Nói về giá lúa thời gian qua, ông nông dân An Giang dùng một từ: "Êm"

K.Nguyên Thứ tư, ngày 06/03/2024 19:18 PM (GMT+7)
Nói về tình hình giá lúa năm 2023 và thời gian qua, ông Trương Thanh Hà ở xã Mỹ Phú Đông (huyện Thoại Sơn, An Giang) dùng một từ: "Êm". Ông khoe, nhờ lúa trúng mùa được giá, năm vừa qua ông thu lãi 150 triệu đồng.
Bình luận 0

Nhiều năm gắn bó với cây lúa ở đất Mỹ Phú Đông này, chưa khi nào ông Trương Thanh Hà thấy làm lúa “đã” như năm 2023 khi giá lúa liên tục lập đỉnh, bên cạnh đó, nhờ áp dụng quy trình canh tác an toàn, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, năng suất lúa vẫn đảm bảo mà chi phí sản xuất lại giảm, sức khỏe con người, môi trường được đảm bảo.

"Với giá lúa ổn định ở mức cao, gia đình tôi thu lãi 150 triệu đồng nhờ 3 vụ lúa. Một con số trong mơ”, ông Hà cười, nói.

Bước sang vụ đông xuân 2023 - 2024, giá lúa tuy có giảm so với năm 2023 nhưng vẫn khá ổn định. Khi được hỏi có mong giá lúa tăng cao hơn nữa không, ông Hà chia sẻ, chỉ cần giá lúa ổn định để đảm bảo nông dân có lợi nhuận, doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi và người tiêu dùng không phải mua gạo với giá cao.

Nói về giá lúa thời gian qua, ông nông dân An Giang dùng một từ: "Êm"- Ảnh 1.

Năm 2023, với 1,7ha lúa, ông Trương Thanh Hà (bên trái) ở xã Mỹ Phú Đông (huyện Thoại Sơn, An Giang) thu lãi 150 triệu đồng. Ảnh: K.N

Ông Hà cũng đã có hơn 10 năm tham gia liên kết với doanh nghiệp trồng lúa chất lượng cao, về mối quan hệ này, ông dùng từ “êm” khi nói về lợi nhuận cũng như những lợi ích mà quá trình liên kết mang lại cho ông và nhiều nông dân khác.

“Gia đình tôi có 2ha đất lúa liên kết với Tập đoàn Lộc Trời sản xuất theo quy trình an toàn, đã 3 – 4 năm nay, tôi chuyển đổi sang sử dụng cân đối phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học nên môi trường sống được cải thiện, đặc biệt sức khỏe không bị ảnh hưởng như trước”, ông Hà cho biết.

Ông Hà khoe, vụ đông xuân 2023 – 2024, khắp miệt đồng bằng bà con mệt mỏi vì rầy lưng trắng gây hại, nhiều nông dân phải chịu thêm nhiều chi phí thuốc bảo vệ thực vật trừ rầy nhưng vẫn bị thiệt hại đáng kể, riêng ruộng lúa của ông và nhiều hộ trong mô hình liên kết số lượng rầy ít hơn hẳn.

“Tôi không phải xài thêm thuốc trừ rầy luôn mà đến thời điểm này lúa vẫn phát triển tốt, trên ruộng tuy vẫn có rầy nhưng số lượng không đáng kể. Có được điều đó là vì ruộng nhà tôi có nhiều nhện đỏ, chúng góp công bắt rầy rất nhiều. Ở những ruộng lúa sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học xuất hiện trở lại rất nhiều loài thiên địch có ích”, ông Hà khoe.

Theo ông Hà, cái được lớn nhất ở những mô hình liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo quy trình an toàn đó là bà con không còn phải lo đầu ra cho sản phẩm, trong khi đầu vào sản xuất được cung cấp với giá phải chăng.  

Theo cập nhật của Sở NNPTNT tỉnh An Giang, bình quân giá lúa tươi ngày 6/3 mua tại ruộng ở mức 7.200 - 8.200 đồng/kg. Cụ thể, lúa nếp tươi Long An dao động quanh mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg; lúa nếp 3 tháng tươi ở mức 7.900 - 8.200 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg.

Lúa Đài thơm 8 dao động quanh mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg, lúa IR 504 ở mức 7.200 - 7.300 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 7.300 - 7.400 đồng/kg; lúa Nàng hoa 9 dao động 7.500 - 7.700 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 7.600 - 7.800 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức 578 USD/tấn; gạo 25% tấm 555 USD/tấn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem