Cũng vì được trọng dụng, buộc phải làm quan ở hai triều đại đối kháng mà Bùi Dương Lịch mang tiếng “thay thầy, đổi chủ”.
Thế nhưng, ít ai biết rằng “Bao phen sông nước đổi thay/ Phong ba không vẩn lòng này kiên trinh” như lời ông tự bạch, cho hậu thế thấy được triết lý muôn thuở rằng, thời phải thế, thế phải thế, việc phải thế.
Tháng 7/1787, Bùi Dương Lịch tham gia thi Hội và đỗ Hội nguyên, rồi thi Đình đỗ Đình nguyên nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp).
Tuy nhiên, ông chưa kịp thăng quan và cũng chưa kịp cưới công chúa (vua Lê Chiêu Thống hứa gả) thì quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm chỉ huy kéo ra Thăng Long giết chết Nguyễn Hữu Chỉnh. Sự kiện này khiến vua Lê Chiêu Thống hoảng hốt bỏ chạy, rồi cho người sang cầu viện nhà Thanh.
Mang ơn tri ngộ của vua Lê nhưng cuối cùng Bùi Dương Lịch không thể đi theo mà về quê ẩn giấu tông tích mong giữ trọn đạo vua tôi.
Tuy vậy, nhà Tây Sơn sau đó vẫn biết tung tích nên vua Quang Trung nhiều lần cho triệu Bùi Dương Lịch vào Phú Xuân tham gia triều chính, ông đều tìm cách từ chối.
Năm 1791, khi vua Quang Trung tiếp tục mời ông ra giúp việc biên soạn và dịch thuật ở Viện Sùng chính dưới quyền La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp thì ông mới nhận lời.
Công việc học thuật mà ông tham gia đang phát triển thuận lợi, thì vua Quang Trung mất. Ông trở về quê dạy học vì Viện Sùng chính ngừng hoạt động.
Khi vua Gia Long lên ngôi (1802) và ông bị triệu ra làm quan với chức Đốc học Nghệ An (từ 1805-1808), làm Phó Đốc học Quốc Tử Giám ở Huế (1812), nhưng chỉ được một năm thì xin cáo quan (1813) về quê dạy học và viết sách.
Cả đời gắn bó với giáo dục
Dù làm quan dưới ba triều đại khác nhau nhưng Hoàng giáp Bùi Dương Lịch đều gắn liền với vai trò giáo dục.
Đỗ đạt triều Lê, làm quan triều Tây Sơn và Đốc học triều Nguyễn nên Bùi Dương Lịch bị mỉa mai “thay thầy, đổi chủ”: Lê triều cử Tiến sĩ/ Tây ngụy sĩ Hàn lâm/ Bản triều vi Đốc học/ Tứ hải công tri âm (Triều Lê đậu Tiến sĩ, thời ngụy Tây Sơn làm quan Hàn lâm, đến triều Nguyễn làm đốc học, bốn biển đều biết tiếng).
Đáp lại những mỉa mai ấy, Bùi Dương Lịch viết những câu tự thán: Kỷ độ giang hà thành biến cải/ Phong ba bất một thử kiên kinh (dù sông nước có đổi thay nhưng tấm lòng kiên trinh không bao giờ bị nhơ bẩn, một lòng hướng về chủ cũ).
Trong suốt cuộc đời làm quan, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch gần như đều gắn với giáo dục. Bởi vậy, người đương thời biết đến ông với tư cách là một nhà giáo nhiều hơn so với các chức quan.
Không kể những năm tháng đi học và một thời gian phục vụ triều Lê, thời gian làm việc cho Tây Sơn và nhà Nguyễn ông chỉ đảm nhận những việc liên quan đến giáo dục, học thuật như dịch sách, lĩnh chức đốc học và phụ trách công việc tại Quốc Tử Giám. Thậm chí, ngay cả khi đã cáo quan về trí sĩ, ông cũng chỉ chuyên tâm dạy học.
Danh nhân Nguyễn Văn Siêu đánh giá về Bùi Dương Lịch, rằng: “Ở Hoan Châu, nhân tài nổi tiếng xuất hiện, cùng sánh vai với các vùng trong nước. Triều đại hưng thịnh như ngày nay, nếu không có công lao đóng góp của ông thì lấy ai làm người tác thành cho lớp hậu sinh để nhà nước sẵn có mà dùng.
Kẻ sĩ nối tiếp nhau thành đạt ở đất Châu Hoan này không chỉ có tình nghĩa thân thiết mà phần lớn đã trở thành những bậc danh thần, tiếp bước rạng rỡ trên các trường thi”.
Những lời đánh giá đó ít nhiều cũng đã nói lên được công lao to lớn của Bùi Dương Lịch. Học trò của ông đã tìm cách sưu tầm sắp xếp các bài giảng của thầy để lưu truyền cho hậu thế. Trong các sách dạy học của ông, người ta chú ý đến một cuốn sách có tên là “Bùi gia huấn hài”.
Theo Viện nghiên cứu Hán Nôm, “Bùi gia huấn hài” - tức sách dạy trẻ của gia đình họ Bùi được ông biên soạn trong thời gian dạy học ở Thăng Long (trước năm 1787).
Đây là một cuốn sách giáo khoa nhằm dạy cho trẻ em những kiến thức phổ thông cơ bản nhất. Sách dày hơn 400 trang, gồm 3 phần riêng biệt, thể hiện được học vấn uyên bác của Bùi Dương Lịch.
Chính vì vậy mà “Bùi gia huấn hài” được Phan Huy Chú đánh giá trong “Lịch triều hiến chương loại chí” là đã “lược chép được đại yếu các sách tử sử và tính lý, lời gọn, ý rộng”.
Xuất phát từ thực trạng giáo dục lúc bấy giờ, là một người thầy - Bùi Dương Lịch nhận thấy việc dạy trẻ em thuộc lòng sách “Thiên tự” do Chu Hưng Tự - một người Trung Quốc thời nhà Lương biên soạn chẳng đem lại lợi ích gì.
Theo Bùi Dương Lịch, trẻ em tuy có trí nhớ tốt, nhưng hiểu biết còn non kém, nếu sách giáo khoa không có vần thì đọc không thuận miệng mà dễ sinh ra nản lòng, trong sách không giải thích rõ ý nghĩa thì trẻ sẽ hiểu biết lơ mơ mà nhận định không đúng.
Bởi vậy, ông soạn “Bùi gia huấn hài” là: “Tóm tắt những điều cốt yếu, trên từ việc sinh ra trời đất, người vật, tiếp đến thứ tự đế vương, kể rõ sự tích nước Việt ta lúc chia lúc hợp, rồi đến truyền thống về Đạo học, sau cùng đến phương pháp học của trẻ con.
Tất cả các kiến thức ấy đều chọn lọc trong lời của các bậc tiên nho đã phát minh và giảng rõ. Đó là muốn thuận theo tính trẻ con mà dạy dỗ, chứ không phải là dạy theo lối tắt” (lời Tựa).
Theo chuyên gia Viện nghiên cứu Hán Nôm, dù nói “đã phát minh và giảng rõ”, nhưng Hoàng giáp Bùi Dương Lịch vẫn góp ý kiến của riêng mình, nhất là từ phương pháp chọn lọc kiến thức của các bậc tiên nho.
Để lại nhiều tác phẩm quý
Từ các tác phẩm mà Hoàng giáp Bùi Dương Lịch để lại, giới nghiên cứu còn cho rằng ông là một tác gia có nhiều tác phẩm rất giá trị. Nếu như qua các tác phẩm: Nghệ An ký, Yên Hội thôn chí, Lê quý dật sử, Bùi gia huấn hài… nhiều người chỉ đánh giá ông về mặt giáo dục và khoa học. Ở mảng thơ văn, các tác phẩm của ông dần được sưu tầm và giới thiệu rộng rãi.
Theo Viện nghiên cứu Hán Nôm, thơ văn của Bùi Dương Lịch hiện đã được dịch, có “Ốc lậu thoại”, gồm: Thơ mừng thi đậu, mừng thắng trận, nghe sấm, vịnh Cố đạo Tây, vịnh Hà Nội thất thủ, vịnh gàu tát nước, chùa Thầy, cửa Hàm Tử, Bài từ răn sĩ tử, Bài thuyết nói về việc bắt chuồn chuồn, đạo Phật…
“Bùi Tồn Trai liên văn” gồm hơn 700 đôi câu đối đề ở đền, miếu, đình, chùa, cung thành… tại các thôn, xã, tổng, huyện, trấn. “Thơ Bùi Dương Lịch” gồm 52 bài thơ vịnh cảnh, thơ vịnh phong thổ và thơ tức sự.
Cho đến nay, cuộc đời, sự nghiệp và hành trạng của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch vẫn chưa hoàn toàn được giải mã rõ. Vẫn còn nhiều bí ẩn, nhưng tựu chung ông đã không gặp thời trên con đường quan lộ.
Làm tôi ba triều đại, bị mỉa mai “thay thầy, đổi chủ” nhưng qua một số tác phẩm của ông - hậu thế lại thấy những hoàn cảnh lịch sử đầy phức tạp mà một nhà khoa bảng - một danh sĩ phải thuận theo thời thế.
Theo các nguồn sử liệu, năm 1813 Bùi Dương Lịch cáo quan về quê dạy học. Năm 1828, ông qua đời ở tuổi 71 tuổi. Học trò của ông, có nhiều người đỗ đạt, làm quan dưới triều nhà Nguyễn.
Nhà thờ Hoàng giáp Bùi Dương Lịch
Nhà thờ Hoàng giáp Bùi Dương Lịch được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1998.
Hiện tại xã Tùng Ảnh – quê hương Bùi Dương Lịch vẫn còn nhà thờ do những người học trò dựng trên khu đất vườn sau khi ông qua đời. Nhà thờ được công nhận di tích năm 1998.
Theo hồ sơ, trong khuôn viên nhà thờ có tấm văn bia làm từ năm 1866 cao 0,9m, rộng 0,65m, dày 0,15m có trang trí hoa văn đẹp. Bia do con rể ông là Nguỵ Thiện Phủ chế tác, công việc chưa xong thì ông qua đời, sau đó con trai ông là Bùi Thúc Kiên tiếp nối hoàn thành.
Bài văn bia do Nguyễn Văn Siêu soạn gồm 500 chữ nhận xét cô đọng về cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.