Những ngôi nhà cổ ở làng Hội Kỳ là nơi còn lưu giữ nhiều giá trị đặc trưng của làng quê Việt Nam. Nơi đây còn là biểu tượng cho sự tài hoa trong việc xây dựng kiến trúc của thế hệ ông cha.
Một ngôi cổ kiểu nhà rường ở làng cổ có tên là làng Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). (Ảnh: hailang.quangtri.gov.vn).
Nép mình bên dòng Ô Lâu hiền hòa, có một ngôi làng hiện còn lưu giữ nhiều mái nhà cổ hàng trăm năm, với những nét kiến trúc độc đáo, thu hút không ít những người yêu thích chốn làng quê mang dấu ấn thời gian.
Làng Hội Kỳ, thuộc xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, được thành lập cách đây hơn 400 năm. Ngày xưa Hội Kỳ là vùng đất hoang vu không có bóng người, vào năm 1601 mới có người đặt chân lên mảnh đất này. Ông tổ khai canh của làng là người Thanh Hóa, đặt tên làng là Hội Kỳ và cái tên đó đã gắn chặt với làng cho đến ngày hôm nay.
Trải qua không ít thăng trầm của lịch sử, những người dân hiền hòa chất phác, giản dị luôn tự hào với tên gọi Hội Kỳ, nơi được bảo vệ của những rặng tre, sự bao bọc của dòng Ô Lâu huyền thoại và nơi có những ngôi nhà rường cổ độc đáo hiếm có.
Làng Hội Kỳ có diện tích đất tự nhiên là 258,4 ha và có 104 hộ đang sinh sống với nghề nghiệp chính là sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn lưu giữ những di sản vật thể vô giá vừa cổ kính vừa đồ sộ.
Hiện nay, thôn Hội Kỳ còn có 16 căn nhà rường cổ, trong đó có 15 nhà ở và 1 nhà thờ họ. Các căn nhà rường ở đây hầu hết đều có tuổi thọ trên 100 năm. Đặc biệt, có nhiều căn nhà có tuổi thọ hơn 200 năm như nhà của ông Dương Quang Dân, hậu duệ nhà ông Ký (người giàu có của làng địa chủ ngày xưa); nhà ông Dương Văn Tuệ, hậu duệ của nhà lý trưởng; nhà ông Nguyễn Tiến Dũng hậu duệ của ông giáo Độ...
Hệ thống cột kèo của nhà cổ dựng theo kiểu nhà rường cổ được chạm khắc công phu ở làng cổ Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Nhà làm bằng gỗ quý cổ kính, đồ sộ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật. Những ngôi nhà cổ tại Hội Kỳ đều là nhà rường với kiến trúc cầu kỳ, độc đáo được chế tác, xây dựng qua bàn tay khéo léo của những người thợ mộc xưa.
Nhà cổ tại Hội Kỳ chủ yếu được làm bằng gỗ mít. Trước đây, tùy vào nhu cầu sử dụng và điều kiện của mỗi gia đình mà nhà được thiết kế khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là kiểu 2 gian 3 chái hoặc 1 gian 2 chái.
Nhìn chung các nhà rường cổ tại Hội Kỳ đều khá thấp nhưng mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát và có thể chống chọi với những cơn bão.
Mái nhà của những ngôi nhà rường được lợp ngói liệt (ngói âm dương). Và điều đặc biệt của những ngôi nhà này là hệ thống vì kèo với hoa văn rồng phượng được chạm trổ hết sức tinh xảo, công phu. Toàn bộ các cánh cửa của các ngôi nhà rường cổ là cửa bản khóa được đóng mở như một cuốn sách.
Nội thất trong nhà cũng được chủ nhân bố trí khéo léo, hài hòa với các bức hoành phi, câu liễn, câu đối… Một số gia đình hiện tại còn lưu giữ được nhiều vật dụng cũ, làm cho không gian căn nhà thêm phần hoài cổ, mộc mạc, đậm chất xưa cũ.
Thông thường, gian giữa được gia chủ bố trí đặt làm bàn thờ Phật và bàn thờ tổ tiên. Mỗi căn nhà đều có một bức hoành phi ở chính giữa, là lời căn dặn của tổ tiên để lại cho con cháu sau này.
Hai gian hai bên dùng để tiếp khách và không gian sinh hoạt. Các chái là nơi ở được sắp xếp theo nguyên tắc “nam tả, nữ hữu”.
Ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Tiến Dũng (56 tuổi), thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). Ông Dũng là hậu duệ đời thứ 5 của ông giáo Độ, một trong những người có tiếng tăm của làng ngày trước. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Điều khiến du khách bị hấp dẫn khi đến với Hội Kỳ là được khám phá những nét tinh hoa kiến trúc có thể ẩn hiện ở bất kể vị trí nào trong những căn nhà. Nhiều chi tiết dù đơn lẻ, nhưng khi nằm trong tổng thể kiến trúc không hề mâu thuẫn với nhau mà hết sức tinh tế, hài hòa.
Không gian bên ngoài của những căn nhà cổ cũng hài hòa với thiên nhiên, gần gũi, chân quê với hàng rào bằng cây, cùng những khu vườn cây ăn trái sai trĩu quả. Nằm sát bên con sông Ô Lâu nên không khí ở làng Hội Kỳ quanh năm mát mẻ, trong lành.
Xét về mặt văn hóa và kiến trúc, những ngôi nhà cổ ở làng Hội Kỳ là nơi còn lưu giữ nhiều giá trị đặc trưng của làng quê Việt Nam. Nơi đây còn là biểu tượng cho sự tài hoa trong việc xây dựng kiến trúc của thế hệ đi trước.
Không chỉ là những ngôi nhà rường cổ hiếm gặp ở bất kỳ làng quê nào mà nơi đây còn có hệ thống đình, miếu và nhà thờ của các dòng họ với kiến trúc cổ kính, có mái lợp ngói liệt, bên trong có những bàn thờ, khán thờ làm bằng gỗ được chạm khắc công phu.
Đến với làng cổ Hội Kỳ, du khách còn có dịp tham quan Lăng của bà Dương Thị Ngọt - vợ của vua Thành Thái và cây xoài hơn 300 tuổi - cây cổ thụ lâu đời nhất của làng.
Ngôi nhà cổ theo kiểu kiến trúc rường cổ của nhà thờ họ Nguyễn ở làng cổ Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN).
Bởi sự khắc nghiệt của thời gian, thiên tai và chiến tranh, dù được xem là ngôi làng có nhiều nhà cổ nhất tỉnh Quảng Trị nhưng đến nay, số nhà cổ tại Hội Kỳ còn lại khá khiêm tốn.
Trước năm 1975, làng có hơn 100 ngôi rường cổ nhưng vì điều kiện trùng tu khó khăn nên một số đã bị hư hỏng, phần khác đã bị chủ nhân bán đi xây dựng nhà mới theo lối kiến trúc hiện đại.
Trước sự "bốc hơi" dần những mái nhà cổ, nhiều năm qua người dân Hội Kỳ đang cố gắng tìm cách để bảo tồn và phát huy những ngôi nhà rường cổ còn lại.
Một trong những biện pháp đang được nghiên cứu là tôn tạo, trùng tu và đưa nhà cổ trở thành sản phẩm du lịch, là điểm đến để phục vụ du khách.
Ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hải Chánh, (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho biết chính quyền xã cũng đang phối hợp với Phòng văn hóa Thông tin huyện Hải Lăng xây dựng đề án kết nối tour du lịch sinh thái Thác Chờn - làng cổ Hội Kỳ.
Hy vọng rằng với sự phát triển về du lịch sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, giúp bà con trùng tu, sửa chữa và bảo vệ cũng như góp phần quảng bá nét đẹp của làng cổ Hội Kỳ đến với du khách gần xa.
Theo ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, trong thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tiếp tục nghiên cứu lập hồ sơ để công nhận danh hiệu Làng cổ, tạo tiền đề gắn với phát triển du lịch cộng đồng để quảng bá hình ảnh độc đáo của làng cổ Hội Kỳ cũng như góp phần bảo vệ, trùng tu các căn nhà rường cổ.