"Về phía Tập đoàn Lộc Trời, chúng tôi thấy là việc thanh toán bằng tiền mặt với số lượng rất lớn khi lúa thu hoạch rộ là rất khó khăn" - Truyền thông Tập đoàn Lộc Trời nhấn mạnh.
Truyền thông Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, phía Tập đoàn đang cùng Công ty Lộc Nhân tìm các biện pháp cấp thiết và dài hạn để không tiếp tục xảy ra chậm trễ trong chi trả tiền mua lúa.
Một trong các giải pháp được đưa ra là thuyết phục người dân mở tài khoản ngân hàng để có thể chuyển tiền trực tiếp thay vì phải rút tiền mặt và chi trả tiền mặt như hiện nay.
Khi phóng viên Dân Việt đề cập, tại sao Công ty Lộc Nhân không ký hợp đồng mua lúa trực tiếp với nông dân, mà phải thông qua thương lái, dẫn đến việc mua bán lỏng lẻo và để người dân mất lòng tin với doanh nghiệp, phía Truyền thông Tập đoàn Lộc Trời thông tin, Công ty Lộc Nhân hợp tác với đội ngũ thương lái mua lúa là do nông dân vẫn còn thói quen bán lúa cho các thương lái, rồi thương lái bán lúa cho các công ty.
Như Dân Việt đã thông tin, ngày 4/3 vừa qua, nhiều người dân đã đến trụ sở Công ty Lộc Nhân ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ để đòi tiền lúa đông xuân 2024 đã bán trước đó.
Tại đây, người dân đã gặp đại diện công ty và được hứa sẽ trả tiền trong thời gian sớm nhất có thể. Mặc dù được hứa như vậy, nhưng người dân vẫn rất không yên tâm.
Về nguyên nhân tại sao nhiều người dân đến trụ sở Công ty Lộc Nhân đòi tiền lúa đông xuân, trao đổi với phóng viên, đa số người dân cho biết, công ty này thông qua các thương lái mua lúa của dân nhưng không trả tiền ngay, hẹn đi hẹn lại nhiều lần.
Anh Phan Văn Quân ngụ ở ấp 2, xã Thạnh Phú cho biết, gia đình anh bán hơn 90 tấn cho thương lái địa phương (thương lái này mua lúa cho công ty lương thực được đề cập ở trên - PV) với giá lúa 8.600 đồng/kg.
Do thương lái không trả tiền liền theo thỏa thuận từ trước nên anh không cho ghe chở lúa đi. Thấy vậy, thương lái đã trả trước khoảng 200 triệu đồng (tổng số tiền thương lái phải trả cho anh Quân khoảng 800 triệu đồng).
Số tiền còn lại, thương lái hứa 3 ngày sau trả, nhưng sau đó tiếp tục hứa và chưa chịu trả. "Hứa hoài, hứa thứ sáu tuần rồi (ngày 1/3- PV) nhưng không chịu trả nên tôi cùng nhiều người dân đến công ty đòi. Lúc này, đại diện công ty hứa thứ sáu tới đây (ngày 8/3- PV) sẽ trả, nhưng không biết có trả được không" - anh Quân nói với phóng viên vào trưa ngày 7/3.
Anh Quân cho hay, đến nay (7/3), đã 10 ngày kể từ lúc anh bán lúa cho thương lái, mà không nhận được tiền. Sự việc khiến anh lo lắng, bởi đa số đất ruộng là anh thuê làm và rất cần tiền để đầu tư vụ lúa mới.
Anh Nguyễn Văn Cọp ngụ xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ thông tin với phóng viên vào ngày 5/3, anh đã bán hơn 5 ha lúa đông xuân cho công ty nói trên thông qua thương lái và chưa nhận được tiền.
"Tôi cắt lúa đông xuân 2 đợt, đợt 1 ngày 13 âm lịch, đợt 2 ngày 15 âm lịch nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền. Đến nay, thương lái đã 3 lần hứa trả" - anh Cọp thông tin.
Ngoài việc nợ tiền lúa, anh Cọp cho biết, thương lái đã đề nghị anh giảm giá lúa từ 8.500 đồng/kg xuống còn 8.300 đồng/kg. Chưa dừng lại ở đó, máy gặt đập liên hợp vào ruộng cắt trễ hơn so với cam kết 3 ngày và bị cân trễ đến 4 ngày.
Anh Cọp nhận định, việc bị neo lúa trên đồng quá ngày thu hoạch và tình trạng cân trễ khiến sản lượng lúa hao hụt khá nhiều.
Không riêng vì 2 hộ dân trên, nhiều hộ nông dân khác ở huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ cũng thông tin, thương lái mua lúa cho doanh nghiệp yêu cầu giảm giá lúa, thời gian thu hoạch và cân lúa bị chậm trễ cho với thỏa thuận ban đầu.