Clip: Người dân xã Thanh An, huyện Điện Biên thu hoạch khoai lang.
Cách đây 5 năm, sau khi đi thăm quan nhiều mô hình nông nghiệp ở vùng Tây Bắc, anh Tòng Văn Chính, bản Phiêng Ban, xã Thanh An, huyện Điện Biên quyết định trồng thử giống khoai lang trắng trên chân ruộng một vụ lúa của gia đình.
"Lúc đầu tôi trồng khoai lang, không nghĩ sẽ thành công. Nhưng sau vụ đầu trồng thử, giống khoai này tỏ ra rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây.
Khoai củ to, năng suất cao, ăn thơm ngon mà giá bán lại rất tốt. Sau 2 vụ trồng thử, tôi quyết định giành toàn bộ đất màu trước đây gia đình trồng các loại cây màu khác để trồng khoai lang.
Để tạo vùng chuyên canh, có thương hiệu cho khoai lang Thanh An, tôi đã vận động nhiều gia đình tham gia trồng", anh Chính chia sẻ.
Khoai lang trắng Thanh An (Điện Biên) là một trong những cây màu mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Ảnh: Thu Hường
Khi khoai Thanh An đã trở thành thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng diện tích còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chính quyền xã Thanh An đã tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng vụ 3 thay vì các loại rau màu kém hiệu quả sang trồng cây khoai lang trắng.
Đến nay, người dân xã Thanh An đã mở rộng diện tích trồng khoai lang lên đến 27ha. Trong đó, diện tích trồng tập trung chủ yếu ở thôn Đồi Cao với 18 ha và bản Chiềng An với 6 ha.
Đây là những thôn, bản có diện tích đất nông nghiệp nằm ở khu vực cao, khó trồng lúa nước.
Sau 4 năm trồng khoai lang vụ đông, anh Tòng Văn Chính, bản Phiêng Ban, xã Thanh An, huyện Điện Biên thấy rõ hiệu quả của loại cây trồng này.
Anh Chính cho biết: Khoai lang là cây trồng chịu được khô hạn, 1 vụ trồng chỉ cần tưới từ 3 - 4 lần nên tốn ít công chăm sóc.
Chi phí vật tư phân bón cũng ít hơn so với trồng ngô, lúa; chỉ sử dụng phân chuồng hoại mục, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Năng suất khoai lang trắng đạt trung bình đạt từ 11 - 12 tấn/ha. Giá bán hiện tại dao động từ 10.000 - 17.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm, sẽ cho người dân thu nhập khoảng 130 - 150 triệu đồng/ha, cao hơn hẳn so với trồng lúa.
Để thương hiệu khoai lang có chỗ đứng trên thị trường, chính quyền xã Thanh An đang xây dựng thương hiệu khoai lang Thanh An thành sản phẩm OCOP.
Chia sẻ với phóng viên, bà Trần Kim Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: "Chúng tôi đang xúc tiến xây dựng thương hiệu khoai lang là sản phẩm OCOP đặc trưng của xã. Cái khó hiện nay chính là xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo ổn định.
Xã đã có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu khoai lang lên trên 50ha ở những diện tích thiếu nước, không thể trồng lúa nước".
Vụ đông này, gia đình anh Chính trồng 8.000m2 khoai lang và mới thu hoạch được 3.000m2. Anh Chính đánh giá năng suất khoai đạt trên 1 tấn/1.000m2.
Với giá bán hiện nay khoảng 13.000 đồng/kg, gia đình anh thu nhập khoảng 100 triệu đồng. So với trồng lúa và các loại rau màu khác trên cùng diện tích, trồng khoai lang cho năng suất và thu nhập cao hơn.
Ông Lò Văn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh An (huyện Điện Biên) cho biết: Hiện tại, chúng tôi đã triển khai cho bà con nông dân chuyển đổi cây trồng vụ 3 thay vì các loại rau màu kém hiệu quả sang trồng cây khoai lang.
Thương hiệu khoai lang Thanh An đã được nhiều người biết đến với chất lượng thơm ngon. Khoai lang Thanh An không chỉ bán phục vụ người dân Điện Biên mà khách hàng ở nhiều tỉnh khác cũng đặt mua.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân cùng UBND xã Thanh An tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích trồng khoai lang trên những thửa ruộng hạn chế nước tưới như các thôn Đồi Cao, Đông Biên, Phiêng Ban và các bản Chiềng An, Chiềng Chung... Nâng diện tích trồng từ 27ha lên 35ha trong năm 2025.
Khoai lang trắng Thanh An (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) với đặc điểm vỏ trắng, mỏng, ngọt, bở đỗ nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Thu Hường
Cây khoai lang đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Thanh An.
Để thương hiệu "khoai lang Thanh An" có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân cần chung tay phát triển khoai lang thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương.
Áp dụng khoa học kỹ thuật để cây khoai lang cho năng suất, sản lượng cao; tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho khoai lang Thanh An.