Dòng họ làm quan vương triều Nguyễn ở một làng cổ của Quảng Trị-câu chuyện bí ẩn, giai thoại ly kỳ

Thứ bảy, ngày 30/12/2023 05:15 AM (GMT+7)
Làng Hà Trung, huyện Gio Linh, (tỉnh Quảng Trị) được nhiều người biết đến không chỉ vì đây là một ngôi làng cổ xưa trên đất Quảng Trị, mà còn là nơi có dòng họ làm quan với nhiều đời đỗ đạt làm quan trong triều nhà Nguyễn.
Bình luận 0

Những giai thoại chuyện xưa tích cũ lưu truyền đến nay rất ly kỳ, thần bí nhưng xem ra có căn do.

Chuyện rằng vào thời xa xưa ấy, ở trong làng có hai ông bà lão sống rất đức độ, gia đình hòa thuận, tuy khó khăn nhưng luôn thảo thương giúp đỡ người khác. Một hôm, có hai người khách lạ phương xa đến xin tá túc, ông bà vui vẻ giúp đỡ nơi ăn nghỉ. Trưa hôm sau, khách cảm tạ và ra đi, trước khi đi có biếu ông bà một số tiền nhưng ông bà từ chối. Khi hai vị khách đi thì ông bà phát hiện tiền của khách để lại ở đầu giường nên chạy theo để đưa lại.

Cảm kích tấm lòng của ông bà, hai vị khách, thực chất là thầy địa lý phong thủy đã điểm tìm các huyệt mộ tốt trong vùng cho ông bà sau này mất để an táng. Sau khi điểm huyệt xong, hai người bảo giờ có hai huyệt tốt, một huyệt sau này con cháu có người làm vua nhưng chỉ được một đời. Huyệt còn lại thì con cháu chỉ làm quan nhưng kéo đến 13 đời. Ông bà bảo gia cảnh khó khăn, cũng không muốn gì hơn là con cháu được làm quan.

Sau khi nhận được ý nguyện gia đình, hai vị khách nói thêm vào ngày an táng thì chờ thấy cá leo lên đọt cây tre và có người đội nón đồng đi qua rồi hạ huyệt vì đó là thời khắc tốt. Các vị khách ra đi, để lại sự băn khoăn cho ông bà lão cùng con cái trong nhà, bởi đây là chuyện “bất khả thi”. Vì Hà Trung là làng ở trên đồi làm sao nước ngập lên tới, còn việc nón đồng thì xưa nay ông bà cũng chưa từng nghe.

Dòng họ làm quan vương triều Nguyễn ở một làng cổ của Quảng Trị-câu chuyện bí ẩn, giai thoại ly kỳ - Ảnh 1.

Cổng làng Hà Trung- Ảnh: VIỆT HÀ

Sau này, lúc đưa quan tài ra huyệt mộ, nhớ lời thầy, người nhà chờ một hồi chợt thấy có người câu cá đi qua, trên đầu cần câu tre trúc có con cá đeo lủng lẳng. Một hồi sau thấy có một người đi qua đội cái chiêng đồng. Do trời nắng to, người này đi mượn cái chiêng đồng về có việc làng họ, đội lên trên đầu. Khi thấy hai hiện tượng vậy con cháu vỡ lẽ và tiến hành an táng.

Những đời sau, cháu con trong nhà học hành thi cử đỗ đạt, nhiều người ra làm quan, kéo dài đến 13 đời. Tích xưa cũng kể lại, trước khi đi thầy phong thủy có để lại lời, rằng: “Bao giờ rắn sắt bò ngang, sông kia hết chảy, họ này hết quan”. Sau, Pháp xây dựng đường tàu hỏa qua giữa làng, dòng nước mạch ngầm từ hồ Phường Sen cũng cạn dần. Triều phong kiến nhà Nguyễn cũng chấm dứt...

Ông Trần Đình Khuyến là người cuối cùng của dòng họ Trần Đình “phát” về đường quan lại, làm quan đến chức Quản đạo Ninh Thuận và Tri phủ ở các phủ Bồng Sơn (Bình Định) và Anh Sơn (Nghệ An). Giai thoại hay huyền thoại cũng như làn khói sương cổ tích luôn tạo cho người ta những điều mê hoặc, thú vị.

Tuy nhiên, việc có thật là tại làng này, dòng họ Trần Đình vang danh với những vị đỗ đạt làm quan to trong triều đình nhà Nguyễn, nhiều đời có công với nước, với dân.

Đơn cử như ngài Trần Đình Ân, giữ chức Tham chính Chánh đoán sự, tước Đông Triều hầu, dưới thời Chúa Nguyễn. Ngài có nhiều công lao lớn, trong đó có việc mở mang bờ cõi về phía Nam. Khi xin về dưỡng già tại làng Hà Trung, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã làm bài thơ ghi nhận công trạng của ngài. Bài thơ hiện được khắc tại bia miếu thờ ngài.

Hiện tại làng có miếu thờ và văn bia do con rể Nội tán Nguyễn Khoa Chiêm (vợ là bà Trần Thị Mận) phụng lập. Nguyễn Khoa Chiêm cũng là một vị đại quan với việc dẹp yên loạn cũng như cải tạo điền địa giao thông, liên quan câu ca dao xưa “Thương anh, em cũng muốn vô. Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang. Phá Tam Giang ngày rày đã cạn. Truông nhà Hồ Nội tán dẹp yên”.

Theo gia phả cùng một số tài liệu thì ngài Trần Đình Ân có hai con trai là Trần Đình Khánh và Trần Đình Thuận, cũng rất mẫn tiệp và giữ các vị trí quan trọng trong triều đình. Con của ngài Trần Đình Khánh là Trần Đình Hy làm quan tới chức Bộ Hộ kiêm Hình Bộ.

Con của ngài Trần Đình Hy là Trần Đình Hiến cũng giữ chức Ký lục Quảng Nam. Ngài Trần Đình Túc, phục vụ qua các đời vua Nguyễn, công lao lớn trong chống Pháp. Ngài giữ đến chức Hiệp biện Đại học sĩ, dưới thời vua Thành Thái... Hiện tại, làng Hà Trung bên cạnh những di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh thì có các cổ mộ hình rùa, theo lời hào lão là nơi an táng các vị quan lại trong dòng họ.

Một dòng họ trong làng mà có nhiều đời tiếp nối nhau học hành đỗ đạt, có nhiều công lao trong việc mở mang bờ cõi, chống giặc ngoài xâm như vậy thật đáng trân trọng.

Nguyễn Việt Hà (Báo Quảng Trị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem