Mùa thu hoạch thanh trà thường bắt đầu từ giữa cuối tháng Giêng và kéo dài đến tháng 3 Âm lịch.
Với khách phương xa, “chỉ dấu” để nhận biết mùa trái chín là khi hai bên Quốc lộ 1 (gần dốc cầu Cần Thơ ở phía tỉnh Vĩnh Long ) từng chùm thanh trà vàng ươm, lúc lỉu được treo lên, bày bán.
Thanh trà hiện nay có 2 loại phổ biến là thanh trà chua (ít vị ngọt) và thanh trà ngọt, được trồng tập trung ở 2 xã giáp ranh Mỹ Hòa và Đông Thành của thị xã Bình Minh, tổng diện tích ước khoảng gần 30 ha.
Cụ Huỳnh Quang Xinh, gần 90 tuổi ở xã Đông Thành cho biết: Thanh trà Bình Minh có nguồn gốc từ vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang), Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), theo chân khách thương hồ về đây hơn 70 năm.
Theo cụ Xinh và nhiều lão nông ở thị xã Bình Minh, ban đầu tên gọi của nó là sơn trà hoặc xoài núi.
Quả to nhất chỉ bằng đầu ngón tay cái, “chua lè”, được dân địa phương trồng lẻ tẻ trong vườn nhà, chủ yếu để trẻ con ăn cho vui.
Thanh trà là trái cây có tác dụng giải nhiệt, đựa ưa chuộng trong những ngày nắng nóng.
Theo thời gian và tập quán trồng trọt lâu đời, gốc cây nào cho quả to thì được giữ lại, nhân rộng nên trái cây ngày càng đẹp và cái tên thanh trà mĩ miều không biết xuất hiện tự bao giờ.
Riêng với thanh trà ngọt (không phải thanh trà Thái, do không hợp thổ nhưỡng nên quả nhỏ, nhiều xơ, ít người trồng), hơn mười năm trước đã được ông Huỳnh Văn Cập (xã Đông Thành) lai ghép thành công.
Hợp tác xã thanh trà ngọt Năm Cập do ông Cập làm giám đốc ra mắt năm 2021, hiện có 15 thành viên, chuyên canh 15ha thanh trà. Cuối năm 2023, sản phẩm quả thanh trà ngọt Năm Cập đã được tỉnh Vĩnh Long công nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao.
Cùng với bưởi Năm Roi, thanh trà trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho các nhà vườn thị xã Bình Minh và góp phần tạo nên sắc thái phong phú cho nguồn tài nguyên du lịch của địa phương.
Dưới đây là một số hình ảnh bước vào mùa thu hoạch trái thanh trà tỉnh Vĩnh Long:
Vui lòng nhập nội dung bình luận.