Dự kiến khoảng cuối tháng 6 Bộ GDĐT sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ở thời điểm hiện tại, nhiều trường cao đẳng, đại học đang trong thời kỳ "nước rút" để tổ chức tư vấn tuyển sinh, giải đáp vướng mắc cho học sinh trong quá trình chọn ngành, chọn trường theo học,
Trong nhiều chương trình tư vấn tuyển sinh, vấn đề được nhiều thí sinh, phụ huynh quan tâm đó là nên chọn ngành học theo đam mê hay theo xu hướng, ngành có thu nhập cao...
Tại chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" vừa được tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức, TP.HCM), Đức Long, học sinh lớp 12 Trường THPT Giồng Ông Tố bày tỏ băn khoăn, ngành em đam mê có thu nhập khá thấp so với những ngành khác. Vậy, em nên lựa chọn thế nào, nên chọn ngành theo đam mê của mình hay chọn ngành học có thu nhập cao nhưng không đam mê?
Trước băn khoăn này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho biết, rất nhiều ngành bị cho là thu nhập thấp và khó tuyển sinh hơn các ngành "hot" theo xu hướng, trào lưu của xã hội. Cụ thể, trong 3 năm qua, một số lĩnh vực khó tuyển sinh dù nhu cầu nguồn nhân lực rất cao như khoa học tự nhiên, nông lâm thuỷ hải sản, khoa học sự sống, môi trường và bảo vệ môi trường...
Hiện nay, trong chương trình đào tạo cũng đã ứng dụng rất nhiều công nghệ, với xu hướng đào tạo xuyên ngành, liên ngành.. thì việc ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực này là đòi hỏi cần thiết.
"Tôi đảm bảo rằng, khi các em đã giỏi trong lĩnh vực của mình thì không có chuyện thu nhập thấp. Với xu hướng phát triển hiện nay là rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, và để thu hút giữ chân nhân tài thì luôn có các chính sách đãi ngộ. Do đó, các em thực sự có đam mê, mong muốn theo đuổi ngành nghề, lĩnh vực mà mình yêu thích, đồng thời có năng lực, sở trường... thì cam đoan là không bao giờ thu nhập thấp. Do đó, các em hãy mạnh dạn theo đuổi", bà Thủy nói.
Đối với băn khoăn của các thí sinh khi phải lựa chọn giữa ngành học mình mong muốn với ngành học phụ huynh mong muốn, TS.Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thì cho rằng, nếu không có đam mê, các em sẽ không giỏi được, không trở thành những người mang lại giá trị cho ngành nghề đó.
Đồng thời, câu chuyện giữa phụ huynh và học sinh không đồng nhất trong việc lựa chọn ngành nghề luôn là vấn đề lớn, và bên nào thuyết phục được bên nào đó cũng là câu chuyện lớn. Hiện vẫn có nhiều phụ huynh cho rằng, với tình yêu thương đối với con cái cũng kinh nghiệm sống, những lựa chọn ngành nghề cho con của họ là luôn đúng.
TS.Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing cho biết, khi rơi vào tình huống này, các em hãy dành thời gian tìm hiểu kỹ ngành nghề mà phụ huynh mong muốn. Bên cạnh đó, các em cũng nên tham khảo ý kiến từ thầy cô, anh chị đi trước về ngành nghề đó.
Sau khi tìm hiểu kỹ nhưng các em vẫn không thay đổi, không thấy thích, không thấy phù hợp với ngành nghề bố mẹ lựa chọn... thì hãy thuyết phục, chứng minh cho bố mẹ thấy sự hiểu biết của mình về ngành nghề đó cũng như lợi ích của ngành nghề này sẽ mang lại.
Tại một chương trình tư vấn tuyển sinh trước đó, TS.Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, phụ huynh nên lắng nghe các con để định hướng chọn ngành nghề; không nên áp đặt trong việc hướng nghiệp cho con.
Ông Hạ nhận định, khi các em có hứng thú thì mới học và thành công. Do đó, dù phụ huynh ép buộc, các em cũng không học được. Có nhiều em sinh viên vào giảng đường đại học phải dừng lại sau thời gian học vì không đúng những gì các em nghĩ và không đúng đam mê.
"Phụ huynh đừng quá lo lắng trong chuyện quyết định chọn ngành của con. Nếu các em có đam mê, học giỏi sẽ có việc làm tốt. Các em giỏi không chỉ về kiến thức mà còn giỏi về kỹ năng thì chắc chắn sẽ có cơ hội thăng tiến và có thu nhập tốt. Nếu các con đã tự định hướng được ngành nghề của mình thì phụ huynh nên đồng hành cùng con", ông Hạ nói.