Tư vấn tuyển sinh 2023: Thí sinh hãy chọn ngành trước khi chọn trường!
Tư vấn tuyển sinh 2023: Thí sinh hãy chọn ngành trước khi chọn trường!
Thứ ba, ngày 06/06/2023 07:15 AM (GMT+7)
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho rằng: Việc lựa chọn ngành học trước hết phải dựa vào thế mạnh của mỗi thí sinh. Các em có thế mạnh, có niềm yêu thích, đam mê thì mới có thể theo đuổi lâu dài nghề nghiệp mình lựa chọn. Như vậy, theo tôi, các em hãy chọn ngành trước khi chọn trường.
Thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển vào đại học đang tới gần. Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT để tìm hiểu các thông tin về ngành học thu hút thí sinh, giàu tiềm năng phát triển hiện nay; cũng như lời khuyên cho thí sinh trong việc chọn ngành, chọn trường.
4 nhóm ngành cơ hội việc làm rộng mở, nhưng ít thí sinh theo học
Thưa PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, trong công tác tuyển sinh đại học những năm gần đây, xu hướng thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học vào những ngành nào chiếm ưu thế? Những ngành nào có ít thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học hơn? Bà có thể phân tích lý do vì sao?
- PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Theo dõi công tác tuyển sinh trong 3 - 5 năm vừa qua, chúng tôi nhận thấy các lĩnh vực hiện thu hút được nhiều sự quan tâm của thí sinh, có số thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học cao nhất bao gồm: Kinh doanh và quản lý, Máy tính và công nghệ thông tin. Tiếp theo là các lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật, Nhân văn, Sức khỏe, Khoa hoc Xã hội và hành vi, Khoa học giáo dục.
Đây đều là những nhóm ngành vô cùng quan trọng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và bắt kịp xu hướng phát triển nói chung.
Tuy nhiên, cũng có những nhóm ngành đang thiếu sức hút đối với thí sinh, đã thể hiện ở số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học khá thấp so với tổng chỉ tiêu các trường đặt ra. Đó là các nhóm ngành, lĩnh vực về Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội. Chúng tôi thấy khá lo ngại về vấn đề này.
4 nhóm ngành trên có rất nhiều cơ hội việc làm cho thí sinh, tuy nhiên nhiều khi các em chưa nhận thức được và chưa có sự định hướng đúng đắn; do chạy theo trào lưu, hoặc do cảm nhận ngành nghề này khó, vất vả.
Trong khi đó, đây cũng là những lĩnh vực vô cùng cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Khi sinh viên tốt nghiệp ra trường, có rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã chờ đợi sẵn để tuyển dụng. Nhưng chúng ta lại không biết điều đó ngay từ đầu và nghĩ rằng ngành này khó xin việc.
Do vậy, cần nhấn mạnh trong công tác truyền thông, định hướng nghề nghiệp cho thí sinh để các em có nhìn nhận đầy đủ hơn.
Tôi cũng lưu ý thêm, việc tuyển sinh tốt hay chưa tốt, còn phụ thuộc vào cơ sở đào tạo, không chỉ ở ngành nghề. Có những cơ sở đào tạo tuyển sinh yếu hơn so với cơ sở khác do một số nguyên nhân như chưa khẳng định được chất lượng đào tạo với xã hội nên chưa hấp dẫn thí sinh; do vị trí địa lý (các trường ở địa phương, ở những vùng địa lý khó khăn sẽ gặp khó hơn trong tuyển sinh),…
Bên cạnh đó, hiện nay, chúng ta thấy rõ ràng có sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo với nhau để thu hút được những thí sinh giỏi nhất bằng các chính sách cụ thể trong tuyển sinh, đào tạo (như cơ chế học bổng). Một số trường mở ra ngành mới, có thể đang ở dạng thí điểm hay là những ngành quá hẹp, tất nhiên cũng khó khăn trong tuyển sinh đầu vào.
Ngoài ra, một số ngành thiếu sự hấp dẫn về cơ hội việc làm cũng sẽ tuyển sinh kém. Vấn đề này cần sự hỗ trợ của rất nhiều Bộ ngành, các địa phương cùng chung tay giải quyết mới có thể đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Ngành nghề nào giàu tiềm năng trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0?
Theo bà, trong thời cuộc 4.0 hiện nay, những ngành nghề nào giàu tiềm năng phát triển, có nhu cầu về nguồn nhân lực lớn?
- PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Những ngành học được ta gọi là “4.0”, ý muốn nói có sự ứng dụng, vận dụng các thành tựu phát triển khoa học công nghệ, công nghệ cao, công nghệ thông tin, hoặc đáp ứng cho sự phát triển của các ngành công nghệ cao đó. Đây là xu hướng không thể tránh khỏi và cần nắm bắt kịp thời để có thể theo kịp, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tôi cho rằng các ngành liên quan tới AI, Robotics, Fintech, Khoa học dữ liệu,… đều là những ngành tiên phong, cần thiết và có sức hấp dẫn cao đối với người học hiện nay.
Tuy nhiên, tất cả lĩnh vực, ngành nghề chúng ta đang đào tạo đều rất cần cho nền kinh tế xã hội, không phải vì CMCN 4.0 nên chúng ta chỉ đào tạo những ngành vận dụng, ứng dụng công nghệ cao. Do đó, cần có sự cân bằng giữa nguồn nhân lực trong các lĩnh vực.
Thực ra nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực nào cũng rất thiếu, vì tiếp cận giáo dục đại học ở Việt Nam hiện còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta còn cách xa nhiều nước khoảng 10 - 20 năm về vấn đề này.
Những lĩnh vực 4.0 rõ ràng rất cần thiết, nhưng bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tới việc đào tạo những ngành nghề liên quan tới vật liệu mới, công nghệ sinh học, khoa học sự sống - là những ngành ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại. Lĩnh vực xã hội nhân văn, đào tạo giáo viên, đào tạo bác sĩ, văn hóa nghệ thuật,… cũng không thể lơ là hay bỏ qua.
Như vậy, chúng ta cần sự chung tay của các Bộ, ngành để có được dự báo tương đối chính xác về nhu cầu nguồn nhân lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Từ đó, có kế hoạch đào tạo cũng như phát triển những điều kiện đảm bảo chất lượng phù hợp nhất, bắt kịp, đáp ứng được nhu cầu phát triển chung.
Với các cơ sở đào tạo, tôi cho rằng các thầy cô đang có những chiến lược, kế hoạch hành động rất đúng đắn, hướng tới đáp ứng nhu cầu của xã hội. Mỗi ngành nghề mới mở ra đều gắn với yêu cầu của xã hội, dựa trên nghiên cứu thị trường lao động đang đòi hỏi những phẩm chất, yếu tố nào ở người lao động.
Trong mảng đào tạo, chúng ta phải có tính tiên phong, tính dự báo và đi trước, để vừa hỗ trợ nhưng đôi khi cũng cần định hướng. Bởi với tốc độ phát triển khoa học công nghệ, nếu chúng ta không là những trung tâm tri thức, sáng tạo ra tri thức mới thì rất khó có thể bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp như vũ bão hiện nay.
Vào học trường top, ngành hot không bảo chứng cho thành công
Thưa PGS.TS Nguyễn Thu Thủy. Có phải thí sinh cứ vào được một trường đại học top đầu, theo học ngành hot là đã tới gần với thành công hay không?
- PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Câu hỏi này luôn là trăn trở của các thí sinh, phụ huynh. Việc lựa chọn ngành học trước hết phải dựa vào thế mạnh của mỗi thí sinh. Các em có thế mạnh, có niềm yêu thích, đam mê thì mới có thể theo đuổi lâu dài nghề nghiệp mình lựa chọn. Như vậy, theo tôi, các em hãy chọn ngành trước khi chọn trường.
Ngoài những yếu tố cá nhân như trên, khi chọn ngành, thí sinh cũng phải đặt tổng hòa trong mối quan hệ với điều kiện tài chính, đặc điểm riêng của gia đình, vị trí địa lý và những điều kiện khác để đảm bảo quá trình học đạt hiệu quả tốt nhất.
Về vấn đề có phải cứ chọn học trường top mới thành công hay không, như tôi vừa chia sẻ, chọn đúng ngành quan trọng hơn rất nhiều, vì đây mới là yếu tố định hướng việc phát triển cá nhân.
Nếu chúng ta vào được trường top, ngành đó lại nằm ở trường top thì rất tốt. Nhưng rõ ràng ở những trường top, với những ngành học giàu sức hút thì mức độ cạnh tranh đặc biệt cao, các bạn giỏi cũng mong muốn được theo học.
Vậy nên, tôi muốn nhắn nhủ tới các em rằng, sự thành công phụ thuộc vào nỗ lực cá nhân của các em rất nhiều. Nếu đủ nỗ lực, kiên trì, kiên định, không mệt mỏi để phát triển toàn diện cá nhân thì ở môi trường nào, chúng ta cũng thành công.
Một cá nhân xuất sắc nhưng khi vào môi trường toàn người xuất sắc hơn sẽ có nguy cơ rơi vào stress, mất tự tin,… và khi không còn là người đứng đầu sẽ mất đi rất nhiều lợi thế. Ngược lại, các cá nhân nỗ lực, vượt lên trở thành người xuất sắc nhất ở các trường top sau lại dành được nhiều cơ hội cho mình, khẳng định bản thân, trở thành chuyên gia ở những lĩnh vực cụ thể.
Thực ra một lĩnh vực hẹp ít người để ý lại chính là cơ hội để chúng ta phát triển, trở thành chuyên gia cao nhất trong lĩnh vực đó. Nên tôi luôn khuyến khích các em, nỗ lực tự thân vô cùng quan trọng.
Tôi muốn chia sẻ thêm rằng trong việc chọn ngành, những lời khuyên, lời tư vấn của người xung quanh rất có giá trị; việc lựa chọn đi theo ngành học giàu tiềm năng cũng là điều tốt. Nhưng chính các em phải là người hiểu bản thân mình và đưa ra quyết định.
Cá nhân tôi từng giải quyết nhiều trường hợp rất giỏi, thi đỗ những trường Y hàng đầu của Việt Nam theo đúng ý nguyện của bố mẹ. Nhưng sau 2 năm học, nhất định em xin chuyển trường sang lĩnh vực khác vì đó mới là lĩnh vực em yêu thích. Như vậy, bạn ấy đã mất 2 năm học, bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để trăn trở, cuối cùng không không thể nào cố gắng theo hướng đi do người khác định ra cho mình.
Việc chúng tôi hỗ trợ chuyển trường, chuyển ngành cho những sinh viên này cũng rất khó, bởi còn liên quan đến trường chuyển đến và trường chuyển đi, cùng nhiều vấn đề khác về mặt thủ tục, quy trình. Đây là ví dụ để chúng ta thấy rằng, lựa chọn ngành đào tạo đúng ngay từ đầu rất quan trọng đối với thí sinh, tránh những đáng tiếc, hối hận sau này.
Điểm chuẩn khó có sự đột biến quá lớn chỉ sau một năm
Một câu hỏi rất nhiều thí sinh quan tâm là điểm chuẩn theo phương thức thi tốt nghiệp THPT năm nay liệu có thay đổi nhiều so với năm trước hay không? Có nên dựa vào điểm chuẩn các năm trước để đặt các nguyện vọng xét tuyển? Bà có thể tư vấn cho thí sinh về vấn đề này?
- PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Hiện nay, chỉ riêng với 2 khối ngành đào tạo giáo viên và ngành sức khỏe, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ do Bộ GD-ĐT công bố. Đây là 2 khối ngành đặc biệt - đào tạo ra 2 người thầy: thầy thuốc và thầy giáo, nên chất lượng đào tạo phải đáp ứng được mức tối thiểu. Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT mới công bố ngưỡng điểm này.
Còn lại điểm sàn, điểm chuẩn của các ngành khác thuộc về quyền tự chủ quyết định của các trường. Điều này sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh, tức là mức độ thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển vào từng ngành cụ thể.
Do đó, điểm chuẩn các em nhìn thấy trong các đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo hoàn toàn chỉ mang tính chất tham khảo, không có nghĩa là điểm chuẩn năm nay sẽ như thế, hoặc thậm chí điểm chuẩn có thể khác biệt. Chúng ta phải xác định như vậy.
Tuy nhiên, những chỉ dấu mà thí sinh có thể theo dõi và đưa ra phương hướng là điểm chuẩn nếu có khác biệt cũng sẽ không lệch quá nhiều. Khó có sự đột biến quá lớn chỉ sau một năm. Nhìn vào số liệu điểm chuẩn của 3 năm gần nhất, các em đã có thể dự báo được xu hướng điểm.
Tôi nhấn mạnh rằng hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GDĐT không cản trở các em khi đặt những nguyện vọng cao. Trường hợp không đỗ được những nguyện vọng cao nhất, các em cũng không bị thiệt thòi gì khi xét tuyển ở những nguyện vọng đặt vị trí thấp hơn.
Bởi vậy, thí sinh không cần lo lắng về việc đặt nguyện vọng. Các em yêu thích ngành nào, cảm thấy mình có năng lực để theo học thì nên đặt nguyện vọng đó lên đầu, không cần tự ti, lo lắng. Chính sách của Bộ GD-ĐT đang cho chúng ta điều kiện rất tốt để đảm bảo cơ hội tốt nhất cho các em.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.