Dân Việt

Người thông tin sai sự thật về chốt thổi nồng độ cồn trên mạng xã hội sẽ bị xử lý sao?

Quang Minh 11/03/2024 09:44 GMT+7
Theo luật sư, việc cá nhân, tổ chức tự ý ghi hình xong thông tin sai sự thật, xuyên tạc về điểm, chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn của Tổ công tác là hành vi vi phạm pháp luật...

Câu hỏi: 

Bạn đọc Phạm Tiến Thành ở quận Hai Bà Trưng hỏi: Trên một số nhóm, mạng xã hội tôi thấy nhiều người thông báo cho nhau về các chốt thổi nồng độ cồn ở Hà Nội. Thậm chí, một số người còn thông tin, xuyên tạc về lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Vậy với trường hợp này, người thông tin sai về chốt thổi nồng độ cồn sẽ bị xử lý sao?. 

Trả lời:

Luật sư Ma Văn Giang – Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay, nhằm hạn chế các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia và chất kích thích, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ liên quan đến hành vi của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Song song với đó, cơ quan chức năng đã lập các điểm, chốt để xử lý vi phạm theo chuyên đề, kế hoạch đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, trong quá trình làm nhiệm vụ, một số cá nhân, tổ chức hiếu kỳ, thiếu hiểu biết đã có hành vi ghi hình và loan truyền trên mạng xã hội với mục đích thông báo địa điểm làm việc của tổ công tác để một số người vi phạm né tránh. Nguy hiểm hơn, một số trường hợp ghi hình xong thông tin sai sự thật, xuyên tạc về điểm, chốt xử lý vi phạm về nồng độ cồn của tổ công tác. 

Người thông tin sai sự thật về chốt thổi nồng độ cồn trên mạng xã hội sẽ bị xử lý sao?- Ảnh 2.

Lực lượng chức năng lập chốt kiểm tra, xử lý nồng độ cồn. Ảnh: An Sơn.

Theo điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử (sửa đổi, bổ sung tại Nghị đinh số 14/2022/NÐ-CP ngày 27/01/2022) quy định hanh vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân.

Theo luật sư Giang, trường hợp, cá nhân, tổ chức ghi hình xong thông tin sai sự thật, xuyên tạc về điểm, chốt xử lý vi phạm về nồng độ cồn của tổ công tác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.

Đối với hành vi này, mức phạt tiền tương đương với hành vi nêu trên là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân.

Ngoài ra, với hành vi vi phạm này, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.