Kể cả không uống bia rượu hay ăn các thực phẩm sinh ra nồng độ cồn, một số người vẫn có cồn nội sinh do quá trình chuyển hóa tự nhiên trong cơ thể.
Mới đây, Bộ Y tế đã tham khảo ý kiến chuyên gia về nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể dù không sử dụng rượu bia hay ăn các thực phẩm liên quan.
Pháp luật hiện nay quy định người điều khiển phương tiện giao thông không được phép có nồng độ cồn trong máu và khí thở.
Tuy nhiên, một số người vẫn lo lắng dù không dùng hay tiếp xúc thực phẩm có cồn, không sử dụng rượu bia nhưng trong máu và khí thở vẫn có cồn, từ đó dẫn đến bị xử phạt oan.
Tri Thức - Znews trao đổi với một số chuyên gia sinh hóa, công nghệ thực phẩm về cồn nội sinh để hiểu rõ hơn về nồng độ này.
Nguồn gốc của cồn nội sinh
Theo tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao Nguyễn Tất Thành, ĐH Nguyễn Tất Thành, nồng độ cồn nội sinh là nồng độ của ethanol sinh ra tự nhiên trong cơ thể, có thể tồn tại trong máu, hơi thở và trong các mô, cơ quan.
Ethanol nội sinh được tạo ra từ 2 quá trình gồm: Quá trình chuyển hóa của vi sinh vật trong đường tiêu hóa và Quá trình trao đổi chất của các tế bào của cơ thể.
Tuy nhiên, cả 2 nguồn này thông thường chỉ tạo ra một lượng ethanol rất nhỏ trong máu, còn trong hơi thở hiếm khi vượt quá mức 2 mg/L.
Trong một số trường hợp hiếm với người mắc các bệnh về đường tiêu hóa như vi khuẩn đường ruột non phát triển với số lượng rất cao, ethanol cũng tạo ra nhiều hơn, đặc biệt là với người có chế độ ăn nhiều đường, tinh bột.
Một số trường hợp nhiễm nấm Candida albicans trong đường tiêu hóa cũng làm tăng lượng ethanol sinh ra do quá trình chuyển hóa của loài nấm này.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó bộ môn Dược học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cũng cho hay trong cơ thể người luôn có một lượng nhỏ ethanol. Đây là kết quả của chuyển hoá của hợp chất carbohydrate, tức quá trình lên men trong cơ thể.
"Thức ăn có chứa carbohydrate hoặc yaourt khi vào trong cơ thể được enzym hoặc hệ vi sinh vật trong cơ thể chuyển hóa, tạo thành ethanol. Tuy nhiên, lượng ethanol nội sinh này rất nhỏ, không đáng kể, sẽ không dễ bị phát hiện từ việc thổi nồng độ cồn trong hơi thở", tiến sĩ Triết nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, ethanol nội sinh sẽ sớm chuyển hóa thành CO2 và đào thải ra khỏi cơ thể trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, chuyên gia này nhấn mạnh nồng độ chất này trong cơ thể rất thấp, không thể đo bằng máy đo nồng độ cồn, cũng không thể gây ảnh hưởng xấu tới khả năng tham gia giao thông.
Cần thêm nghiên cứu về cồn nội sinh
Theo tiến sĩ Bùi Lê Minh, quy định về cồn nội sinh cần xây dựng trên cơ sở khoa học.
Việt Nam đang bị thiếu khảo sát về cồn nội sinh cũng như những nghiên cứu về mối liên hệ của cồn nội sinh và sức khỏe hay khả năng điều khiển phương tiện giao thông.
"Nếu khảo sát cho thấy phần lớn người dân đều có mức cồn nội sinh nhất định trong cơ thể, đây là dữ liệu cần phải cân nhắc khi đưa ra các luật có liên quan đến nồng độ cồn trong hơi thở hay trong máu để tránh đánh đồng người sử dụng và không sử dụng đồ uống có cồn trước khi tham gia giao thông", ông nhận định.
Ngoài ra, việc ghi nhận các trường hợp bệnh lý có dẫn tới mức cồn nội sinh cao sẽ giúp người dân tăng cường nhận thức về hiện tượng này và Nhà nước có thể đưa ra các quy định có liên quan hay các khuyến cáo y tế phù hợp.
Bổ sung thêm, tiến sĩ Nguyễn Thành Triết cho hay thời gian đào thải ethanol nội sinh của mỗi người rất khác nhau tùy tình trạng sức khỏe, giới tính hoặc đặc điểm di truyền...
"Việc xử phạt khi có nồng độ cồn cần có khung phạt cụ thể, mức nồng độ cồn tối thiểu nào sẽ bị phạt, chứ không thể có nồng độ cồn là phạt như nhau. Khi quyết định nồng độ cồn tối thiểu, mức xử phạt cần phân chia ra nhiều nhóm khác nhau, dựa trên bệnh lý kèm theo, có thể chứng minh qua hồ sơ bệnh lý của người bị xử phạt", tiến sĩ Triết nêu ý kiến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.