Vì thế, khi nghe bạn rủ đi xem cái chợ Âm phủ-cái chợ mang tên thế giới khác đó là gật liền.
Vì thế, khi nghe bạn rủ đi xem cái chợ Âm phủ-cái chợ mang tên thế giới khác đó là gật liền.
Chiều gần cuối thu. Nắng mật vàng ong. Tôi theo xe bạn đến Cao Thượng (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) trong tâm trạng đầy háo hức.
Bạn nói, Cao Thượng là làng nhưng cũng là xã. Đây là một làng cổ có tuổi đời hàng mấy trăm năm, tựa vào chân núi Yên Ngựa nhìn ra ngòi Ngân Chử ở phía trước.
Đình cổ mang tên làng được dựng lên từ thời Lê, như vậy cũng xa xăm lắm rồi. Phía sau đình là chùa Cao Thượng cũng từng rất lừng danh nhưng bị quân Pháp đốt phá vào năm 1890.
Bãi đất rộng rãi giữa đình và chùa trở thành chợ-cái chợ Âm phủ.
Đình có chợ “ăn theo” nên có tên gọi khá quen thuộc khác là đình Chợ. Cũng độc đáo ạ, trong một không gian ôm đủ cả đình - chợ - chùa, tín ngưỡng, tôn giáo và cuộc đời hòa trộn vào nhau, thực hư hư thực đan xen.
Cái đáng nói hơn là dấu vết quá khứ, một quá khứ bi tráng gắn liền với cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài đằng đẵng ba mươi năm cùng tên tuổi vị Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám lại là hạt nhân, là giá trị cốt lõi của không gian này.
Chợ phiên mùng 2 Tết ở chợ Âm phủ (xã Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) bắt đầu họp từ lúc 2 giờ sáng. Ảnh tư liệu.
Hành trình dựng nước, giữ nước của dân tộc ta thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của bao lớp người. Có người nổi tiếng nhưng phần đông là vô danh, họ lẫn khuất vào sông núi cỏ cây, vào thôn mạc, vào gió sương mưa nắng thiên thu.
Những vô danh, muôn vàn vô danh không kể xiết ấy hình như vẫn chập chờn đâu đó giữa dòng tâm tưởng của hôm nay, khi thế giới đã trở nên siêu phẳng và nhân loại trong đó có Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên chuyển động số, chuyển động xanh.
Dẫu vậy, phát triển hiện đại đến bao nhiêu thì phần lịch sử, truyền thống dân tộc vẫn rất cần được bảo lưu, gìn giữ và phát huy để nó cũng là nguồn năng lượng đáng kể cho hiện tại và tương lai đất nước.
Cái tên chợ Âm Phủ gợi lên trong tôi điều vừa nhắc tới. Thực ra thì chợ này còn có những tên khác nữa như chợ Âm Dương; chợ Đình, chợ Mùng Hai…
Tên chợ Âm Dương, Âm Phủ gợi tới sự gặp gỡ giữa hai cõi sống và chết vô cùng cách biệt. Chợ là nơi gặp gỡ của người và những linh hồn? Chợ chỉ nhóm họp từ hai giờ sáng đến tinh mơ thôi. Khoảng thời gian đêm sắp tàn và ngày gần tới.
Có lẽ đấy là cách người ta hay nghĩ tới nhất, cũng trùng hợp với tư duy tín ngưỡng của dân ta. Có người kể rằng đây là vùng đất động nên phải mở chợ âm phủ mới yên lành được.
Nhiều mặt hàng nông, thủy sản của bà con nông dân các địa phương trong vùng đem đến chợ Âm Phủ bán. Chợ Âm phủ ở xã Cao Thượng (xưa vốn là một làng cổ), huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ảnh tư liệu.
Chưa hết, người ta còn cho rằng nơi đây xưa kia là bãi trận, nhiều chiến binh đã ngã xuống trong các cuộc giao tranh đẫm máu nên đời sau mở chợ để cho họ có dịp trở lại thăm chốn trần gian. Gọi là chợ Đình cũng chẳng sai vì bãi chợ gắn với đình Cao Thượng.
Đặt tên là chợ Mùng Hai vì mỗi năm chỉ họp một lần vào mùng hai Tết ta. Mỗi tên gọi có một cách lý giải riêng, tin hay không tin thì tùy người nghe nhưng theo tôi cách lý giải nào cũng mang trong nó sự tri ân, nhân ngãi và cả huê tình nữa của dân gian.
Nghe đồn, có khi tan buổi chợ người ta thấy trong thúng mủng của mình có cả tiền âm phủ. Tôi đem điều ấy hỏi anh Nguyễn Ngọc Toản, Tổ trưởng tổ dân phố. Anh cười, làm gì có chuyện đó, người ta bịa ra cho ly kỳ thôi; chợ Đình của làng mở vào mùng Hai Tết Âm lịch, từ khuya đến sáng, bà con đến đó mua bán những thứ mình có và cái mình cần nhưng chủ yếu để cầu may, không mặc cả.
Phiên chợ là dịp để bà con ta gặp gỡ đầu xuân, chúc tụng nhau trong năm vạn sự như ý. Anh Toản còn nói rằng, khi lớn lên đã có chợ rồi và theo lời các cụ thì chợ Đình có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
Đây là nơi truyền tin, cung cấp lương thực, thực phẩm cho các nghĩa binh của Cụ Đề Thám. Về chuyện này thì anh Trần Đình Dũng (Châu Giang), Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) nói kỹ hơn.
Theo anh, trong thời gian nổ ra phong trào Khởi nghĩa nông dân Yên Thế, giặc Pháp cho rằng Cao Thượng - Luộc Hạ là nơi cung cấp nhân tài, vật lực, cũng là trạm liên lạc với nghĩa quân Cao Biều Tổng Bưởi, Lưu Kỳ, Hoàng Thái Nhân và nghĩa quân Bãi Sậy.
Cao Thượng là cửa ngõ vào Yên Thế, vì thế vùng đất này thường xảy ra các cuộc giao chiến ác liệt, nhiều người bị chết. Chợ được mở bắt đầu từ đó để cho các vong linh trận mạc được trở về gặp gỡ người dương thế.
Chợ Âm Phủ vẫn được mở mỗi năm một lần vào một ngày nhất định, khoảng thời gian nhất định như một sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân thị trấn Cao Thượng.
Dân nhiều nơi khác cũng đến đây mua bán cầu may. Ai cũng vậy thôi, mong cuộc sống bình an gặp nhiều may mắn.
Chợ bây giờ cũng có những đổi khác như điện sáng trưng, những thứ đem ra mua bán cũng không còn đơn thuần là những đặc sản ẩm thực của làng như bún, cá, rau cần, bánh gio, bánh đa đỏ… Nhiều người xem đó là sự đổi mới, với tôi lại nghĩ khác, cái chợ Âm Phủ nên đậm chất âm phủ.
Nghĩa là, nó không cần ánh sáng điện mà cứ nên duy trì những ngọn đèn dầu hoe hoe vàng như ngày xưa và cũng không nên khoác cho nó màu sắc hiện đại làm gì cả.
Trong tỏ mờ, không gian chợ sẽ xa xăm và huyền bí hơn, sẽ có nhiều lối nẻo cho trí tưởng tượng dấn bước.
Trong mờ tỏ những lao xao chốn chợ bắt vào nhịp thở của trời đất lâng lâng đầu năm chắc sẽ có nhiều dư âm sương khói bảng lảng hơn. Đấy là cách tôi nghĩ, cho chợ này đúng như cái tên nó mang là Âm Phủ hay Âm Dương.