Theo ghi nhận vào lúc 13h24 (giờ Việt Nam), giá cà phê trên thị trường thế giới giảm.
Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 5/2024 được ghi nhận tại mức 3.297 USD/tấn sau khi giảm 2,48%.
Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 tại New York ở mức 185,2 US cent/pound sau khi giảm 3,64%.
Giá cà phê tại thị trường Tây Nguyên hôm nay ghi nhận tăng tại các tỉnh thành được khảo sát. Các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 90.500 - 91.500 đồng/kg. Cụ thể, sau khi tăng 700 đồng/kg, hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông hiện có giá cà phê ở mức thấp nhất và cao nhất là 90.5000 đồng/kg và 91.500 đồng/kg. Thương lái thu mua cà phê tại Gia Lai và Đắk Lắk với giá tương ứng là 91.200 đồng/kg và 91.300 đồng/kg - cùng tăng 600 đồng/kg.
Cuối tháng 2/2024, đà tăng giá cà phê Robusta chậm lại, trong khi giá cà phê Arabica giảm do lo ngại rủi ro tăng cao trước khả năng kinh tế Hoa Kỳ sẽ suy thoái trở lại khiến các quỹ và đầu cơ dịch chuyển dòng vốn đi tìm kiếm các thị trường có mức lợi nhuận hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, báo cáo tồn kho tăng mạnh đã gây ra hiện tượng bán tháo của các quỹ và nhà đầu cơ, khiến giá cà phê chịu ảnh hưởng.
Dự báo giá cà phê thế giới sẽ chịu áp lực giảm trong thời gian tới do hoạt động bán tháo của các quỹ và nhà đầu cơ, bất chấp lo ngại nguồn cung đang bị thắt chặt vì vấn đề vận tải hàng hải quốc tế và nhu cầu toàn cầu về loại cà phê “giàu vị đắng” ngày càng cao.
Nhận định trên dựa vào một số yếu tố sau. Dữ liệu báo cáo tồn kho của ICE tăng đáng kể trên cả hai sàn. Tính đến ngày 23/2, tồn kho cà phê Robusta do sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát tăng 2.910 tấn (tương đương mức tăng 14,5%) so với tuần trước, lên mức 23.000 tấn (khoảng 383.333 bao, bao 60 kg).
Ngoài ra, số liệu ước tính xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2024 và dự kiến sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2024-2025 cao hơn các dự báo trước đó do thời tiết khô hạn đã giảm bớt, trong khi biến động tỷ giá USD/BRL đã khuyến khích người Brazil đẩy mạnh bán cà phê xuất khẩu.
Tuần qua, đồng USD giảm giá sau tuyên bố trì hoãn việc cắt giảm lãi suất đến nửa sau năm nay của chủ tịch Fed đã khiến dòng vốn đầu cơ ồ ạt chảy vào các thị trường hàng hóa phái sinh.
Các quỹ và đầu cơ quay lại các thị trường cà phê kỳ hạn để tăng mua, bất chấp các yếu tố cơ bản không hỗ trợ với báo cáo xuất khẩu tăng của nhiều khu vực sản xuất trên thế giới.
Nhận định về thị trường tuần này, nhiều chuyên gia cho biết thị trường 2 sàn cà phê thiên về xu hướng giảm nếu xét về vị thế kinh doanh đang có và tồn kho tăng trở lại. Theo các chuyên gia, nếu giữ được đà tăng như tuần trước phải có động lực rất mạnh đến từ các cuộc họp chính sách tiền tệ, biến cố thời tiết hay thảm họa thiên tai...
Ở chiều ngược lại, cà phê tuần này có xu hưởng giảm nhẹ. Tuy nhiên, theo các nhận định khác, dù cà phê 2 sàn đi xuống thì giá cà phê trong nước vẫn có thể tăng, bởi nguồn cung đang cạn kiệt.
Theo ước tính, tháng 2/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 200 nghìn tấn, trị giá 655 triệu USD, giảm 16,1% về lượng và giảm 9,8% về trị giá so với tháng 1/2024, so với tháng 2/2023 giảm 0,2% về lượng, nhưng tăng 50,3% về trị giá. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 438 nghìn tấn, trị giá 1,38 tỷ USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 85% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 2/2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.276 USD/tấn, tăng 7,4% so với tháng 1/2024 và tăng 50,6% so với tháng 2/2023. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.153 USD/tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2023.